MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

50 tuổi từng muốn bỏ hát, NSND Thanh Hoa tiết lộ người bí mật kéo quay lại

L.C LDO | 26/08/2019 16:20

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa tiết lộ từng muốn bỏ nghề hát tuy nhiên chính nhà giáo Hồ Mộ La đã giúp cô có thêm sức mạnh theo đuổi nghề.

Mới đây, Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa, Nghệ sĩ ưu tú Hà Thủy, ca sĩ Anh Thơ, Huyền Trang,… cùng nhiều giảng viên, ca sĩ khác đã cất cao tiếng hát gửi tặng người thầy giáo của mình – nhà giáo Hồ Mộ La trong lần sinh nhật thứ 90.

Nhà giáo Hồ Mộ La được biết đến là ca sĩ, nghệ sĩ, nhà giáo ưu tú của Việt Nam. Cuộc đời bà gắn liền với sự nghiệp giảng dạy thanh nhạc, phát hiện và đào tạo nhiều nghệ sĩ, ca sĩ người Việt Nam với dòng nhạc thính phòng, nhạc cổ điển như Rơ Chăm Phiang, Tố Uyên, Hà Thủy, Anh Thơ,...

 Nhà giáo Hồ Mộ La. Ảnh: ST. 

Chia sẻ về sự ảnh hưởng của nhà giáo Hồ Mộ La với mình, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa cho biết, mặc dù 50 tuổi mới có duyên được học nhưng chính nhà giáo Hồ Mộ La đã giúp cô có thêm sức mạnh theo đuổi nghề, tiếp tục hát đến tận bây giờ khi quyết định bỏ nghề ở thời điểm đó.

NSND Thanh Hoa cảm ơn người cô yêu quý. Ảnh: ST.

“Em biết ơn cô nhiều, cô là tấm gương cho em và tất cả các thế hệ học tập, noi theo. Em hứa không phụ lòng yêu thương của cô. Cô có nói một câu em nhớ mãi “Rất tiếc Thanh Hoa học cô muộn” nhưng em nghĩ không có gì muộn cả. Đến bây giờ em đi đâu vẫn tự hào là học sinh cô Mộ La”, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa dành tất cả sự trân trọng cho nhà giáo Hồ Mộ La.

Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ cũng có mặt trong buổi sinh nhật người chị yêu quý. Ông tâm sự, mặc dù có lịch biểu diễn nhưng ông vẫn dành chút thời gian để đến chúc mừng người chị đồng nghiệp của mình.

NSND Quang Thọ hát chúc mừng sinh nhật nhà giáo Hồ Mộ La. Ảnh: ST.

Nhớ lại cơ duyên gặp gỡ với nhà giáo Hồ Mộ La, khi đó bà đang là giảng viên trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đi tuyển sinh miền Bắc ở Quảng Ninh.

Là công nhân mỏ nhưng tham gia ca hát từ lâu nghe tin, ông đã đến tuyển sinh với mong muốn có cơ hội để học chuyên nghiệp. Vì Quảng Ninh thành lập đoàn văn công xung kích đi phục vụ chiến trường, ông đã từ bỏ để theo lệnh tỉnh ủy khoác balo lên đường 2 năm. Sau này, ông về học ở Nhạc viện Hà Nội, rồi làm giảng viên ở đây và may mắn có cơ duyên làm đồng nghiệp với nhà giáo Hồ Mộ La.

“Lẽ ra tôi phải là người học trò đầu tiên từ những năm 1970 của bà nhưng duyên phận thay đổi”, Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ cười.

Là một trong những học trò xuất sắc của nhà giáo Hồ Mộ La, ca sĩ Anh Thơ cũng cho biết, chị được học cô Hồ Mộ La trong 5 năm. Suốt thời gian ấy chị đã được dạy bảo rất nhiều để có kinh nghiệm và những kỹ năng thanh nhạc giảng dạy cho các thế hệ sinh viên bây giờ.

“Phương pháp của cô dạy hát Belcanto (cách hát đẹp cổ điển) phải dựng hoàn toàn bằng khẩu hình, âm thanh khác, tôi ở nhà quê ra nên chưa hiểu lắm, có hôm cả cô trò say mê học 2 tiếng.

Cô là người rất kín tiếng, không chia sẻ chuyện gia đình, vừa dạy thanh nhạc vừa phiên dịch tiếng Trung để có tiền nuôi các con. Cô cũng là người rất tình cảm, mộc mạc, dễ gần, mỗi lần đi thi cô chỉ mong tôi được 9,5 nhưng tôi luôn được 10 vượt ngoài mong đợi của cô”, ca sĩ Anh Thơ chia sẻ về cô giáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn