MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ai là người đầu tiên chinh phục Fansipan?

Ghi chép của Nguyễn Huy Minh LDO | 28/01/2020 07:30

Đi vòng quanh Fansipan thì tôi đã có dịp trải nghiệm nhiều lần. Chẳng hạn như khi đi viết phóng sự “Kimono trong rừng thẳm” năm 2007 tại vùng đất của người H’Mông Xanh ven triền Hoàng Liên Sơn, vị trí mà nếu tiếp tục băng qua núi đồi sóng lượn xuyên mây thêm 12 giờ nữa sẽ đến đỉnh cao nhất Đông Dương. Tới năm 2008, tôi mới có thể chinh phục được Fansipan nhờ sự dẫn đường của ông Trần Ngọc Lâm - một người thông thạo vào cỡ "thần rừng, thổ địa" của dải hùng sơn danh tiếng lẫy lừng này.

Nhưng tôi không biết ai là người đầu tiên chinh phục Fansipan. Câu hỏi này lẩn khuất như một món nợ còn tồn đọng.

“Đứng trên đỉnh núi cao nhất này của Tổ quốc mà nhìn ra bốn phía chung quanh, chúng ta có thể thấy dàn ra trước mắt bao nhiêu là dãy núi trùng trùng điệp điệp trong phạm vi một bán kính 210km, bao gồm cả rìa cao nguyên Đồng Văn, vùng núi đá vôi Chợ Chu, miền đồi trung du Phú Thọ - Việt Trì, cao nguyên Mộc Châu, miền biên giới Việt Lào và cả một phần đất của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Chúng ta không nhìn thấy biển Đông nhưng cảm thấy sự có mặt của nó qua những lớp mây trắng đang từ phía đó ùn ùn kéo đến, không thấy bóng dáng của dãy Trường Sơn nhưng chính vì thế mà càng cảm thấy đất nước ta rộng rãi biết chừng nào. Ngay những bản H'Mông và của nhiều dân tộc anh em khác ở gần hơn chúng ta cũng không nhìn thấy được, nhưng chúng ta cảm thấy rất rõ những con người sống ở các triền núi này đều dũng cảm. Không có nơi nào bằng ở đây, con người phải hàng ngày đối mặt với một tự nhiên nghiêm nghị đến như thế và vì vậy, con người không được phạm sai lầm trong từng hành động nhỏ nhặt của mình. Họ phải luyện bước đi của mèo rừng và đôi mắt tinh khôn của chim đại bàng, cuộc sống giữa trời đất rộng rãi làm họ khỏe mạnh và chân thật” - GS Lê Bá Thảo. Cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Fansipan. Ảnh: Kiều Tú

Có lẽ là do duyên lành chăng, với sự giúp đỡ từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, năm 2019 vừa qua, tôi có dịp được tiếp xúc với cuốn “Chinh phục đỉnh Fansipan” của Hiệp hội Địa lý Hà Nội do L.Salles - Giáo sư trường Albert Sarraut là tác giả, xuất bản ngày 29.11.1935 bằng tiếng Pháp. Sau khi được chuyển dịch cẩn thận (xin được cảm ơn Đồng Thị Ngọc Ánh, Nguyễn Hồng Nhung và Phạm Thảo Trang về sự giúp đỡ này), tôi nhận thấy nó mang trong mình chìa khóa giải đáp câu hỏi thú vị nêu trên. 

Sách được chia thành 7 phần: Chuỗi Fansipan; Trèo lên đỉnh Fansipan trong quá khứ; Con đường hiện tại dẫn lên đỉnh; Những thay đổi/cải thiện mong muốn: Nhiệm vụ cho những năm tiếp theo; Lời khuyên cho khách du lịch; Phụ lục: Những cung đường khác để leo lên đỉnh; “Từ điển Pháp - Mèo” (H’Mông). Bản chất của nó là một cuốn khảo cứu - điền dã với những vạch lối chỉ đường hết sức chi tiết cho những ai có khát vọng chinh phục về sau.

Trước tháng 10.1935, dường như không mấy ai quan tâm đến Fansipan. GS L.Salles may mắn được phỏng vấn hầu hết những người biết rõ nhất các đỉnh quanh vùng Chapa (Sapa): Quân đội, khách du lịch, người leo núi, người H’Mông; ông tham khảo các thông tin địa lý Đông Dương; cuối cùng ông đã ba lần chinh phục Fansipan, trong đó hai lần đạt tới đỉnh vinh quang, với những quan sát quý giá. Trong đó, có một cuộc thám hiểm dài tới 8 ngày mà vùng đỉnh núi gần như liên tục bị che phủ bởi mây mù hoặc mưa. Rất khó để tìm thấy ai khác làm tốt hơn và nhiều hơn GS L.Salles.

Ngày 26.6.2019, Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, vị trí cao nhất của đỉnh Fansipan đạt 3.147,3m, cao hơn 4,3m so với kết quả do người Pháp đo đạc vào năm 1909. Cục đã sử dụng công nghệ GNSS, phương pháp đo hiện đại, có độ chính xác cao nhất hiện nay. Cục cho biết, cách đây 110 năm, người Pháp đo độ cao đỉnh Fansipan bằng phương pháp Barometer, dùng vi áp kế đặt ở đỉnh núi và chân núi để đo chênh lệch áp suất. Từ giá trị chênh lệch áp suất, người Pháp lập mô hình toán học để tính toán chiều cao. Hai nguyên nhân có thể dẫn đến chiều cao của đỉnh Fansipan thay đổi là thời điểm cách đây 110 năm công nghệ đo còn hạn chế nên có sai số so với phương pháp đo hiện đại. Ngoài ra, dãy Hoàng Liên Sơn là phần nối tiếp của dãy Himalaya, mỗi năm dãy này cao thêm 2-3cm nên có thể đỉnh Fansipan cao lên. Bản sao của chóp tháp Fansipan ngày nay. Ảnh: Thu Thảo

Đỉa ở độ cao 3.000m

GS L.Salles viết, trong mắt lữ khách đến Chapa, dãy Fansipan đồ sộ chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam ngay lập tức đập vào mắt, như một bức tường khổng lồ được bao phủ bởi cây cối ở hầu khắp mọi nơi. Nếu so với Chapa, nó chỉ cao hơn 1.200m. Cho đến lúc này, người ta mới chỉ mô tả các đặc điểm chung của dãy Fansipan khi nhìn từ Chapa. Trên thực tế, dãy Fansipan trải dài gần 20km phía Tây Nam. Về phía Tây Bắc, nó tiếp tục vượt qua vùng trũng ngắn của đèo Ô Quy Hồ, đến Đèo Mây (Col des Nuages) và thậm chí vượt ra ngoài biên giới với Trung Quốc. Người ta nhận thấy độ cao trong khu vực này là 2.910 và thậm chí 3.096 mét, có nghĩa là rất gần với điểm cao nhất. 

Đỉnh Fansipan nằm trên một dãy núi nếp lồi lớn (thuật ngữ địa chất anticlinal) bao gồm chủ yếu là đá phun trào, đá granit, đá phiến tinh thể (schistes cristallins), đá phiến ma (gneisses), đá tràng thạch hay đá bồ tát (felspat). Các cấu trúc đá vôi bao quanh chặt chẽ dãy Fansipan: Binh-lu ở phía Tây, Lo-sui-tong và Song-ta-van ở phía Đông. Có cảm tưởng hệ thực vật như phân chia làm đôi, từ chân dãy núi đến độ cao khoảng 2.350m khá phong phú và mạnh mẽ, khu vực thứ hai bắt đầu ở độ cao này trở lên. Sẽ là một sai lầm khi tin vào sự hiện diện của một khu rừng hẻo lánh. Đất bạc, sườn dốc đứng, khí hậu lạnh ít nhất là vào mùa đông dường như giải thích mật độ thấp của rừng, sự khan hiếm cây đẹp và độ khô của thảm thực vật. Người ta thấy mọc lên từ mặt đất một loại cây họ balanophoraceae đầu đỏ, mọc từng chùm như nấm; một loại quả việt quất họ vaccinium. Ở khu vực thứ hai, khung cảnh thậm chí còn trở nên nghèo nàn hơn: Rừng leo lên các dốc gần như đến đỉnh (khoảng 2.800m), nhưng hầu chỉ có những cây bụi còi cọc, thân cây xù xì và xoắn, hình dạng đau khổ, tán lá khô và còi cọc. Trong khoảng độ cao từ 2.400m - 2.600m có sự hiện diện của thông, đỗ quyên và hoa cẩm tú cầu. Khắp các cành cây, rong rêu, địa y lủng lẳng. Từ 2.700 - 2.850m, chúng tôi băng qua một vạt măng tre lớn mọc lên từ bụi tre gốc. Tre cao 2-3m nhưng có vẻ yếu và hiếm. Cây chiếm ưu thế là một loại tre lùn, cao tối đa 1m80, và trung bình là 1m50, với những chùm lông giống như lông vũ ở các đốt tre. Khi gần lên đến điểm cuối cùng, chúng tôi thấy có những thân cây lớn đã chết, điều này có thể dẫn đến suy đoán rằng các đám cháy đã tàn phá khu vực trước đây từng là rừng rậm.

Hệ động vật có vẻ đặc biệt nghèo nàn. Người ta đồn rằng có gấu và nai trong dãy Fansipan, còn chúng tôi không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào của báo và hổ. Chim chóc có rất nhiều, đặc biệt là tới độ cao 2.400m. Rất nhiều lần gặp gà rừng. Tôi lưu ý bạn đồng hành từ xa một đàn ong bắp cày từ phía sườn 2.100m; một đàn muỗi đã xâm chiếm lều của chúng tôi ở sườn có độ cao 2.900m. Cuối cùng, chúng tôi tìm thấy sự xuất hiện của đỉa ở một điểm rất cao, khoảng 3.000m.

Trong thung lũng Chapa, hầu hết những người đàn ông từ các làng Yi-lin-ho và Phin-ho đã đi một hoặc nhiều lần đến sườn Fansipan. Vào mùa hè, họ còn lên đây để nhổ hoàng liên, một loại cây dùng để chữa các bệnh về mắt. Những người H’Mông di chuyển trên những con đường mòn dốc lớn có hông linh hoạt và cột sống mạnh mẽ, với 15-20kg hành lý cõng trên lưng.  Cơ thể họ như như được làm bằng thép dẻo, di chuyển nhẹ nhàng với nụ cười trên môi. Họ là những người bạn đồng hành tin cậy.

Vinh dự của người Châu Âu

Dường như vinh dự của người Châu Âu đầu tiên chinh phục đỉnh cao Fansipan đã được trao cho một trong những người lính phục vụ cho Sở Địa lý, vào năm 1905, để thiết lập tọa độ của các điểm trắc địa trong khu vực. Nhưng chính xác là ai? Với khoảng cách 30 năm kể từ năm 1935, đây dường như là vấn đề không thể xác định chính xác bởi một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một số hồ sơ trong tài liệu lưu trữ của Sở Địa lý đã bị phá hủy vài năm trước, và giờ đây những người muốn tìm hiểu buộc phải hài lòng với thông tin không đầy đủ và một số điểm mâu thuẫn.

Người H’Mông trên cung đường lên Fansipan. Nguồn: “Chinh phục đỉnh Fansipan” của L.Salles.

Đầu tiên là nhóm đại úy Scherdlin, đại úy Benoit và trung sĩ Denis, những người phải nhận nhiệm vụ chinh phục Fansipan vào cuối tháng 7.1905. Rất có khả năng trung sĩ Denis, người có sổ ghi chép được bảo quản, đã lên tới đỉnh Fansipan một mình. Anh ấy chắc chắn đã đạt được điều đó và đã để lại mô tả khá chính xác về cột mốc trên một tảng đá trên đỉnh núi, cũng như một số chi tiết về những khó khăn của cuộc thám hiểm. 

Trung sĩ Denis ở Hoàng Liên Sơn trong gần 15 ngày, ít nhất từ ngày 30.9 đến ngày 12.10.1905. Sổ tay ghi chép của anh đã đề cập đến một khoảng thời gian buồn tẻ, gần như liên tục mù sương. Denis mất 3 ngày leo núi để chinh phục Fansipan và kể lại: “Rừng ở trên đỉnh. Mưa trong nửa trên ở đỉnh. Trời rất lạnh ở trên đỉnh". Điểm cao nhất được đánh dấu, che giấu dưới một hình nón bằng đá lớn, cao khoảng 1m; trong đó chứa ba viên đạn săn bắn, nhét vào đá, trong ba lỗ nhỏ mà các kẽ đá đã được lấp đầy bằng đạn chì. Điểm trắc địa chính xác nằm ở trung tâm của tam giác được hình thành bởi ba viên đạn.

Nhưng có phải trung sĩ Denis là người đầu tiên chinh phục đỉnh Fansipan? Một số nghi ngờ vẫn còn tồn tại. Ngay sau nhiệm vụ của nhóm Scherdlin, theo các tài liệu của Sở Địa lý, nhiệm vụ trắc địa thuộc nhóm của trung úy Bourély đã diễn ra. Cựu trung úy, hiện là đại tá Bourély, đã viết thư cho GS L.Salles và kể lại: "Khoảng thời gian ngày 1.10.1905 đã chinh phục thành công đỉnh Fansipan. Trung sĩ bộ binh thuộc địa Dollo đã dành được vinh dự này. Anh phải mất 8 ngày để lên tới đỉnh kể từ khi gặp những ngôi nhà cuối cùng trên đường. Điều này được giải thích bởi cuộc chinh phục được thực hiện trong sương mù, nơi người ta bắt đầu rẽ rừng lên đỉnh để từ đó nhận ra những tia sáng đầu tiên và rồi lại phải rời đi một lần nữa và tiếp tục tìm kiếm điểm cao nhất. Điều đó khá là thú vị và mệt mỏi nữa... Tôi rất tiếc vì không thể cung cấp cho bạn thêm thông tin chi tiết về một sự kiện đã xảy ra lâu rồi, nhưng điều đó làm tôi nhớ đến sự khó khăn của cuộc thám hiểm và sự ngạc nhiên mà tất cả chúng tôi đã trải qua khi tiến hành tính toán độ cao của đỉnh khi phát hiện nó đã vượt quá 3.000m”.

Dollo hay Denis? Denis hay Dollo? Có lẽ cả hai. Một người thiết lập điểm chuẩn và một người lên đến đỉnh mốc. Quãng thời gian chinh phục đỉnh Fansipan của hai người chỉ chênh lệch vài ngày: Khoảng ngày 1.10 và từ ngày 30.9-12.10. Cả hai cuộc chinh phục đều diễn ra vào năm 1905. 

Điểm cuối của mọi ngả đường suy luận, chắc chắn là vào năm 1905 Fansipan đã được chinh phục bởi người Châu Âu.

Tất nhiên GS L.Salles cũng không quên viết thêm một câu chuyện khác được kể bởi Chau-uy, tộc trưởng H’Mông Chapa về một nhân vật "với một bím tóc đơn" cũng trèo lên sườn núi, xấp xỉ khoảng thời gian này, đã suýt chết trong một vụ cháy gây ra bởi sự bất cẩn của người trong đoàn và đám cháy đã cướp đi sự sống của vài người đồng hành. Tộc trưởng Chau-uy, thời điểm đó còn rất trẻ, đã không thể xác định được ngày tháng/thời gian của cuộc phiêu lưu. Ngoài ra, một người Hà Nội nhiều năm gắn bó với Sở Địa lý, ông Grollier, khẳng định rằng một chuyến phiêu lưu kiểu này đã thực sự được thực hiện bởi người điều hành của sở này, các hạ sĩ quan hay lính, hiện đã rút về Campuchia; sự việc diễn ra khoảng 1909 hoặc 10. Thông tin đưa đến đúng nguồn, quả thực Sở Địa lý có gửi người điều hành đến Fansipan vào năm 1910, ít nhất từ ngày 27 đến ngày 31.12.1910. Lửa bùng phát do bất cẩn ở khu cắm trại, vào thời điểm mưa khan hiếm, cỏ khô và gió dữ dội đã thổi bùng thảm họa. Trung sĩ Bonin đã phải vội vã dập lửa và bị bỏng một bàn tay. Cuốn sổ tay của anh, được lưu trong Sở Địa lý, mang dấu ấn của vụ cháy tại Fansipan và thật là hấp dẫn khi nhìn thấy dấu vết của sự cố kịch tính đã xảy ra trong sự cô độc khủng khiếp của những đỉnh núi. Đáng ngờ hơn, và ít được xác nhận hơn, là màn trình diễn của một số người tiên phong khác, tin đồn rằng có những người lính lê dương đã cố gắng và tìm cách leo lên đỉnh núi qua mạn Bình-lu 7 hoặc 8 năm trước thời điểm 1905? Nhưng GS L.Salles đã không thể xác thực được độ chính xác của tin đồn này.

Ở đỉnh Fansipan: Bà C.Braemer và ông G.Werts. Ảnh: Wintrebert. Nguồn: “Chinh phục đỉnh Fansipan” của L.Salles.

Chính bởi thế, độ tin cậy rất cao về hai cuộc chinh phục của Denis và Dollo năm 1905 vẫn còn nguyên giá trị.

Mãi tới tháng 7.1929 mới có cuộc chinh phục Fansipan tiếp theo bởi nhóm do M. Fromaget - Giám đốc Sở Địa lý của Đông Dương - đứng đầu. Thật không may, trên đường đi nhóm thám hiểm bị tấn công bởi một cơn lốc nước - một cái đuôi bão đã nhấn chìm các sườn núi - khiến họ không thể vượt qua. Họ chỉ đạt tới cao độ 2.931 vào ngày 28.7.1929 lúc 17 giờ, và 10 ngày trời là khoảng thời gian khủng khiếp họ phải chịu đựng kéo dài trên Fansipan. Cuối cùng, một người phụ tá ở tại biệt thự của hạ sĩ quan mà GS L.Salles không được cung cấp tên, đã chinh phục được điểm cao nhất vào năm 1934. Những người H’Mông trong vùng nhất trí chứng thực sự thành công của cuộc thám hiểm, và chính xác là nó được thực hiện trong một thời gian kỷ lục: Vắng mặt ở Chapa hơn 48 giờ. Có những lý do nghiêm túc để hậu thế cần phải chào đón nhân vật vô danh này, bởi anh cũng đã chiến thắng trong hành trình chinh phục Fansipan. Dù nó diễn ra vào năm 1934 và muộn hơn các cuộc chinh phục trước đó của Dollo hay Denis ngót ba thập kỷ.

Lời khuyên cho những người chinh phục Fansipan bằng đường bộ

GS L.Salles có một vài lời khuyên từ năm 1935 cho những người đi sau: Đi trong thời tiết tốt; Thận trọng không đi cho đến sau 2 hoặc 3 ngày mưa xối xả trước đó; Cũng không nên chờ đợi quá lâu sau khi hết mưa; Tham khảo phong vũ biểu và đừng rời đi nếu có một mối đe dọa bão ở đồng bằng - bão hầu như luôn luôn thất bại cuối cùng ở khu vực núi cao.

Mùa nào để đi? Tháng 10 - tháng 11 và mùa xuân là thời gian tốt nhất. Nhưng hầu hết khách du lịch sẽ bị buộc phải leo lên trong mùa hè, điều không may ở Chapa là mùa mưa; hãy nhớ rằng tháng 6 và tháng 9 thường ít mưa hơn tháng 7 và tháng 8.

Mấy giờ đi? Khởi hành vào buổi sáng là không thực tế. Tốt hơn nên rời Chapa khoảng 15h để đến nơi trú ẩn lúc 18h và lặng lẽ chuẩn bị cho đêm. Sau đó, sẽ dễ dàng leo ngày hôm sau để lên đỉnh. Để ngủ, một chiếc lều không thấm nước càng nhẹ càng tốt, vì cần mang vác (những cái tốt nhất được làm bằng vải lụa), là không thể thiếu. Thật tốt khi có hai chiếc chăn len cho mỗi người, vì bạn có thể phải ngủ trên mặt đất ẩm ướt, và gối khí nén. Dự tính trước phần thêm của một hoặc hai bữa ăn: Mứt, thịt hộp, gà (có thể mang sống), khoai tây, mì ống, gạo, phô mai, táo, bánh quy, socola; đừng quên rượu vang, cà phê xay sẽ được sử dụng nhiều; chảo, bếp, xô, dụng cụ cắm trại càng nhỏ càng tốt. Quần áo cần rộng, áo Danton, quần lót (không nên dùng quần short), xà cạp hoặc giày chắc chắn (tốt nhất là giày cao đến mắt cá chân và không có đế cao su), mũ bảo hiểm, găng tay để tránh mài mòn; một chiếc áo thun cho điểm dừng nghỉ và vào ban đêm; một chiếc áo mưa dày dặn. Đồ cứu thương: Băng gạc, cồn iốt hoặc rượu 90o, huyết thanh chống siêu virus; đừng quên hydroclonazone để khử trùng nước. Đèn điện, máy ảnh, ống nhòm và nếu muốn, súng trường hoặc súng lục ổ quay - nó có thể cần dùng đến khi gặp một con gà mái hoang hoặc một con gà rừng. Và cần hai người H’Mông, vừa mở lối vừa khuân vác, mỗi người có thể mang từ 15-18kg, tải trọng tối đa để lên đỉnh. Nên ở lại cao điểm 24 giờ, đừng vội.

Những chuyến du ngoạn thế này, được coi là xa xôi vô tận và đầy rủi ro, chỉ có thể được thực hiện bởi những nhóm người tràn đầy năng lượng. Những người được trang bị lòng can đảm và dám đi đến tận cùng. Đối với tất cả thanh niên Bắc Kỳ, với các phương tiện vật chất và thể chất bình thường, việc chinh phục Fansipan, là một cái gì đó trong tầm tay của bất cứ ai thực sự muốn làm điều đó. Đối với những người muốn tìm kiếm cảm xúc mới, triển vọng rất lớn và Chapa có thể nhanh chóng trở thành một trung tâm cho những chuyến du ngoạn trên núi tuyệt vời. Chapa sẽ trở thành một điểm đến trong những năm tới, cho tất cả những ai đã chán ngán với sự tàn phá của thực dân, bị thu hút bởi những niềm vui thưởng thức không khí trong lành và ham muốn chinh phục độ cao.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn