MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà văn Bắc Sơn. Ảnh: VIỆT VĂN

Bắc Sơn đau đáu với cuộc đời

VIỆT VĂN LDO | 18/01/2018 09:39
Nhà văn Bắc Sơn vừa ra mắt trọn bộ tiểu thuyết 2 tập “Gã tép riu”. Trước đó, “Gã tép riu” phần 1 “chào sân” năm 2013 đã đoạt giải Ba cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2010-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam.

Bắc Sơn đã tạm gói lại một mảng sáng tác văn học về đời sống công chức để sang đề tài không đụng hàng, dũng cảm làm mới mình, bước vào chủ đề chiến tranh với những người lính tăng thiết giáp… 

Ẩn tàng nhiều lớp lang ý tứ

Sau thành công của cuốn tiểu thuyết đầu tay “Luật đời cha và con” (đoạt nhiều giải thưởng văn học và được dựng thành phim), nhà văn Bắc Sơn lại tiếp tục gây ấn tượng mạnh với loạt tiểu thuyết chính luận: Sau “Lửa đắng”, “Vỡ vụn” thì đến “Gã tép riu” trọn bộ 2 tập. Thật ra phần 2 của “Gã tép riu” đã được ông viết xong từ lâu nhưng phải đến thời điểm này mới chín muồi, hay nói đúng hơn là mới có duyên để in.

Không phải ngẫu nhiên nhà văn nổi tiếng Ma Văn Kháng khẳng định: “Hình ảnh người công chức, anh cán bộ nhà nước hôm nay là đặc sản gần như của riêng anh”.

“Gã tép riu” phần 1 khi ra đời đã gây xôn xao dư luận, được nhiều bài báo ngợi khen từ Tạp chí Nhà văn, Cửa Biển, Văn Nghệ, Hà Nội Mới, Văn nghệ Công an, Văn nghệ TPHCM… Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là Trần Xuân Tùng - Trưởng phòng quản lý báo chí xuất bản ở một Sở - và cô vợ hãnh tiến đầy tham vọng tên Diệu Thủy. Những xung đột trong cuộc sống vợ chồng, dẫn đến hôn nhân tan vỡ chỉ là cái nền hay nói đúng hơn là tầng bề mặt của tiểu thuyết. Chuyện thế sự, với những mối quan hệ cấp trên cấp dưới, vợ chồng, bạn bè đồng nghiệp… và hơn thế là sự vật vã, đấu tranh với cái xấu, cái lạc hậu, bảo thủ kìm hãm sự phát triển của những trí thức cương trực, thẳng thắn dù biết mình chỉ là một cái đinh ốc trong guồng máy công quyền của Tùng - “Gã tép riu” - được khắc họa đậm nét.

Sự phô bày thành tích bề mặt, sự giả dối, cái dốt nát của những anh cán bộ tổ chức thực ra là vô tổ chức và hàng loạt vấn đề khác được nhà văn thông qua nhân vật “Gã tép riu” mổ xẻ đến tận cùng ngõ ngách.

Cứu được 5 cuốn sách khỏi bị thu hồi do quyết định độc đoán ở trên, xử lý êm 1 vụ họp báo có ý đồ không tốt, sửa một số điểm bất hợp lý và bổ sung được những quy tắc, quy định trong nhiều văn bản, chỉ thị hành chính về quản lý văn hóa... Tất cả là ở sự sáng suốt và thẳng thắn đấu tranh của Tùng. Một trí thức mang chất sĩ phu Bắc Hà như Tùng không thể sống chung với người đàn bà ghê gớm, giàu tham vọng luôn dựa vào bề trên để tiến thân của Diệu Thủy. Chính những xung đột về thế giới quan, về lý tưởng sống đã đẩy họ ra xa nhau. Và việc Tùng đến với Dự - một cô gái nghèo - vì cả tin, tham lam mà sa cơ thành gái điếm, là một câu chuyện tình khá đặc biệt, dù lúc đầu chỉ mang màu sắc thương cảm, sau hóa ra sâu nặng. Sự nghiệp của Tùng lúc thăng, lúc trầm, nhưng cuộc đời vẫn còn nhiều người tốt, cũng như vị lãnh đạo sáng suốt nọ đã mời Tùng lên trên bộ làm việc.

Còn Diệu Thủy, leo lên chức Thứ trưởng, tưởng cứ đà tiến công leo mãi rồi cũng mất cả chì lẫn chài, cay đắng...

Giọng kể và bút pháp linh hoạt

“Gã tép riu” cũng thể hiện sự linh hoạt trong bút pháp của nhà văn Bắc Sơn. Ngôn từ tung tẩy, hài hước, lúc giễu cợt, thô ráp đôi khi thô tục của nhân vật khi tác giả muốn để nhân vật nói đúng ngôn ngữ nhân vật ngoài đời. Ở đây, không phải lúc nào ngôn ngữ nhân vật cũng hòa cùng ngôn ngữ tác giả.

Nó khác hẳn với “Luật đời cha và con”, Lửa đắng” văn phong nghiêm ngắn, mực thước.

Những cuộc đối thoại về cơ chế, chính sách, về ngữ nghĩa, nội hàm của các văn bản, cũng như về cách sống, lối sống thể hiện rõ chất chính luận của tác phẩm. Nó chiếm khá nhiều dung lượng và thể hiện sự am hiểu chặt chẽ, tính hệ thống trong tư duy logic, rành mạch của nhà văn.

Là người vào nghề muộn khi nghỉ hưu mới tập trung dành hết thời gian và sức lực cho viết văn, nhưng nhà văn Bắc Sơn lại nhanh chóng tạo dựng nên thương hiệu của mình với sở trường tiểu thuyết chính luận, đi sâu vào đời sống công chức hôm nay.

Tài quan sát cuộc sống một cách tỉ mỉ, thấu đáo và biết nhặt những chi tiết đắt giá để đưa vào văn chương qua ngòi bút khá hoạt, giàu chất u mua (trào phúng). Hơn thế, ông còn am tường nhiều ngóc ngách của cuộc sống mà nhà văn Ma Văn Kháng không ngần ngại gọi ông là “quái kiệt”. Mô tả bản năng của Dự khi trong vòng tay của Tùng vẫn không thoát được vì ám ảnh một khách làng chơi cũ là sự mổ xẻ tinh tế về chiều sâu nội tâm của cô.

Khác với nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng, “có thể hình tượng Dự bị tổn thương?” - tôi không nghĩ như thế. Nó chỉ cho thấy nhà văn đã hiểu rất sâu cái phần con bên trong của người đàn bà, cũng như sự nhầy nhụa trong giới cave và khách làng chơi.

Tuy nhiên, “Gã tép riu” có nhiều trang mô tả chuyện sex, đành rằng nhu cầu bản năng chi phối con người rất nhiều, nhưng nếu tác giả tiết chế bớt, thì tiểu thuyết sẽ giành được sự đồng cảm chia sẻ của nhiều người trong lớp độc giả cao tuổi hơn.

Tạm khép lại một mảng đề tài lớn, nhà văn Bắc Sơn chuyển sang một chủ đề mới, hy vọng rằng với bút lực dồi dào của mình, ông sẽ tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới, hay và mang tầm lan tỏa tác động xã hội mạnh mẽ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn