MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Mẫn Ngọc Anh - nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TL

Báo chí và doanh nghiệp cần đồng hành nhiều hơn nữa

Trần Tuấn LDO | 13/10/2022 06:30

Theo các chuyên gia, trong quá trình thực hiện “mục tiêu kép”, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp khi phải đảm bảo vừa sản xuất vừa phải chống dịch. Vì vậy, sau đại dịch, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa để góp phần tạo được động lực mới, khí thế mới góp phần vào sự khởi sắc, phát triển chung của nền kinh tế.

Báo chí nói lên “tiếng lòng” của doanh nghiệp

Anh là chủ một doanh nghiệp có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội. Một ngày cuối tháng 7.2022, anh đến toà soạn Báo Lao Động cùng lá đơn kiến nghị khẩn cấp đề nghị Báo Lao Động vào cuộc phản ánh, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công ty của mình, nơi có hơn 50 người lao động đang làm việc.

Trong đơn, anh cho biết, vào năm 2018, với mong muốn tạo đột phá cho hoạt động của doanh nghiệp đã ký hợp đồng hợp tác cung cấp phần mềm hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp với một công ty thuộc tập đoàn Công nghệ lớn hàng đầu cả nước với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Thế nhưng, sau khi đặt bút ký vào bản hợp đồng trên, doanh nghiệp của anh đã trải qua nhiều năm khổ sở đi xử lý hậu quả do phía đối tác, không những chậm tiến độ hợp đồng mà còn cung cấp một sản phẩm phần mềm không thể sử dụng được, công đoạn hỗ trợ thì luôn chậm trễ.

Do không tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý hậu quả phần mềm lỗi với đối tác, cực chẳng đã, doanh nghiệp đã phải làm đơn kiện đối tác ra Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy do đã vi phạm hợp đồng.

Vậy nhưng, sau khi toà án tiếp nhận đơn thụ lý, đã hơn 30 tháng, vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử mà không rõ lý do, trong khi doanh nghiệp mỗi tháng đều đặn vẫn phải bỏ chi phí thuê sever cho phần mềm lỗi để làm một việc duy nhất là lưu trữ chứng cứ.

Sau khi xác minh thông tin, Báo Lao Động đăng tải bài viết phản ánh dấu hiệu vi phạm Luật Tố tụng Dân sự khi quá thời hạn mà chưa đưa vụ án ra xét xử. Ngay sau đó, doanh nghiệp của anh đã nhận được thông báo đưa vụ án ra xét xử của Toà án Nhân dân quận Cầu Giấy. Gửi thư cảm ơn báo sau khi vụ án được đưa ra xét xử đúng như nguyện vọng, anh bày tỏ sự trân trọng và cảm động.

“Đối với doanh nghiệp chúng tôi, thắng thua tại phiên toà không còn quá quan trọng, chúng tôi chỉ muốn làm rõ trắng đen sự việc. Là một doanh nghiệp SME, chúng tôi thấy uất ức khi bị vi phạm hợp đồng trong khi tiếng nói của mình không được các bên liên quan lắng nghe. Cảm ơn Báo Lao Động đã vào cuộc nói lên tiếng lòng của doanh nghiệp, đúng lúc, đúng thời điểm mà chúng tôi cần nhất”, chủ doanh nghiệp chia sẻ thêm.

Đó là một trong nhiều lá thư cảm ơn gửi đến Báo Lao Động mỗi ngày, mỗi tháng. Trong hoạt động nghiệp vụ của mình, những phóng viên chúng tôi có nhiều cơ hội được lắng nghe và phản ánh tâm tư, nguyện vọng trực tiếp từ các lãnh đạo, chủ doanh nghiệp. Trong những nội dung đó có cả những vướng mắc, bất cập về mặt chính sách mà doanh nghiệp gặp phải. Và tờ báo chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách tháo gỡ những vướng mắc đó.

Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh - cho hay, các cơ quan báo chí đã vào cuộc phản ánh rất kịp thời những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Nhiều bài báo đã góp phần động viên các chủ doanh nghiệp, người lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn trong và sau đại dịch COVID-19.

“Các cơ quan báo chí đã thấu cảm rất rõ các khó khăn của doanh nghiệp trong và sau đại dịch, từ đó có các bài, loạt bài nêu vấn đề, giải pháp giảm thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp. Các bài, loạt bài nêu vấn đề ngân hàng cần hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi vay cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch. Đó là các bài viết phản ánh rất đúng nhu cầu thực tế, tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp thời gian vừa qua” - nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh nói.

Báo chí và doanh nghiệp cần đồng hành nhiều hơn nữa

Ông Phan Xuân Thuỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - đánh giá, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước vừa là công cụ hữu hiệu để cổ vũ, biểu dương và bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân; tư vấn giúp doanh nhân cải thiện, nâng cao hiệu quả chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu văn hóa doanh nghiệp.

“Báo chí là nơi tập hợp các ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để đề đạt với cơ quan Nhà nước, góp phần làm cho chủ thể kinh tế sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp và tạo điều kiện tốt cho việc tổ chức thực hiện. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của các cơ quan Nhà nước trong việc đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp, doanh nhân” - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: TL

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, báo chí cần thực hiện tốt tôn chỉ mục đích, thông tin trung thực, khách quan, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế các hoạt động tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh; đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, đồng thời phát huy vai trò của báo chí cho việc cổ vũ, góp phần xây dựng văn hóa, chuẩn mực đạo đức kinh doanh văn minh hội nhập cho doanh nghiệp.

Cũng theo bà Trần Thị Lan Anh, trong xu thế chuyển đổi số, doanh nghiệp và báo chí cần tăng cường hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; kịp thời biểu dương các cơ quan báo chí, người làm báo và doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu có cống hiến, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng, trong thời gian tới, mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp cần được duy trì và phát triển hơn nữa, tuy nhiên, để mối quan hệ này thực sự có hiệu quả, các doanh nghiệp cũng cần chủ động và minh bạch thông tin với báo chí.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn