MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Di tích căn biệt thự của em trai Ngô Đình Diệm bị xuống cấp. Ảnh: Phúc Đạt

Bảo tàng mong muốn xã hội hóa đầu tư nhà di tích em trai Ngô Đình Diệm

PHÚC ĐẠT LDO | 25/03/2024 18:16

Huế - Trước thực trạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia là căn biệt thự 2 tầng của Ngô Đình Cẩn (em trai Ngô Đình Diệm) hoang vu, ít người lui tới, phía Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế mong muốn xã hội hóa, có nhà đầu tư cho địa điểm trên.

Ngày 25.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, nhà Ngô Đình Cẩn và khu vực Chín Hầm đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp Quốc gia tại Quyết định số 2015/QĐ-BT ngày 16.12.1993. Hiện nay, di tích do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, UBND TP Huế là đơn vị phối hợp quản lý.

Theo ông Nguyễn Đức Lộc, căn biệt thự 2 tầng của Ngô Đình Cẩn trở nên hoang vu là vì công trình xuống cấp theo thời gian cũng như ít có người dân hay du khách đến đây tham quan.

Theo ông Lộc, cùng được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia, khu di tích Chín Hầm gần đó có đông khách tham quan vì đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng.

Tuy là Di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng nhà Ngô Đình Cẩn hoang vu, ít người lui tới. Ảnh: Phúc Đạt

Hằng năm, có rất đông các trường, hội cựu chiến binh, tổ chức đoàn thể trong và ngoài tỉnh về tổ chức dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và nghe thuyết minh về “địa ngục trần gian Chín Hầm".

Còn nhà Ngô Đình Cẩn đã xuống cấp nên có thể gây nguy hiểm cho khách tham quan. Hiện khu vực nhà này đã được phía Bảo tàng Lịch sử khoanh vùng, cắm mốc theo đúng Luật Di sản để không bị lấn chiếm.

“Với nguồn lực cũng như điều kiện thực tế thì chúng tôi ưu tiên cho Di tích lịch sử Chín Hầm. Còn nhà Ngô Đình Cẩn, ngoài thiếu nguồn lực, vì đây là địa điểm rất ít người tham quan, tìm hiểu cũng như công trình đã xuống cấp, u ám, có thể gây nguy hiểm nên chúng tôi chỉ cắm biển cảnh báo, dọn vệ sinh thường xuyên. Chúng tôi rất hoan nghênh, mong muốn có thể xã hội hóa, tìm nhà đầu tư để bảo tồn, khai thác di tích này trong thời gian tới” - lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế nói.

Chín Hầm nằm giữa một vùng đồi thông dưới chân núi Thiên Thai (còn gọi là núi Ngũ Tây), cách biệt thự của Ngô Đình Cẩn khoảng 1km. Tuy gọi là Chín Hầm nhưng thực chất có tám hầm và một trại lính gác.

Năm 1941, thực dân Pháp xây dựng khu Chín Hầm trên một quả đồi nhỏ để cất giấu vũ khí. Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính “hất cẳng” Pháp (ngày 9.3), quân Pháp đã lấy toàn bộ vũ khí, các hầm bị bỏ trống từ đó.

Đến thời kỳ Ngô Đình Cẩn cai quản miền Trung đã cải tạo và sử dụng Chín Hầm thành khu biệt giam những người yêu nước hoặc có tư tưởng chống đối chế độ độc tài gia đình trị họ Ngô, khu vực Chín Hầm từ đó trở thành vùng cấm.

Nhà Ngô Đình Cẩn và khu vực Chín Hầm đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp Quốc gia tại quyết định số 2015/QĐ-BT ngày 16.12.1993. Hiện nay, di tích do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý, UBND TP Huế là đơn vị phối hợp quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn