MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh làng nghề truyền thống đóng tàu vỏ gỗ Cống Mương, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng

Bảo tồn làng nghề truyền thống Cống Mương còn muôn vàn điều khó

Đoàn Hưng LDO | 08/02/2023 12:09

Quảng Ninh - Với hơn 400 năm tuổi, Cống Mương là một trong hai làng nghề nổi tiếng tại TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chuyên về nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ và cũng là làng nghề ít ỏi của cả nước theo mô hình này. Tuy “sở hữu” nhiều trầm tích văn hóa độc đáo, song làng nghề đang có nguy cơ mai một, công tác bảo tồn gặp nhiều cái khó.

Làng nghề hơn 400 năm tuổi và những giá trị khác biệt

Theo bia ký và gia phả của các dòng họ Tiên Công lập nên xã Phong Lưu ghi lại, làng nghề đóng thuyền gỗ ở làng Phong Lưu xưa, nay là Cống Mương, phường Phong Hải, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã được hình thành gắn liền với việc khai hoang lập ấp của 17 vị Tiên Công vào năm 1434 thời vua Lê Thái Tông. Với đặc trưng địa phương là bốn bề sông nước, bên trong lại dày đặc sông ngòi nên việc đi lại, chuyên chở bằng đường thủy là hết sức quan trọng.

Các loại thuyền của làng nghề thường đóng là: thuyền vận tải lớn, nhỏ, thuyền đánh cá, tôm các loại lớn, nhỏ; thuyền chở khách đò dọc, đò ngang; thuyền nhỏ vận chuyển vật liệu trong đồng phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Trong đó đặc biệt nhất là thuyền ba vát buồm cánh dơi có khả năng đi ngược nước ngược gió. Đây là kiểu thuyền độc đáo nhất trong nước và trên thế giới chỉ có ở thị xã Quảng Yên.

Xưởng đóng tàu thuyền của anh Lê Đức Tuấn hiện chỉ còn 2 công nhân làm việc. Ảnh: Đoàn Hưng 

Nghề đóng thuyền đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở vùng đảo Hà Nam. Vào thời kì phát triển, có những lúc làng nghề đã có hơn 30 lán thợ với khoảng 500 thợ. Làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2015. Quảng Ninh cũng xác định bảo tồn giá trị làng nghề Cống Mương gắn với phát triển du lịch bền vững trong hiện tại và tương lai.

Bảo tồn làng nghề vẫn còn nhiều cái khó

Mục tiêu đã rõ song hiện tại, việc bảo tồn làng nghề đóng thuyền vẫn gặp nhiều cái khó.

Anh Lê Đức Tuấn - Trưởng một xưởng đóng tàu vỏ gỗ tại khu 8, phường Phong Hải, TX.Quảng Yên - cho biết: Khoảng 3 năm trước, tại xưởng, số lượng đóng mới tàu thuyền đánh bắt vùng lộng, vươn khơi cũng hơn 30 chiếc/năm. Song 3 năm gần đây, xưởng không nhận được một đơn hàng đóng mới nào. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nguyên liệu tăng khiến việc vươn khơi bám biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó là một số quy định về hạn ngạch cấp phép khai thác thuỷ sản và tàu đánh bắt vùng lộng phải từ 12 mét trở lên khiến giá thành đóng mới tàu thuyền thêm tăng cao. Thời kỳ cao điểm, trên xưởng lúc nào cũng có 19 công nhân, giờ chỉ duy trì 2 công nhân, công việc chủ yếu sửa chữa lặt vặt, sơn xì, cạo hà. Thợ thuyền vì thế tan tác dần, độ tuổi ngoài 45 đến 70 còn trong dòng thợ, dưới 45 tuổi ít người theo nghề.

"Điều mong mỏi nhất lúc này là ngư dân, nghề đánh bắt thủy sản phát triển để xưởng có việc làm. Cũng rất mong nhà nước tạo điều kiện đầu tư đường giao thông để việc vận chuyển nguyên vật liệu vào các xưởng thuận tiện. Bản thân xưởng cũng sẽ cơ cấu lại để hoạt động theo hướng doanh nghiệp, công ty, nâng cao năng lực, đáp ứng đủ điều kiện để được đóng mới, hoán cải tàu thuyền theo quy định đăng kiểm” - ông Tuấn nói.

Thực trạng của nhiều xưởng đóng tàu khác trong làng cũng giống như xưởng của anh Lê Đức Tuấn. Hiện theo thống kê, cả làng nghề chỉ còn 8 lán xưởng. Phần lớn người dân đều chuyển đổi mô hình sản xuất, ngành nghề.

Trò chuyện với PV Lao Động, nghệ nhân nhân dân Lê Đức Chắn – khu 8, phường Phong Hải cho biết thêm: “Địa điểm sản xuất tàu thuyền ở Quảng Yên hiện nay chưa thật sự quy củ. Các chủ cơ sở đóng thuyền ở làng nghề mong muốn chính quyền địa phương quy hoạch khu vực bến bãi, địa điểm đóng thuyền rộng rãi để đáp ứng nhu cầu sản xuất, góp phần phát triển và giữ gìn nghề đóng thuyền truyền thống. Một cái khó nữa, hiện nay rất khó tìm được những người thợ trẻ có tâm, có tài để truyền nghề, theo nghề”.  

Nghệ nhân nhân dân Lê Đức Chắn bên mô hình tàu ba vát buồm cánh dơi chạy ngược nước, ngược gió. Ảnh: Đoàn Hưng

Những năm gần đây, khi thực hiện chuyển đổi tàu vỏ gỗ sang vỏ thép, những con tàu ba vát cánh dơi nổi tiếng khi xưa chỉ còn được tái hiện lại qua những mô hình. Địa phương đã khuyến khích các hộ gia đình biến mẫu thuyền này thành những sản phẩm lưu niệm.

Tiến sĩ Vũ Văn Viện, Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Hạ Long cho rằng, nếu nói về tiêu chí độc lạ, làng nghề Cống Mương đủ sức hút. Tuy nhiên, khi biến tàu ba vát buồm cánh dơi thành sản phẩm lưu niệm thì không hiệu quả bởi giá thành cao, không tiện lợi để vận chuyển, khó trở nên phổ biến rộng rãi.  Để gỡ khó và tạo sự đột phá cho làng nghề, chắc chắn cần sự kết hợp, đồng lòng của ba phía: chính quyền, người dân, doanh nghiệp.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn