MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tác phẩm của Sarah Small (Mỹ). Nguôn ảnh internet

Bắt lấy cái hồn của ảnh chân dung

VIỆT VĂN LDO | 01/08/2017 07:10
Không có thể loại ảnh nào lâu đời nhất và hấp dẫn nhất như ảnh chân dung. Bởi con người luôn là đối tượng trung tâm của nhiếp ảnh. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng từng nói: “Tôi không quan tâm lắm đến cái đẹp của nghệ thuật, mà quan tâm nhiều nhất đến cái thật của thân phận”.

Nghịch lý là ngày nay, hàng ngày cả triệu tấm ảnh được quăng lên Facebook, thì phần lớn đều là ảnh chân dung; nhưng trong các cuộc thi ảnh thì rất hiếm những tác phẩm chân dung ấn tượng, đặc sắc.

Toàn thân, khuôn mặt đến những mảnh vỡ

Chân dung được coi như nhân dạng của mỗi người. Chả ai giống ai 100%, ngay cả sinh đôi thì cũng có một nét gì đó khác nhau.

Nói đến chân dung là nhắc đến khuôn mặt. Và đương nhiên ba điểm mạnh nhất trên mặt là đôi mắt - “cửa sổ tâm hồn”, khóe miệng, cái mũi. Nhất là đôi mắt - dữ dội hay hiền từ, nông hay sâu, giấu kín hay phô bày, lạnh lẽo hay nồng ấm. Thế nên có người mắt cười miệng mím vẫn đẹp, còn mắt lạnh, miệng cười thì đáng sợ.

Ảnh chân dung được dùng cho nhiều mục đích khác nhau, từ ảnh chứng minh thư, hộ chiếu, chụp kỷ niệm (đám cưới, sinh nhật) cho đến ảnh báo chí, nghệ thuật và cả ảnh “tự sướng” (self- portrait) sau này.

Có nhiều dạng ảnh chân dung: Toàn thân, cận đặc tả gương mặt, bán thân, rồi con người trong môi trường lao động, sinh hoạt…, chân dung 1 người, chân dung nhóm người...

Và nhất là khi dạng ảnh nghệ thuật - một khái niệm được dùng nhiều những năm gần đây: Fine Art (ảnh có tính mỹ thuật nằm ở giữa hai dạng ảnh báo chí và ảnh thương mại) bùng nổ thì ảnh chân dung đã phát triển kinh hoàng, bứt khỏi chân dung truyền thống.

Cận cảnh một đôi mắt, thậm chí một con mắt một bờ vai, một bàn tay hay một mái đầu, một cái tai… Độ nét của ảnh có khi được nhấn mạnh tới gai góc, nổi hạt, có khi lại mờ mờ ảo ảo như sương - tất cả phụ thuộc vào ý đồ của tác giả. Có ảnh chân dung trừu tượng, chân dung cắt dán. Thậm chí còn dạng ảnh kèm text, khi text được viết thẳng lên ảnh, lên mặt nhân vật nữa.

Làm sao lột tả được cái hồn

Chân dung khá phổ biến, nhưng ảnh chân dung đẹp, ấn tượng lại quá hiếm, vì làm sao lột tả thần thái nhân vật, bắt lấy cái hồn của nhân vật. Ngay mỗi cá nhân, trong mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời lại có những gương mặt khác. Thậm chí ngay trong một ngày, buổi sáng ngủ dậy khác với buổi trưa, buổi chiều và tối. Rồi gương mặt được trang điểm và mặt mộc.

Trên mạng từng đưa ra nhiều hình ảnh so sánh các người đẹp khi trang điểm và khi mặt mộc mới thấy “một trời một vực” giữa xinh và xấu, giữa thực và ảo. Vì thế, chụp chân dung một con người mà bộc lộ chân thực “nhân dạng, bản sắc” của cá nhân đó bằng một tấm ảnh duy nhất thì gần như là không tưởng.

Con người không bao giờ là một chiều. Và khó hơn khi mỗi cá nhân hay thích bộc lộ theo một mô hình lý tưởng của họ để trình diễn ra bên ngoài. Vì thế có những bức chân dung tưởng rằng sự tinh tế và nhạy cảm của nhà nhiếp ảnh đã nắm bắt được cái hồn nhân vật thì thực ra đó chỉ là những ảnh trống rỗng và giả tạo.

Sự va đập của những nhân dạng

Nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng Sarah Small (Mỹ) có những bức ảnh chân dung gây “sốc” vì gia đình. Cái bụng nhăn nhúm của bà mẹ bên cạnh đứa bé bụ bẫm, thái độ bất lực của người già và tình yêu nồng cháy của đôi trẻ… Hay những chân dung con người và con vật đặt cạnh nhau tạo ra những kết nối và liên tưởng thú vị. Sarah luôn đi tìm những chi tiết thể hiện sự tương phản trong cuộc sống, nhiều khi đến bạo liệt.

Nếu Sarah thích sự va đập của những cá nhân để tạo ra những tia lửa khiến người xem bị hấp lực và buộc phải suy ngẫm thì Todd Hido - một nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Nhật chuyên chụp ảnh chân dung lại quan tâm đến sự va đập của chính bên trong nội tâm nhân vật.

Một bức chân dung thành công phải làm cho người xem kết nối - đối thoại được với nhân vật. Nó vượt ra ngoài sự mô tả thông thường để cho người xem cảm giác về một cái gì đó, và nếu như cái cảm giác đó lại trùng hợp với người xem, gợi cho họ một ký ức, liên tưởng, hoài niệm xa xưa nào đó thì thành công.

Theo Todd Hido, “Nhà nhiếp ảnh phải tôn trọng nhân vật. Và chuẩn bị một kế hoạch chu đáo, xem xét trước địa điểm chụp hình và cố gắng đoán trước, hình dung luồng sáng sẽ như thế nào, có cần phụ trợ thêm các thiết bị khác để thay đổi hướng chiếu sáng... Ngoài ra, có một điều khác rất quan trọng, là quần áo của nhân vật. Có thể bạn phải chấp nhận trong một hoàn cảnh khắc nghiệt nhân vật mặc gì chụp nấy, còn không những bộ quần áo khác nhau sẽ mang lại những điều khác biệt”.

Chụp chính mình

Nhiều nhà nhiếp ảnh chụp chân dung nổi tiếng nói rằng họ luôn nhìn thấy chính bản thân mình trong những bức chân dung thành công. Họ chụp nhân vật cũng chính là chụp bản thân, vì xét đến cùng, ngay từ việc lựa chọn nhân vật để chụp phần nhiều đã có một sự tương đồng “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu”.

Hơn nữa, hơn ai hết những nhà nhiếp ảnh chụp chân dung cũng luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi muôn thuở cho mọi thời đại: “Con người, chúng ta là ai? Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta đi về đâu?”.

“Chúng ta chỉ có thể chụp ảnh một cách hiệu quả những gì chúng ta thực sự quan tâm, hoặc có lẽ quan trọng hơn, đang phải vật lộn với nó. Nếu không, hình ảnh chỉ là một ý tưởng hay một khái niệm đơn thuần sẽ không có sức sống lâu bền. Đối với tôi hình ảnh phải có những cái móc về mặt cảm xúc...” - Todd Hido đã rút ra điều đó từ chính sự nghiệp thành công của ông.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn