MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những người phụ nữ dân tộc Thái khi đã tẳng cẩu thì dù ở tuổi trung niên hay về già vẫn sẽ duy trì nét văn hóa độc đáo này. Ảnh: Văn Thành Chương

Bí mật “tẳng cẩu” của dân tộc Thái - dấu hiệu nhận biết phụ nữ có chồng

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 31/07/2021 13:00

Khi người con gái dân tộc Thái ở Tây Bắc có búi tóc gọn gàng trên đỉnh đầu và một chiếc trâm bạc điểm xuyết thì đó là dấu hiệu nhận biết người phụ nữ đã có chồng – người ta gọi đó là “tẳng cẩu”.

Tẳng cẩu là một phong tục đặc sắc và đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái, ngành Thái đen ở Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung.

Lễ tẳng cẩu được thực hiện khi người con gái đã trưởng thành và đi lấy chống. Nó được bắt đầu bằng một nghi lễ linh thiêng (lễ khửn cẩu). Nghi lễ được thực hiện tại nhà gái trước lúc nhà trai đón dâu. Trong lễ khửn cẩu, cô dâu ngồi giữa quay mặt về hướng Đông, nơi có cửa sổ đón ánh bình minh. Đại diện gia đình nhà trai và nhà gái ngồi xung quanh.

Một người phụ nữ đại diện cho nhà gái và có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về phong tục văn hóa sau khi thực hiện một số nghi thức tâm linh sẽ tiến hành chải tóc cô dâu về phía trước mặt rồi cùng người đại diện cho nhà trai cột toàn bộ tóc lên đỉnh đầu. Sau đó cuộn tròn lại thành búi, kéo mái tóc ra hai bên để phần mái bồng ra không gây cảm giác khó chịu.

Cùng với đó, đồ vật không thể thiếu chính là cây trâm bạc sẽ được cài xuyên qua búi tóc có ý nghĩa rất đặc biệt. Lễ khứn cẩu là một nghi lễ quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời người con gái và để lại nhiều dấu ấn không phai mờ trong suốt cả cuộc đời.

Người phụ nữ đã tẳng cẩu rồi thì không được thả tóc xuống, kể cả trong sinh hoạt hằng ngày hay lúc đi ngủ. Mỗi buổi sáng ngủ dậy, hoặc sau khi gội đầu, chải tóc xong lại phải tẳng cẩu lên như cũ. Để cho búi tóc luôn gọn gàng khỏe khoắn, người phụ nữ Thái đen thường gội đầu bằng nước vo gạo được ủ trong một thời gian nhất định và kết hợp thêm với quả bồ kết hoặc một số loại lá cây rừng để gội.

Khi đã lấy chồng, đã làm lễ khứn cẩu mà trong cuộc đời nếu không may người chồng mất trước thì người phụ nữ Thái sẽ hạ búi tóc từ đỉnh đầu xuống, hơi lệch sang một bên. Nếu đoạn tang chồng và người phụ nữ muốn hạ tẳng cầu thì cũng sẽ phải thực hiện một nghi lễ tương tự như nghi lễ khứn cẩu trước sự chứng kiến của hai họ...

Trải qua thời gian và sự giao thoa của nhiều nền văn hóa trong quá trình phát triển của xã hội, tục tẳng cẩu của phụ nữ Thái ngày đã có nhiều thay đổi để thích ứng với điều kiện sống và môi trường làm việc. Không phải ai đi lấy chồng cũng sẽ làm lễ khứn cẩu và sẽ tẳng cẩu. Tuy vậy, những người phụ nữ chọn Tẳng cẩu vẫn luôn thể hiện được nét đẹp riêng, nét văn hóa truyền thống đặc sắc không lẫn với bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tục tẳng cẩu bắt nguồn từ một câu chuyện buồn trong truyền thuyết của dân tộc Thái: Thời xa xưa, một đôi vợ chồng chung sống rất hạnh phúc và có 3 người con. Nhưng một hôm, người vợ bỗng dưng phải lòng người đàn ông khác, bỏ chồng bỏ con. Người chồng giận giữ, chặt một cây nứa vót nhọn, quyết đi tìm người vợ để trừng phạt.

Một buổi chiều, người chồng đi qua bến nước, thấy vợ và người tình đang ôm nhau dưới gốc cây. Trong cơn giận, người chồng lao cây nứa nhọn về phía họ khiến họ làm cả 2 người chết. Khi hồn bay lên trời, ông trời “Phỏ Phạ” liền bắt nhốt cả hai linh hồn tội lỗi vào ngục tối.

Khi ông Then Na - vị thần thay mặt Phỏ Phạ cho các linh hồn tội lỗi xuống trần gian đầu thai, người vợ được Then Na cho đầu thai nhưng phải chịu cắm một vật nhọn lên đầu mãi mãi như một lời nhắc nhở phải sống chung thủy suốt đời, nếu phạm phải sẽ bị vật nhọn đó sẽ đâm vào đầu như cây nứa của người chồng kiếp trước.

Do vậy, trong tục tẳng cẩu của dân tộc Thái thì cây trâm cài đầu chính là vật nhọn, còn búi tóc là vật thay cho cái đầu của người phụ nữ trong truyền thuyết để nhắc nhở người phụ nữ đã có chồng thì phải sống chung thủy suốt đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn