MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bị phản đối, tác giả ý tưởng đúc tượng rùa vàng ở Hồ Gươm lên tiếng

Bích Hà LDO | 30/03/2017 18:06
Trước những phản ứng trái chiều từ giới chuyên môn và dư luận, ông Tạ Hồng Quân - tác giả đề án “Đúc tượng rùa vàng tại Hồ Gươm” - cho biết, ông vẫn bảo lưu quan điểm của mình, trên cơ sở tiếp tục lắng nghe ý kiến phản biện từ dư luận.

Việc ông Tạ Hồng Quân gửi đề án “Đúc tượng rùa vàng ở Hồ Gươm” tới lãnh đạo thành phố Hà Nội, đề xuất về việc dựng một bức tượng rùa vàng bằng đồng tại khu vực phố đi bộ, đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong đó, có không ít ý kiến của các nhà nghiên cứu, người dân tỏ ra băn khoăn, không đồng tình với ý tưởng này.

Chia sẻ với Lao Động, ông Quân cho biết, mình đã lường trước phản ứng của dư luận và biết sẽ có nhiều tranh cãi. “Tôi góp ý trên cơ sở muốn đóng góp cho Hà Nội thêm một công trình văn hóa. Tôi biết sẽ bị chỉ trích, nhưng những việc tôi làm cũng xuất phát từ mong muốn tốt đẹp, từ tình yêu dành cho Hà Nội” – ông Tạ Hồng Quân cho biết.

Một phác thảo về mẫu tượng rùa vàng.

Trả lời về câu hỏi, hiện Hà Nội đã có biểu tượng nhận diện là Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Giám, nên không cần thiết phải xây thêm công trình để làm biểu tượng, ông Quân nói: “Thực ra biểu tượng không nhất thiết là một thứ. Mỗi một biểu tượng gắn với một giai đoạn lịch sử khác nhau, gắn với một không gian khác nhau. Khuê Văn Các là biểu tượng rất tuyệt vời cho Hà Nội rồi, nhưng tôi nghĩ, không phải xây một cái, đúc một vật là thành biểu tượng ngay. Nó phải theo quá trình, phải đi vào lòng người. Và theo thời gian, những công trình ý nghĩa, đẹp về mặt mỹ thuật, mang thông điệp thì có thể trở thành biểu tượng được”.

Ông Quân cũng đề xuất: “Tôi nghĩ Hà Nội nên cho dựng thí điểm, xây dựng một mô hình như thật, bằng chất liệu xốp hay thạch cao. Tượng có thể đặt ở đúng điểm như tôi đã đề xuất trong đề án - khu vực ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng hoặc khu vực vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn - để trưng bày trong vòng 1 đến 3 tháng, để người dân đến chụp ảnh, lấy ý kiến. Ví dụ trong 100.000 lượt người đến bỏ phiếu, có 80% đồng ý thì nên làm, còn 50/50 thì thôi”.

Tác giả đề án cũng cho rằng, mẫu phác thảo mà báo chí đưa ra hiện nay chưa phải là cuối cùng. Đề án cần phải có sự lựa chọn khắt khe để tìm ra phác thảo phù hợp nhất.

“Tôi nghĩ Hồ Gươm của mình đẹp như thế, việc có thêm một bức tượng rùa vàng làm từ nguồn kinh phí xã hội hóa, để mọi người khi đến Hồ Gươm có một cái gì đó để chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc cũng rất hay” – ông Tạ Hồng Quân khẳng định.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn