MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Biên đạo Việt Max: “Một bộ phim về Hip Hop? Sẽ!”

Thủy Nguyên (thực hiện) LDO | 24/12/2016 14:20
Không phải đến lúc bộ phim ca vũ nhạc “La La Land” gây sốt ở Việt Nam, Việt Max mới muốn làm một bộ phim về… Hip Hop. Vì với biên đạo nhảy nổi tiếng này (từng là thành viên kỳ cựu của nhóm nhảy Big Toe đình đám một thời và là một trong những thủ lĩnh đời đầu của Hip Hop Việt), đó là một tình yêu đã ăn sâu vào máu suốt 25 năm nay. Lại là lúc, anh bất ngờ bén duyên với điện ảnh, với hai bộ phim  đều đặn ra mắt vào cuối năm ngoái và năm nay. Một cuộc trò chuyện thú vị với “kẻ ngoại đạo”, nhân bộ phim mới của anh vừa ra rạp.
“Tay ngang” lại càng phải thử!
“Yêu”, “Sút” - Sao tên phim của anh đều ngắn tũn vậy?
- Tôi thích dứt điểm. Nếu một từ có thể đủ để giải quyết mọi chuyện và giải thích cho toàn bộ thì tại sao lại phải “vẽ rắn thêm chân” cho nó nữa?
Cơ hội nào đã tạo đà cho “cú sút” của anh vào “khung thành của điện ảnh”?
- Trước thì chưa bao giờ tôi dám tơ tưởng đến chuyện làm phim, mà chỉ dừng lại ở chỗ ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi thi đấu của bản thân và đồng đội, rồi khi chuyển hẳn vào Sài Gòn (năm 2006), dấn sâu hơn vào showbiz, quen biết nhiều nghệ sĩ hơn thì bắt đầu làm MV, phim ngắn… Về sau này, một người bạn từng hợp tác làm MV với tôi, khi có cơ hội làm phim đã nhớ đến tôi và hỏi tôi có muốn thử làm phim không. Lúc đầu, tôi hơi dè dặt, nhưng sau đó lại tự nhủ: Một cơ hội hiếm, nhất là với một kẻ tay ngang, vậy tại sao không thử?
Vì sao sang đến bộ phim thứ 2 (Sút), anh lại lựa chọn một đề tài kén người xem hết sức (bóng đá “phủi”), trong khi bộ phim đầu tay (Yêu) lại là một đề tài ăn khách: Đồng tính nữ?
- Ai cũng nghĩ đề tài đồng tính dễ hút khách nhưng ở thời điểm phim ra mắt (cuối 2015), đề tài này đã được nhiều bộ phim khai thác và một số phim thương mại đã ít nhiều gây ra phản ứng ngược nên cũng gặp khó khi tìm kiếm nguồn tài trợ. Nhưng may thay, phim cuối cùng cũng đã có được một sự đón nhận và thành công nhất định (Giải Mai Vàng 2015, hạng mục Bộ phim được yêu thích nhất - P.V).
Còn với bộ phim thứ 2, ở thời điểm đọc kịch bản, thì đó là lúc bóng đá Việt Nam đang đi xuống và do đó, chúng tôi muốn làm một bộ phim có thể giúp xốc lại tình yêu bóng đá nói riêng và tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ nói chung, bằng vào tình cảm trong sáng, vô tư nhưng không kém phần nồng nhiệt trước sức hút của “môn thể thao vua”, dù chỉ là giải phong trào, “đá phủi”… Hẳn bạn cũng đồng ý với tôi rằng, nhiều người trong chúng ta lúc này, từ trẻ con đến dân văn phòng, quả thật đang rất lười vận động, chỉ quen cắm mặt hàng giờ vào những chiếc Iphone, Ipad… và cùng lắm là xem bóng đá trên… game. “Sút” vì vậy không chỉ riêng dành cho những khán giả say mê bóng đá (phong trào hay chuyên nghiệp)…
Không phải ngẫu nhiên mà điện ảnh Việt Nam có rất ít bộ phim làm về thể thao, kể từ các phim “Phút 89”, “Cô thủ môn tội nghiệp”… hồi trước. Nó có những cái khó đặc thù nào, theo anh?
- Khó nhất là tìm kiếm tài trợ, vì đề tài kén khán giả. Khó nhì là tìm kịch bản đủ kịch tính. Khó nữa là tìm diễn viên, vì diễn viên vừa phải có ngoại hình của một dân chơi thể thao chuyên nghiệp, lại vừa phải biết diễn trong lúc… đá bóng. “Sút” vì vậy mất khá nhiều thời gian cho giai đoạn tiền kỳ: Để đảm nhiệm được các vai diễn mà không phải trông cậy vào đóng thế hay kỹ xảo, các diễn viên chính, thứ chính đã phải tham gia một khóa huấn luyện bóng đá suốt trong hai tháng, do huấn luyện viên nhà nghề đứng lớp…
Từng không thể làm một “thanh niên nghiêm túc”
Trong khi đội ngũ làm phim ngày càng được “trẻ hóa” thì kẻ tay ngang là anh lại đến với điện ảnh khá muộn. Anh có nghĩ, cuộc chơi này sẽ không quá kéo dài?
- Đúng là hơi muộn, nhưng tôi vẫn cho rằng, trong nghề này, tuổi tác không là vấn đề. Quan trọng là còn duyên và có đủ tài hay không mà thôi.
Dựng một bài nhảy hẳn là đơn giản hơn nhiều so với làm một bộ phim?
- Mỗi cái có một cái khó đặc thù riêng và cũng còn tùy thuộc vào sở trường, sở đoản của từng người. Với một bài nhảy, anh chỉ có 5 phút để thể hiện, nhưng vẫn phải có một bố cục chặt chẽ gồm đầy đủ mở bài - thân bài - kết bài, điểm nhấn, sự phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc và vũ điệu… để người xem không thể rời mắt. Còn với một bộ phim truyện điện ảnh thì anh có tới 90 phút và liên quan đến nhiều mắt xích, đầu mối, lớp lang hơn. Giữ được mạch kể do đó cũng khó khăn hơn…
Lăn lộn bao năm cùng Hip Hop và vũ đạo, vì sao anh không làm một bộ phim về chính lĩnh vực mà mình am hiểu và dễ thu hút khán giả trẻ hơn? “La La Land” chẳng phải là một ví dụ mới nhất sao?
- Nếu còn có cơ hội làm phim, một lúc nào đó, chắc tôi sẽ cố gắng tự viết một kịch bản phim về Hip Hop, không chừng sẽ là cả một series, cho bề dày 25 năm của nó tại Việt Nam. Đó có thể sẽ là câu chuyện về những “đứa trẻ hư” trong mắt bố mẹ và nếu như chúng không đỗ được ĐH thì đó sẽ là “nỗi sỉ nhục của gia đình”, hay đúng hơn đó là câu chuyện của chính tôi (cười). Vì đó từng là lý do khiến tôi phải thi đỗ vào trường ĐH Quản trị kinh doanh bằng mọi giá nhưng rồi chỉ gắng làm “thanh niên nghiêm túc” được trong vòng một năm thì giấu bố mẹ, bỏ ngang, thi sang trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội - khoa Mỹ thuật, và vẫn quyết không bỏ nhảy một ngày nào, một khi đam mê đã ăn vào máu… Đó chắc chắn sẽ là một câu chuyện của đam mê và thử thách, của không chỉ những bước nhảy trên sàn nhảy mà còn là những bước nhảy trong cuộc đời. Đừng quên, Hip Hop không chỉ là một điệu nhảy, một trào lưu sớm nở tối tàn, mà nó là cả một nền văn hóa, một giá trị kết nối, giữa rất nhiều mối quan hệ dần lỏng lẻo lúc này...
Vì sao lại là Việt Max mà không là Việt… Min? Anh luôn thích những thứ tuyệt đối?
- Làm nghệ thuật, ai chẳng cầu toàn. Nếu có thể, tôi luôn muốn làm ra những sản phẩm tốt nhất, trong khả năng… có hạn của mình.
- Xin cảm ơn anh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn