MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trang phục lấy ý tưởng từ bàn thờ đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh: MUVN.

Bộ trang phục “Bàn thờ” là ý tưởng "tối tạo" thay vì sáng tạo

Trần Kiều LDO | 01/06/2019 19:30
Những ngày gần đây, thiết kế trang phục mang tên “bàn thờ” đang gây ra nhiều tranh cãi. Số đông cho rằng, thiết kế này có phần dung tục, làm mất đi tính thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Nhìn nhận bộ trang phục “bàn thờ” của nhà thiết kế trẻ Phạm Quang Minh dưới góc độ văn hóa, PGS.TS Lê Quý Đức- nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đây là ý tưởng "tối tạo" thay vì sáng tạo. Thiết kế trang phục thì không thể lấy ý tưởng “bàn thờ” để đặt lên người được. Điều này sẽ làm mất đi tính thiêng liêng, sự trân quý, trang trọng trong văn hóa của người Việt và nhiều nước Châu Á.

"Bàn thờ vốn là vật phục vụ tín ngưỡng thiêng liêng và cao cả nên những ý tưởng chỉ nhằm thỏa mãn sự sáng tạo nghệ thuật như thế này thì không nên” - PGS.TS Lê Quý Đức nhấn mạnh.

Bộ trang phục “bàn thờ” là một trong số 40 tác phẩm tham gia cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho người mẫu Hoàng Thùy trình diễn tại Miss Universe. Người tạo nên tác phẩm này là tác giả trẻ Phạm Quang Minh (SN 2000, quê Vĩnh Long).

Ý tưởng thiết kế của bộ trang phục xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Tổng thể, bộ trang phục gồm những chi tiết cách điệu từ ảnh thờ, bát hương, lọ hoa và mâm cỗ.

Ngay sau khi được công bố, đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều xung quanh thiết kế trang phục này. Có người tán thưởng thì cho rằng đây là thiết kế có ý tưởng táo bạo và độc đáo, tính sáng tạo cao. Trái lại, phần đông mọi người tỏ ra chê bai vì bộ trang phục có phần xúc phạm đến sự thiêng liêng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc.

Bởi theo nhiều người, đối với người Việt Nam, bàn thờ tổ tiên luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất của ngôi nhà. Ngôi nhà dù có chật chội thế nào cũng vẫn phải có một ban nhỏ để bát hương, bài vị cùng những đồ thờ cúng như đài nước, chân nến, đèn dầu, lư hương, độc bình, ống hương… Những giây phút hương trầm lan tỏa trong mỗi gia đình Việt là lúc tạo ra không khí linh thiêng và ngưỡng vọng.

Mặt khác, xét trên góc độ nghệ thuật, PGS.TS Lê Quý Đức cũng thẳng thắn cho rằng, trong nghệ thuật phải có sự sáng tạo, cái mới nên được khuyến khích. Dù vậy, biểu tượng thiêng khi đưa vào quần áo mặc bình thường thì đã là không tốt, chứ chưa nói đến đưa lên trang phục của người mẫu đi thi quốc tế để quảng bá văn hóa dân tộc.

Phụ nữ cũng là biểu tượng cho thẩm mỹ. Còn bàn thờ là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Song hai biểu tượng này khi kết hợp lại thông qua một bộ trang phục thì không đồng nhất với nhau. 

Theo ông, "Cốt lõi trong làm nghệ thuật là phải biết kết hợp hài hòa giữa biểu tượng nghệ thuật và biểu tượng văn hóa, nếu không sẽ bị kệch cỡm, lố bịch”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn