MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người lên tiếng phản đối phát ngôn của Tùng Dương về bolero.

Các nghệ sĩ đồng loạt phản đối phát ngôn sốc của Tùng Dương về bolero

Bích Hà LDO | 23/08/2017 10:20
Có lẽ, chưa bao giờ, bolero lại có sự phát triển mạnh mẽ, ồ ạt như thời điểm hiện nay. Sự trở lại của dòng nhạc từng một thời bị “hắt hủi” cũng kéo theo những tranh cãi không dứt. Mới đây nhất, Tùng Dương lại “tạo sóng” khi thẳng thắn cho rằng, trào lưu “người người hát, mê đắm bolero là một sự thụt lùi”.

Nguyên văn phát ngôn của Tùng Dương - nhân sự kiện anh làm liveshow riêng “Trời và Đất” giữa lúc các liveshow về nhạc bolero tại Hà Nội đang chiếm số lượng áp đảo – như sau: “Bolero đang được số đông khán giả đón nhận vì du dương, dễ nghe, dễ vào tai, còn những sản phẩm âm nhạc kích thích trí tưởng tượng đúng là sẽ khó được đón nhận hơn rất nhiều. Nhưng bolero chỉ mang tính hoài niệm, không mang tính chất sáng tạo, phát triển nền âm nhạc. Già trẻ, lớn bé mà đều đắm đuối với bolero thì đúng là một sự thụt lùi”.

Ngay sau phát ngôn này của Tùng Dương, nghệ sĩ đang hát và theo dòng nhạc bolero đã đồng loạt lên tiếng phản đối.

Đừng hạ thấp người khác để đưa mình lên

Quay lại với dòng nhạc xưa và ít nhiều được khán giả đón nhận, Đàm Vĩnh Hưng thẳng thắn cho rằng, Tùng Dương và các ca sĩ khác muốn sáng tạo thế nào cũng được, không ai cấm, nhưng “đừng cho mình cái quyền phán xét âm nhạc, đừng ảo tưởng về bản thân. Đó là một sự xúc phạm. Một sự cố ý hạ thấp người khác để đưa mình lên”.

 Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên phản đối phát ngôn của Tùng Dương. Ảnh: NVCC
Với Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ nên chuyên tâm cống hiến với những sản phẩm mới. Vì xét cuối cùng thì nghệ sĩ chỉ là người truyền cảm xúc và truyền lửa âm nhạc cho khán giả mà thôi. “Nếu giỏi, tài, thì tại sao không làm cho thiên hạ mê mệt và chạy theo cái “thụt tới” của bạn đi?”- Đàm Vĩnh Hưng nhắn nhủ.

Chia sẻ quan điểm về phát ngôn của Tùng Dương, danh ca Phương Dung – cho rằng, sự trở lại của bolero trong những năm qua chứng tỏ lời nhạc của các nhạc sĩ viết quá hay. Bà nhắn nhủ rằng, những ai không yêu bolero thì hãy cứ làm công việc sáng tạo của mình, đừng chê dòng nhạc khác, đừng nói nó là bước tiến hay lùi.

Diễn viên Nguyễn Công Vượng thì gay gắt hơn. Anh cho rằng: “Để viết được một bài nhạc vàng sống nhiều năm, từ đời này sang đời khác, nhạc sĩ có tài mới làm được. Còn người không làm được thường hay nói là bình dân, nhạc sến, nhạc thấp... Xưa nay nhiều kẻ hậm hực với nhạc vàng, nhưng nhạc sĩ thì không học được cách viết nhạc vàng”.

Còn ca sĩ Hồ Quang Tám cho rằng, Tùng Dương có khả năng riêng, có tố chất riêng. Nhưng để nói về bolero - dòng nhạc mà nhiều thế hệ đã ngấm, Tùng Dương cũng như nhiều nhạc sĩ hay nhà nghiên cứu không thể lật ngược và xóa tan được. Vì vậy không nên chê bai, hay đưa ra những phát ngôn sốc để hạ bệ dòng nhạc này.

Sau nhạc sĩ Quốc Trung, Lê Minh Sơn, đến lượt ca sĩ Tùng Dương "tạo sóng gió" khi phát ngôn về bolero. Ảnh: FBNV  
Không nên phân biệt nhạc sang-nhạc sến?

Nếu thế giới phân biệt âm nhạc bằng thể loại như pop, rock, R&B, jazz, dance... thì Việt Nam không biết từ bao giờ có những “thuật ngữ” phân biệt ra thành nhạc "chợ", nhạc "thị trường", nhạc sang, nhạc sến.

Khán giả USUK phân biệt Taylor Swift, Rihanna, Katy Perry, Beyoncé, Adele, Madonna… bằng dòng nhạc họ đeo đuổi. Còn ở Việt Nam có đủ các khái niệm như: Ca sĩ tuổi teen, ca sĩ thị trường, để phân biệt với những ca sĩ hạng sang, diva.

Ca sĩ Duy Mạnh cho rằng, vì có những định kiến đó, nên mới có chuyện ca sĩ hát “nhạc sang” chê ca sĩ hát “nhạc sến”.

“Một trong những cái dại của nghệ sĩ Việt Nam, đó là chơi dòng nhạc này mà đi chê dòng nhạc khác. Ở trên thế giới không có nghệ sĩ nào chơi nhạc rock mà lại mở mồm đi chê nhạc pop, hoặc đang chơi nhạc pop mở mồm chê nhạc country.

Vì dòng nhạc nào nó vào dòng đó, và nó lên ngôi theo từng thời điểm. Khán giả nghe nhạc pop nhiều họ cảm thấy nhàm chán thì chuyển qua nghe country và country sẽ được lên ngôi. Cũng giống như ở Việt Nam, khán giả họ nghe pop ballad nhiều họ chán thì họ tìm nghe nhạc sến” – Duy Mạnh bày tỏ quan điểm.

Cách đây chưa lâu, việc diva Trần Thu Hà hát ca khúc thị trường “Anh cứ đi đi” đã gây ra tranh cãi. Sau đó, nhiều ý kiến đã chỉ ra nguyên nhân vì lâu nay ở Việt Nam còn tồn tại những định kiến về âm nhạc. Để không nối dài những tranh cãi, nên chăng đừng phân biệt “nhạc sang”, “nhạc thị trường”, “nhạc sến”. Vì suy cho cùng, âm nhạc chỉ đơn giản là thứ cầu nối giữa cảm xúc của người viết nhạc, người hát và người nghe. Mỗi dòng nhạc, ca sĩ, đều có công chúng của riêng mình. Nghệ sĩ hãy cứ cống hiến hết mình. Còn chuyện thích nghe nhạc gì, là quyền lựa chọn của khán giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn