MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách. Ảnh: Đoàn Hưng.

Cách thức kiểm đếm tiền công đức ở Yên Tử và loạt di tích tại Quảng Ninh

TRÍ MINH LDO | 23/07/2023 15:57

Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ mới đây đã thông tin về cách thức giám sát, tiếp nhận, kiểm đếm và quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hoá, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, tại Đền Cửa Ông có đặt hòm công đức ở các điểm thờ tự; có mã QR code tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc công đức theo hình thức chuyển khoản; có hệ thống camera giám sát tại các điểm tiếp nhận và kiểm đếm tiền công đức.

Việc mở hòm công đức vào 14h hằng ngày, có sự chứng kiến của đại diện các tổ ghi tiếp nhận công đức, bảo vệ, giám sát, mở khóa hòm công đức, kiểm đếm; tiền lấy ra có túi đựng riêng, được niêm phong và chuyển về bộ phận kiểm đếm.

Quần thể di tích Đền Cửa Ông rộng 18ha, nằm trên đồi khu 9A, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng.

Tại Khu di tích lịch sử nhà Trần, thị xã Đông Triều: Là quần thể di tích gồm 8 di tích, trong đó: Ban quản lý Khu di tích nhà Trần, thị xã Đông Triều là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý 3 di tích là cơ sở tín ngưỡng; các nhà sư trụ trì quản lý 5 di tích là chùa Phật giáo.

Ở các di tích do Ban quản lý Khu di tích nhà Trần quản lý có đặt hòm công đức, ký niêm phong của đại diện 4 đơn vị, gồm Ban quản lý Khu di tích nhà Trần, Mặt trận Tổ quốc, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Đông Triều; mỗi lần mở hòm công đức có sự giám sát, biên bản xác nhận của 4 đơn vị nêu trên. Đối với các chùa, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ do nhà chùa thực hiện.

Còn tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, là quần thể di tích, bao gồm 10 chùa Phật giáo, trong đó: Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý nhà nước nói chung đối với Khu di tích; Ban quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử trực thuộc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh (là pháp nhân phi thương mại, có tài khoản riêng, con dấu, bộ máy kế toán, thủ quỹ) quản lý 10 chùa Phật giáo.

Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí thành lập Hội đồng giám sát việc ghi thu công đức tại các chùa gồm đại diện: Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Công an, Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố Uông Bí và Ban quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử.

Tiền trong hòm công đức sau khi kiểm đếm được phân bổ trích để lại 4% cho Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử để bổ sung kinh phí phục vụ công tác quản lý; còn lại 96% do Ban quản lý Dự án tôn tạo Yên Tử quản lý.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử là điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách.

Đoàn kiểm tra nhận thấy, công tác giám sát tiếp nhận, kiểm đếm tiền trong hòm công đức tuy có sự phối hợp của nhiều bên liên quan nhưng với số thu tiền công đức năm 2022 là 3,7 tỉ đồng, chỉ tương đương số thu tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỉ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỉ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỉ đồng).

"Nhìn số liệu so sánh nêu trên không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử" - phía Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn