MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cái “tuyệt đỉnh”, “tuyệt mật” về vẻ đẹp của người đàn bà...

VIỆT VĂN LDO | 02/11/2017 09:17
9h sáng nay 2.11, triển lãm tranh giấy của nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành (người Đà Nẵng, năm nay đã 87 tuổi) diễn ra tại Trung tâm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội).

Lần đầu tiên 39 bức tranh khỏa thân được nhà điêu khắc lặng lẽ sáng tác trong khoảng trên 30 năm, chủ yếu là trong thời kỳ đổi mới, được công bố trước công chúng. Tranh treo trang trọng trong triển lãm, với kích cỡ đa phần 80cmx1m, duy có hai bức to nhất lên tới 1,5mx1,8m.

Một tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành trong triển lãm.

Nhà điêu khắc Lê Công Thành từ tốn, nói chậm rãi, nhưng câu nào chắc câu nấy như chính con người ông: Luôn khiêm cung trong đời thường, nhưng mạnh mẽ và đầy sáng tạo trong nghệ thuật. 39 bức tranh bột màu và sơn trên giấy đều tập trung vào chủ đề Đàn Bà với chữ viết hoa.

Ban đầu, ông vẽ theo nguyên mẫu, về sau vẽ theo tưởng tượng, còn con số 39 tranh được ông lý giải “tôi theo thế giới tâm linh”. Nhà điêu khắc Lê Công Thành không theo một tôn giáo nào, nhà ông ngay chính giữa có bức tượng Bác Hồ do chính ông làm để thờ Bác cách đây hơn 10 năm. Và nhiều cán bộ cao cấp về hưu vẫn thường đến đây thắp hương.

Họa sĩ Bằng Lâm - giám tuyển cho triển làm lần này - nhận xét: Hạnh phúc nhất của ông là luôn có những người đàn bà xung quanh để vẽ, nhưng ông luôn vượt thoát ra hiện thực để tạo ra hình tượng người phụ nữ. Tranh ông được giản hóa tối đa về màu, đường nét và tạo sự sâu lắng cảm xúc. 39 bức này được chọn từ khoảng 300 bức khỏa thân ông vẽ chủ yếu trong 30 năm đổi mới và chưa được triển lãm. Lối vẽ của ông rất hiện đại, đương đại và cho thấy những sáng tạo, cách tân của một nghệ sĩ âm thầm làm việc.

Nữ họa sĩ Nguyễn Kim Thái thì cho rằng tranh của nhà điêu khắc Lê Công Thành đã thể hiện được vẻ đẹp của phụ nữ. Một vẻ đẹp đôn hậu, trong sáng, có chất thánh thiện, chất Mẫu trong tranh. Người phụ nữ trong tranh ông không mảnh mai, yếu đuối mà đậm chất phồn thực.

Khi được hỏi về vai trò của nghệ thuật trong đời sống của mình, nhà điêu khắc Lê Công Thành khẳng định: “Không có nghệ thuật thì tôi không sống được”. Với ông, điêu khắc và hội họa gắn bó chặt chẽ với nhau, cái nọ bổ sung, tung hứng cho cái kia. Ông nói giản dị: Thích thì tôi làm, không chạy theo một phong cách nào. Trong sáng tạo, tính ngẫu hứng là quan trọng.

Ông xem và biết rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước, nhưng Lê Công Thành không cảm thấy gần gũi với ai cả. Phải chăng trong nghệ thuật, sự cô đơn là chất xúc tác cần có cho sáng tác? Nhà điêu khắc Lê Công Thành nhìn sâu vào mắt người đối thoại: Tôi thấy buồn vì có ít người để trò chuyện. Có một người tôi hay trò chuyện về nghệ thuật chính là người vợ, cũng là người bạn của mình.

Ông coi trọng cái lạ trong nghệ thuật nhưng phải là cái lạ hay, lạ tốt, còn phản ứng lại cái quái lạ, quái gở. Ông bảo mình chưa bao giờ cảm thấy bế tắc trong sáng tạo mà luôn dồi dào ý tưởng. Ông quan tâm cuộc sống, đổi thay của đất nước, ngày nào cũng xem tin tức, thời sự trên báo, tivi.

Lặng lẽ dồn toàn bộ tâm sức của mình cho nghệ thuật, nghệ sĩ Lê Công Thành đã để lại cho đời những công trình lớn, giàu ý nghĩa nhân sinh như bức tượng “Mẹ Âu Cơ” (cao 3m, dài 5m, bằng đá trắng) đặt tại TP.Đà Nẵng thời mà ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch UBND TP. Một tác phẩm được chính ông Nguyễn Bá Thanh đặt hàng và Lê Công Thành ra điều kiện: Ông được toàn quyền nặn tượng, không ai được duyệt, được tự chọn đất, chọn chỗ… Để rồi gần một tháng sau (6.2007), tượng “Mẹ Âu Cơ” hoàn tất, được dư luận hết lời ngợi khen.

Đến với triển lãm của nhà điêu khắc Lê Công Thành lần này, công chúng sẽ được thưởng ngoạn những tác phẩm đặc sắc, độc đáo thể hiện bút pháp dồi dào năng lượng, nâng niu vẻ đẹp của người phụ nữ Việt trong những chiều kích không gian và thời gian khác nhau.

“Tôi yêu đàn bà như yêu mẹ mình, vợ mình và con mình. Tôi quý trọng họ không chỉ vì nhan sắc mà quý vì những điều đàn ông không có. Làm nghệ thuật, tôi rất xúc động trước cái “tuyệt đỉnh” và “tuyệt mật” về vẻ đẹp của người đàn bà. Tôi muốn đem đến cho thế giới vẻ đẹp của người đàn bà là một nửa hệ trọng của thế giới này”. Nhà điêu khắc Lê Công Thành

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn