MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cấm vĩnh viễn bản bị sửa lời, đâu là bản gốc của “Con đường xưa em đi”?

Đặng Chung LDO | 05/04/2017 18:00
Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) vừa cấm vĩnh viễn dị bản ca khúc "Con đường xưa em đi" và 4 ca khúc khác được sáng tác trước năm 1975. Trước thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi, đâu là bản gốc của ca khúc, tại sao Cục NTBD không công bố bản gốc của các ca khúc này để người dân phân biệt?

Những giờ qua, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin dị bản của 5 ca khúc ra đời trước 1975, bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương) sẽ vĩnh viễn không được lưu hành.

Nhiều độc giả bày tỏ sự hoang mang, vì trong khi Cục NTBD đưa ra lý do “cấm” là vì các ca khúc này bị sửa lời, sai tên tác giả, vi phạm nghiêm trọng các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng lại không công bố bản gốc để khán giả so sánh, đối chiếu và phân biệt với dị bản. Trong trường hợp không tìm được bản gốc thì chẳng lẽ khán giả, người nghe sẽ mãi mãi không được thưởng thức ca khúc này trên sân khấu ca nhạc trong nước?

Bởi việc xác định đâu là bản gốc không phải là dễ dàng. Ngay với ca khúc “Con đường xưa em đi”, có bản viết "chiến trường anh bước đi", bản lại viết là "lối mòn anh bước đi". Một số ca sĩ hát "Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài", nhưng có một số lại hát là: "Nơi đây thao thức canh dài".

Nhiều người cũng thắc mắc: Nếu cơ quan quản lý đã cấm lưu hành phiên bản lời sai thì coi như phiên bản lời đúng được tự động lưu hành, chứ sao lại phải có "đơn đề nghị”, đơn xin cấp phép thì mới được phổ biến?

Về những băn khoăn này của công chúng, ông Nguyễn Đăng Chương – Cục trưởng Cục NTBD giải thích: “Theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5.10.2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại miền Nam, hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phải nộp hồ sơ đến Cục NTBD để xin cấp phép phổ biến.

Sau khi có đơn đề nghị của đơn vị sử dụng xin cấp phép phổ biến, Cục NTBD sẽ thành lập hội đồng nghệ thuật. Trong đó, các thành viên sẽ nghe, xem, đọc, phân tích và cho ý kiến đối với ca khúc. Nếu thấy cho phép phổ biến được thì có biên bản, sau đó căn cứ vào biên bản đó để ra quyết định cho phổ biến.

Đối với 5 ca khúc trên, hiện chưa có đơn vị, cá nhân nào đến Cục NTBD cung cấp bản gốc và nộp hồ sơ xin cấp phép phổ biến ca khúc”.

Hiện rất khó để xác định được đâu là bản gốc của ca khúc "Con đường xưa em đi".

Tuy nhiên nếu áp theo quy định này, thì phần lớn tác giả của những ca khúc sáng tác trước 1975 đều sinh sống ở nước ngoài hoặc đã mất, như vậy rất khó để có được bút tích của tác giả, hay có được bản gốc của các sáng tác này.

Trả lời về điều này, ông Nguyễn Đăng Chương cho biết: Về nguyên tắc, bản gốc được tác giả viết tay và tác giả sẽ là người giữ bản gốc. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cũng có đủ tư liệu để đối chiếu, so sánh với nội dung để loại bỏ những bản nhạc dị bản. Trong trường hợp tác giả ca khúc đã mất, theo Luật Bản quyền, người được ủy quyền hoàn toàn có thể thay thế tác giả để xác nhận bản gốc.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Chương, không chỉ riêng 5 ca khúc đã sai so với bản gốc sẽ bị cấm vĩnh viễn mà tất cả các ca khúc khác đã bị sửa nốt nhạc, sửa ca từ, tên tác giả đang lưu hành cũng sẽ bị dừng và cấm lưu hành trong thời gian tới.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn