MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần xây dựng luật ngôn ngữ tiếng Việt để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt.

Cần có Luật Ngôn ngữ tiếng Việt

Lưu Ly LDO | 13/11/2016 07:36
Trước thực trạng tiếng Việt đang bị sử dụng “lệch chuẩn” như hiện nay, nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu tham gia hội thảo "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" cho rằng, cần có Luật Ngôn ngữ, cũng như tăng cường các chế tài để bảo vệ và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN: “Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia”

Chúng ta có Hiến Pháp 2013, có các Bộ luật Dân sự, có Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ… cùng không ít văn bản pháp quy liên quan đến báo chí, truyền thông, ngôn ngữ. Nhưng luật chuyên ngành ngôn ngữ thì chưa. Trên thế giới hiện nay có hơn 1.000 bộ luật ngôn ngữ. Trong khi Việt Nam nghìn năm văn hiến thì lại chưa có... Ở nước ta ngày nay, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, được quy định trong Hiến pháp. Đó là cơ sở pháp lý để ban hành Luật Ngôn ngữ, các văn bản pháp quy.

Cá nhân tôi nghĩ, muốn việc bảo vệ tiếng Việt thực sự có hiệu quả thì hô hào thôi chưa đủ, mà cần có chế tài xử phạt. Đối với người nói, người viết có lẽ chỉ có thể tuyên truyền vận động, còn chế tài xử phạt chỉ có thể áp dụng với người có quyền cho phép các ngôn bản được truyền bá trong xã hội, trên các cơ quan truyền thông.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN: “Đừng chờ đến lúc có Luật Ngôn ngữ mới bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”

Trên thực tế còn rất nhiều bất cập, lệch lạc trong việc dùng tiếng Việt không chỉ trong đời sống mà còn trên báo chí. Ở đây có vấn đề nhận thức chưa đúng vai trò, ý nghĩa của tiếng Việt, dẫn đến tình trạng vay mượn tiếng nước ngoài tùy tiện, phiên âm, phát âm tiếng nước ngoài chưa thống nhất. Tình trạng đặt “tít” giật gân, câu khách vẫn còn nhiều gây bức xúc trong công chúng. Nhất là công chúng vốn coi báo chí là mẫu mực trong việc nói và viết, nên chúng ta dùng từ sai, viết sai, nói sai trên báo chí thì sẽ dễ bị bắt chước.

Về nguyên nhân của tình trạng trên là do sự non yếu về nhận thức, cả kiến thức về ngôn ngữ của chính nhà báo. Đội ngũ những người làm báo được tuyển chọn từ nhiều nguồn, chuyên ngành khác nhau, có một số người viết theo thói quen, kinh nghiệm, nhiều khi viết sai mà không biết. Công tác biên tập ngôn ngữ báo chí ở các cơ quan báo chí còn chưa được quan tâm đúng mức.

Vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cần nhận thức vai trò to lớn của tiếng Việt trên báo chí và các phương tiện truyền thông nói chung. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả hơn nữa giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Ngôn ngữ Việt Nam để đưa ra các bộ quy chuẩn về phát âm, cũng như chính tả trên báo chí.

Tôi cũng đồng ý rằng, cần có Luật Ngôn ngữ Tiếng Việt. Nhưng chúng ta không nên cầu toàn chờ đến khi có Luật Ngôn ngữ mới bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng tôi cũng có quan điểm sẽ không trao giải báo chí quốc gia, báo chí chuyên ngành cho các tác phẩm báo chí không đạt chuẩn về sử dụng tiếng Việt.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa - đại diện Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Cần rèn kỹ năng nói và viết chuẩn tiếng Việt từ khi ngồi trên ghế nhà trường”

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đang phải đối mặt với sự giao thao giữa tiếng mẹ đẻ với ngôn ngữ nước ngoài… Trong quá trình tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đưa ra ý kiến, băn khoăn về tình trạng nhiều phát thanh viên, biên tập viên truyền hình, phóng viên viết sai, nói sai ngữ pháp tiếng Việt. Trong khi tại Việt Nam, thì chưa có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chưa có chế tài gì để xử phạt hành vi làm giảm sự trong sáng của tiếng Việt trên báo chí.

Với tư cách là đại diện Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chúng tôi cũng đề xuất đã đến lúc cần đưa nội dung xây dựng Luật Ngôn ngữ ra bàn thảo. Nhưng tôi nghĩ, các cơ quan báo chí cần xây dựng chuẩn mực về cách nói, cách viết, góp phần định hướng công chúng. Kiên quyết xử lý các cách nói, viết tiếng Việt lệch chuẩn, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Đối với ngành giáo dục và đào tạo, phải bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt với đội ngũ nhà giáo, học sinh, nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt, cần phải rèn kỹ năng nói và viết chuẩn tiếng Việt cho học sinh ngay từ khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn