MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngoài phim “Sinh tử” thì thực tế là nhiều phim truyền hình Việt, diễn viên thường phải nói quá nhiều và lấy lời nói thay hành động.

Cần kìm nén cảm xúc và đi vào nội tâm nhiều hơn!

Việt Văn LDO | 09/11/2019 18:28

Xem phim truyền hình Việt khá “mệt” vì nhiều nhân vật trong phim thường “tăng động” và khóc, cười trong phim ồn ào quá, khác với sự kìm nén và tiết chế cảm xúc của những nhân vật trong phim truyền hình Hàn Quốc hay Trung Quốc… Hơn thế, diễn xuất của nhiều diễn viên vẫn nặng về hình thể hơn là nội tâm.

Giọt nước mắt trong phim

Trong một lần trò chuyện, đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh, người từng làm nhiều phim truyện điện ảnh có tiếng như “Mùa len trâu”, “Nước 2030”… có nói một chi tiết hay: Khi quay phim nhân vật khóc, ông thường quay hết cảnh từ lúc nhân vật bị dồn nén đến khi trào ra nước mắt. Nhưng khi dựng, ông cắt cảnh khóc mà chỉ để cảnh sắp khóc… Ấn tượng sẽ mạnh hơn, kích thích sự liên tưởng của người xem mạnh hơn.

Nhiều phim truyền hình Việt Nam, nhân vật thường khóc lóc giàn dụa, nhiều khi làm xấu cả gương mặt đi vì nước mắt. Cảnh phim mới nhất đang chiếu trên truyền hình, “Sịnh tử” với cảnh sập mỏ đá cũng vậy, cảnh khóc lóc nhiều làm “mệt” khán giả, và cũng không giải quyết gì nhiều nội dung phim. Thậm chí, cảnh đó có thể lướt nhanh và cho mất tiếng có khi còn ấn tượng hơn.

Ai đó sẽ biện minh rằng người Việt thường dễ xúc động, hay mủi lòng, thương người, thương thân. Thực tế có thể như vậy, nhưng khi đưa lên phim dù phim truyền hình hay điện ảnh thì sự tiết chế cảm xúc là đặc biệt cần thiết. Diễn viên để thăng hoa diễn quá lên (over) nhưng đạo diễn phải kéo lại để cân bằng, giữ nhịp cho phim.

Nói nhiều, họp nhiều…

Ngôn ngữ của phim là hình ảnh hành động và qua hành động bộc lộ tính cách. Song nhân vật phim Việt thường nói quá nhiều, quá dài mà tình huống kịch không đẩy lên được mấy.

Trong phim “Sinh tử” việc quay một cảnh có câu thoại dài, phải quay đi quay lại tới 70 đúp dù 2 diễn viên đều nổi tiếng là NSND Hoàng Dũng (vai Chủ tịch tỉnh) và NSND Trọng Trinh (vai Bí thư Tỉnh ủy). Một mặt cho thấy sự kỹ tính, cẩn thận của đạo diễn, nhưng mặt khác cũng cho thấy câu thoại hơi dài. Theo các diễn viên, đây là ngôn ngữ phải chuẩn chỉ, đúng như thực tế ngoài đời. Ngôn ngữ nội bộ, nói sao để đúng, lại kết hợp thoại, diễn mà khán giả hiểu rõ ràng là thách thức cực lớn.

Nhưng ngoài “Sinh tử” thì thực tế là nhiều phim truyền hình Việt, diễn viên thường phải nói quá nhiều và lấy lời nói thay hành động.

Với một số phim chính luận trước đây, các cảnh họp hành cũng là “nỗi kinh hoàng” với khán giả. Có phim tập nào cũng ít nhất vài cuộc họp và những lời thoại dài dòng, khô khan làm mệt người xem. Phim từ cuộc đời mà ra nhưng không phải là bản photo copy hiện thực.

Dễ đoán vai phản diễn

Phim hay là phải giàu kịch tính, luôn tạo ra những nút thắt và cái kết bất ngờ. Nhân vật với gương mặt đa chiều, phần tốt, xấu đều có như Khổng Tử nói “mỗi người là một tiểu vũ trụ”. Người xấu chẳng qua phần xấu nhiều hơn lấn át phần tốt thôi. Song nhiều đạo diễn phim truyền hình Việt cứ mặc định nhân vật phản diện là xấu hoàn toàn.

Xấu từ mặt xấu đi, và thể hiện rõ nhất ở ngoại hình. Với dân xã hội đen thì tóc tai, râu ria xồm xoàm, ăn mặc lộn xộn…Từ gương mặt rắn đanh hay lấc láo, từ ánh mắt lúc nào cũng trợn lên, long sòng sọc hay cái nhíu mày “tỏ ra nguy hiểm”, và đặc biệt là kiểu nói năng. Nói 3 câu thì văng tục, chửi thề 2 câu, trùm xã hội đen cũng phải gằn giọng, nói ngôn ngữ “giang hồ vặt”, động tý là “xin tí tiết”... Trong khi thực tế ngoài xã hội, nhiều “đại ca” nói năng vô cùng nhỏ nhẹ, dễ nghe và thậm chí có trình độ, tri thức. Việc mặc định thể hiện nhân vật tội phạm như một mẫu hình khô cứng, lặp lại dễ làm người xem nhàm chán.

Với nhân vật phản diện nhưng không phải tội phạm tay chân mà dạng trí thức, cổ cồn thì cũng rất ít phim, đạo diễn “giấu” được tính cách thật để gây bất ngờ. Thường chỉ qua mấy tập là người xem nhận ra bộ mặt thật của nhân vật. Sự đào sâu về mặt tâm lý, tạo nên những vỏ bọc tinh vi cho nhân vật đòi hỏi nhiều trải nghiệm của chính người làm phim và thời gian cần thiết để làm phim. Trong nhiều phim, cả hai yếu tố này đều không có, trong đó áp lực về tốc độ sản xuất phim đòi hỏi nhanh, chưa bao giờ là thách thức dễ vượt qua…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn