MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh bìa album. Ảnh: T.L

Cấp phép phổ biến ca khúc: Không phải xin - cho thì là gì?

Đặng Chung LDO | 15/04/2017 10:00
Công chúng cho rằng, việc cấp phép phổ biến ca khúc hiện nay còn mang tính xin - cho, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) thì bác bỏ. Nếu cơ quan quản lý bảo không sai, thì quy định cấp phép ca khúc hiện nay chắc chắn có vấn đề, nên mới xảy ra những tình huống “dở khóc dở cười”, gây bức xúc dư luận.

“Hát chui” và những chuyện không tưởng!

Câu chuyện liên quan đến việc cấp phép ca khúc đã khiến Cục NTBD trở thành tâm điểm suốt tháng qua. Người bức xúc, người chỉ trích. Trong sự việc này, Cục NTBD đã làm đúng quy định của pháp luật trong việc cấp phép cho một ca khúc. Đó là Điều 29 Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

Nhưng mọi rắc rối cũng xuất phát từ đấy. Vì Cục NTBD cứ áp theo quy định mà làm, rằng có người nộp hồ sơ xin, thì Cục mới cấp phép nên xảy ra những chuyện dường như “không tưởng”. Nhạc phẩm “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đời vào tháng 4.1970. Ca khúc được tác giả hát trong ngày thống nhất đất nước, từng được khoảng 60 ca sĩ biểu diễn, được in trong sách giáo khoa lớp 9, nhưng đến giờ mới được... cấp phép. Điều đó cũng có nghĩa rằng trước đó tất cả đã “hát chui”.

Hay “Tiến quân ca” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944, sau đó được chọn làm Quốc ca, nhưng theo danh mục ca khúc được phổ biến trên website của Bộ VHTTDL thì đến năm 2009 mới được cấp phép.

Ca khúc "Nối vòng tay lớn" đã được biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ từ hơn 40 năm nay, nhưng đến giờ mới được Cục NTBD cấp phép. Ảnh: BTC

Một nhạc sĩ chua chát nói, nếu cứ máy móc làm theo quy định của Nghị định 79, thì có đến hàng nghìn ca khúc khác cũng ở tình trạng “treo”. Đến như “Lên đàng”, hay nhiều sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao cũng chưa có trong danh mục được cấp phép. Bản thân những tác phẩm hay, tự nó có sức sống trong lòng công chúng. Cấp phép hay không, người dân vẫn hát.

Cục NTBD nói không có chuyện xin - cho, nhưng hiểu theo nghĩa thuần túy nhất (chưa nói đến những vấn đề tiêu cực), rõ ràng Điều 29 của Nghị định 79 quy định: “Muốn hát, biểu diễn những sáng tác trước 1975 phải có sự cho phép của Cục NTBD” và phải nộp hồ sơ để xin. Như vậy, nếu không sửa quy định, trong tương lai sẽ liên tục có những lùm xùm tương tự diễn ra.

Nên hợp thức hóa các ca khúc đã được Sở cấp phép     

Có rất nhiều ý kiến cho rằng, Cục NTBD nên đưa ra một danh sách các ca khúc bị cấm, còn tất cả những ca khúc còn lại, có giá trị thì tự động được phép lưu hành, để chấm dứt cảnh xin – cho. Cục kêu khó, vì không dễ dàng biết ca khúc nào bị cấm, trong khi quy định về việc “thế nào thì bị cấm” còn khá mơ hồ, nhạy cảm. Vị Cục phó Cục NTBD nói việc đó là điều không tưởng!

Sửa những quy định bất cập trong Nghị định 79, Cục NTBD nói sẽ xem xét. Việc này không thể làm trong ngày một ngày hai, vì nếu lãnh đạo Cục có đề xuất cũng phải qua rất nhiều cấp xem xét.

Vậy kịp thời nhất, nhanh nhất lúc này để đáp ứng nhu cầu được hát, được giải trí của người dân là Cục NTBD nên hợp thức hóa các ca khúc mà các sở văn hóa địa phương đã cấp phép trước khi Nghị định 79/2012/NĐ-CP ban hành.

Thực tế, có hàng ngàn ca khúc nhạc xưa đã được các sở cấp giấy phép công diễn và giấy phép sản xuất, phát hành băng đĩa cho các hãng sản xuất trước khi có quy định Cục NTBD là cơ quan duy nhất cấp phép phổ biến cho các ca khúc ra đời tại các tỉnh phía Nam trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài. Hàng nghìn ca khúc do các sở văn hóa địa phương cấp phép đã được hát, được lưu hành và thu tiền tác quyền bao năm qua.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, họ căn cứ cả danh mục ca khúc được phép phổ biến của Cục NTBD và cả của các sở để ký kết hợp đồng khai thác sử dụng và thu phí tác quyền cho các tác giả. Ví dụ như trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dù Cục NTBD mới cấp phép cho 78 bài, nhưng danh mục thu tiền tác quyền là hơn 200. Nghĩa là hàng trăm bài của nhạc sĩ dù chưa được Cục NTBD cấp phép, nhưng vẫn đang được lưu hành rộng rãi, được hát ở khắp nơi.

Với nhiều ca khúc khác cũng thế. Trước đây, một số sở văn hóa từng kiến nghị Cục NTBD nên hợp thức hóa các ca khúc đã được các sở cấp phép trước đó, để cập nhật vào danh mục bài hát đã được cấp phép của Cục, nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì. 

Và việc cấp bách nhất là xem xét sửa ngay những nhầm lẫn đáng trách về việc ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao thì ghi thành Văn Chung, nâng cấp website để cập nhật danh mục ca khúc đã được Cục cấp phép, thay vì lo quá vào việc “thả" rồi "trói” những bài hát đã có sức sống trong cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn