MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cau trầu trong mâm cơm cúng gia tiên ngày mùng Bốn Tết trong một gia đình nông dân ở Đại Yên, Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: NGUYỄN VĂN TỐ

Cau trầu mãi đượm

Tuyền Linh LDO | 26/01/2023 10:00

Cho dù nhiều - nhiều năm nữa, rất có thể nước mình chẳng còn một ai “tiêu sầu bằng thú nhai trầu” (6 chữ này là từ sách của người xưa), tôi vẫn tin, mãi mãi nhiều nơi chốn, những hàng cau khóm trầu vẫn mướt lá, đĩa cau trầu têm khéo vẫn được dâng lên cúng tổ tiên những ngày Tết, trong lễ gia tiên, mừng thọ, cưới hỏi,  cúng đầy tháng, thôi nôi… Và, “Sự tích trầu cau” vẫn sẽ được kể lại - như một ghi dấu văn hóa ăn trầu của người Việt qua hàng thế kỷ, nhắc nhớ người nghe  nét đẹp tinh thần -  tình anh em thuận hòa, vợ chồng tiết nghĩa…

1.

Cùng ba người bạn tốt lang thang khu phố cổ Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) một sớm cuối tháng 11, chợt thấy cửa hàng bán trầu cau, tôi chạy vội lại… xem. Quả cau xứ Đài thuôn bé như ngón tay cái người lớn. Mảnh lá trầu gói nguyên quả cau. Vôi quệt từ bình nhựa như đang… sục điện có vòi nhỏ chiết  từng chút, thay vì quết tay như ở mình. Cô hàng cau trung niên tay gọt bỏ chũm cau, mắt thi thoảng ngó điện thoại. Một người đàn bà hỏi mua gói trầu cau vài chục miếng và lon nước ngọt. Tôi ọ ẹ hỏi bằng tiếng Hoa “Bà mua cái này để làm gì”. “Con tôi ăn, đỡ buồn ngủ. Nó lái xe”.

Chợt nhớ chút thông tin từng đọc về Đài Loan: Một thời người Đài Loan trồng cau với số lượng lớn, số người ăn trầu cau nơi đây thuộc hàng nhiều nhất thế giới. Người Đài cũng có  tập tục, văn hóa trầu cau. Có lúc, Đài Loan nhập cau trầu nhiều từ Việt Nam…

Cau trầu bán ở chợ Bà Chiểu (TP. HCM). Ảnh: BÌNH AN

Từ ngõ nhỏ, xe đạp phóng vèo ra, một bác trai trung niên, miệng bỏm bẻm nhai trầu đỏ hoét. Chợt nhớ tới mấy cậu em họ, ông bác họ đằng chồng ở quê nhà, mùa đông nào tôi về dịp Tết, cũng qua chơi, miệng cười đỏ hoe hoét, mời “bác cố xơi lấy miếng giầu cho phừng ấm người”. Làng quê chồng tôi ngoại thành Hà Nội, tới giờ, đàn ông trung niên vẫn có người ăn trầu, tất nhiên chỉ mùa đông, cũng thi thoảng  mùa khác, khi nhà có đám.

Hai ngày sau đó, đường từ Gia Nghĩa lên núi A Lý (Alisan) nhiều khúc cua ngoằn nghèo, chúng tôi ồ à khi thấy những triền cau, vạt trầu  xanh mướt. “Đài Loan nhiều đồi núi, nhiều nơi vẫn trồng cau trầu. Giờ chủ yếu chỉ còn cánh lái xe đường dài ăn trầu cau, đỡ buồn ngủ”, anh lái xe kiêm dẫn đường giới thiệu rồi cố giúp chúng tôi phát âm hai từ trầu cau bằng tiếng Hoa cho đúng: "Bīn láng".

Cũng định hỏi thêm bác tài thông tin về "bin lang xi shi" - Tân lang Tây Thi (tạm dịch nàng Tây Thi trầu cau) - “những cô gái mặc mát mẻ đứng bán trầu cau trong các bốt/cửa hàng cửa kính trong suốt dọc đường cao tốc” - thông tin du khách hay tò mò muốn biết khi tới xứ Đài. Được biết, Đài Loan 6-7 năm nay “cố gắng hạn chế, tiến đến bỏ thói quen ăn trầu cau truyền thống bởi những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe; có nơi tổ chức các lớp cai nghiện trầu; phạt tiền những người nhổ nước cốt trầu bừa bãi; khuyến khích nông dân địa phương thay đổi cây trồng, cắt giảm nguồn cung trầu…”. Ừ thì, cùng cau trầu - thói quen ăn, cách “đối đãi” mỗi nơi tất nhiên mỗi khác… Ngoài nước mình, trầu cau được trồng nhiều ở Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, nam Ấn Độ, Sri Lanka, một số nước  ở đông Châu Phi.

2.

Chị Nương, như chị nói với tôi, bán trầu cau ở chợ Bà Chiểu (gần nhà tôi) hơn 40 năm, từ hồi còn 8 tuổi; bà cố chị người Bà Điểm Hóc Môn  nổi tiếng với “18 thôn vườn trầu”. Hỏi chị cau trầu chị bán hiện mua từ Hóc Môn? Chị lắc đầu, “Trầu cau ở đó tiêu  rồi, còn mấy đâu”. Gặng hỏi nguồn cau trầu, chị không trả lời, hất đầu ra cột điện dán tên chị, số điện thoại, hàng chữ “Mua cau trầu”. Bí mật kinh doanh - ai dễ nói?

Trong mấy phút chuyện với chị Nương, có một bác già mua hàng trăm miếng trầu chị Nương têm (lá trầu vặn hình phễu, bỏ miếng cau vào giữa) về làm đám ở nhà, ba bốn  phụ nữ mua lá trầu không về tắm em bé. Tác dụng của lá trầu không - chữa bệnh theo lối dân gian - không phải ai cũng biết.

Cau trầu bán ở Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: TUYỀN LINH

Chị Bích Ngọc, 40 năm bán cau trầu ở chợ Bến Thành thì cho tôi biết giá một mâm trầu cau cho đám cưới 500 ngàn đồng. “Bán trầu cau cũng lai rai. Được hơn vào mùa cưới, dịp Tết nhất. Cau khô vẫn có người mua, họ gửi ra nước ngoài; ra Bắc cũng có”.

Sài Gòn, hầu như chợ lớn nào cũng có chỗ bán trầu cau; một chỗ nhỏ riêng, hay ở quầy bán chung nhiều thứ khác. Chợ trầu cau nổi tiếng nhất Sài Gòn nằm trên đường Lê Quang Sung, quận 6, những ngày giáp Tết thường nhộn nhịp.  Người bán cau trầu ở chợ thường nói,  cũng gốc Bà Điểm, Hóc Môn, bán  mấy chục năm  “để giữ lấy nghề”.

Cau trầu người Sài Gòn bây giờ mua về chỉ thường dùng cho các lễ  nghi trong gia đình, dòng họ,…

Tháng 7 năm 2022, “UBND huyện Hóc Môn, TP. HCM phát động trồng cây cau, dây trầu để thế hệ trẻ huyện nhận thức được trách nhiệm đối với quê hương, đất nước”. Người dân lập tức hiểu, chính quyền tổ chức trồng cau, trầu mỗi năm để địa danh “18 thôn vườn trầu” không bị  lãng quên.

2022 cũng là năm đầu tiên Hóc Môn phát động trồng trầu, cau nên nhà nhà tích cực hưởng ứng.

Hy vọng vài năm nữa, những người bán cau trầu như chị Nương, chị Ngọc có thể vui vẻ tự hào giới thiệu “Cau trầu này  từ 18 thôn vườn trầu Hóc Môn Bà Điểm đó nghen”.

3.

Mẹ chồng tôi răng đen hạt huyền, ăn trầu  từ trẻ. Bà mất gần chục năm nay, nhưng trên bàn nước trong căn nhà thờ tự ở quê, gia đình vẫn giữ nguyên cơi trầu bằng đồng có nắp, con dao bài nhỏ bổ cau, ông bình vôi bằng gốm màu gan gà,  tròn, không chân đế,  trổ một lỗ ở vai bình làm miệng có cắm que tre đầu vót nhọn để xỉa vôi, quai xách là nguyên con… rồng.

Ngày Tết, hay khi nhà có đám, ba món kỷ niệm - mà nay gia đình gọi là gia bảo vẫn được dùng chủ yếu cho việc “Miếng trầu là đầu câu chuyện” khi Tết nhất họ hàng làng xóm qua chúc Tết, thăm chơi; hay mời nhau “xơi miếng giầu cho ấm người” những ngày đông giá. Nhà không tốn tiền cau vì mấy cây cau trong vườn ngon nhất nhì xóm nhỏ. Giàn trầu năm có năm không. Bẻ cau đã có người em họ mạnh tay chân leo thoăn thoắt. Miếng trầu xơi không cầu kỳ têm kiểu cánh phượng, cánh kiến, cánh quế, mũi mác. Góc tư quả cau, mảnh lá trầu quẹt chút vôi, ai thích thêm tý thuốc lào thi thoảng có cả rễ quạch… Mà hình như mỗi năm mỗi ít người làng còn giữ thói quen ăn trầu.

Cau trầu bán ở chợ Bến Thành, TP. HCM. Ảnh: BÌNH AN

Đĩa trầu cau lễ trên bàn thờ  gia tiên những ngày Tết giản dị mấy quả cau ngon nhất, mấy lá trầu quệt ít vôi, nhưng bày biện tươm tất, nghiêm cẩn. Nhà nào ở làng, nói chung cũng theo lối vậy. Nhà nào có vườn, dù bé, cũng trồng một hai cây cau, khóm trầu không leo giàn tùy nhà có. Tình làng nghĩa xóm thường là giao lưu: Nhà bác có giầu, nhà em có cau. Tặng nhau qua lại, thế là đủ  cau trầu cho lễ Tết. Cũng có năm cau mất mùa, phải ra  chợ mua. Giá cau cao gấp  vài lần. Sáng mùng Một tới nhà ai lễ Tết theo truyền thống (tính theo thứ bậc của dòng họ), ngoài thẻ hương cũng đều có  cau, trầu.

Nhớ một cái Tết xa khi “còn chưa hiểu chuyện” (là nói chuyện phong tục tập quán nhà quê), tôi nói mẹ chồng, bỏ cái bình vôi cũ, thay bình mới cho bóng đẹp; bà cười  và... giãy nảy “Ông bình vôi cũ hay sứt mẻ không được vứt bỏ thùng rác, mà  đem để dưới gốc đa hay dưới lũy tre bên đình, hay mang ra sông thả…”.

Nhà luôn giữ kỹ bình vôi mấy chục năm bà dùng. Sau này, tôi tìm hiểu, biết thêm: “Bình vôi còn là một đồ dùng quan trọng trong mỗi gia đình, ngoài ý nghĩa để đựng vôi - một trong ba vị chính (trầu, vỏ, vôi) làm nên một miếng trầu - nó còn là biểu tượng cho quyền uy của bà “nội tướng” trong nhà. Bình vôi thường được các làng gốm sản xuất với số lượng lớn vào những năm nhuận. Đây là một hiện tượng rất đáng lưu ý. Phải chăng, hiện tượng này có liên quan đến một tập quán (hiện chỉ còn lưu giữ tại một số địa phương) là người Việt thường thay bình vôi vào các năm nhuận (bằng cách mang treo lên cành đa đầu làng hoặc thả trôi sông). Nhưng tại sao lại thay bình vôi vào thời điểm đó?

Có ý kiến cho rằng, theo quan niệm của người Trung Hoa, năm nhuận - tiếng Hoa đọc là: "rùn nián" - được hiểu là năm “dư”, tháng “thêm" (được thêm hoặc có thêm). Như vậy, sản xuất, thay thế bình vôi vào năm nhuận, cả người mua và người bán đều được “dôi dư”, thịnh vượng…”

Theo âm lịch, năm Quý Mão 2023 có tháng nhuận vào tháng 2. Nhà tôi không kinh doanh buôn bán. Nhưng nghe chuyện chữ nghĩa, (lối  kiến giải truyền thuyết, tập tục - thôi thì, nghe tới đâu - biết tới đó), thấy có những chữ “dôi, dư, thêm, thịnh vượng”  khi nói về một năm mới nhuận sắp tới, lại liên quan đến chuyện ông bình vôi, trong lòng không khỏi vui vui.

Cho dầu  Quý Mão 2023 sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng hy vọng và tràn trề niềm tin, một  năm đất nước mình thịnh vượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn