MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Poster phim.

“Cha cõng con” gây xôn xao vì lẽ gì?

VIỆT VĂN LDO | 14/04/2017 06:20
Chuyện đạo diễn Lương Đình Dũng của phim “Cha cõng con” trịnh trọng trả lại bằng khen Ban giám khảo (BGK) Cánh diều 2016 ngay trong đêm bế mạc gây xôn xao cộng đồng mạng mấy ngày qua.

 Người khen, kẻ chê. Hôm sau lại có một bài trên trang mạng Tạp chí Thế giới điện ảnh phê phán: “Đạo diễn thì hư, phim thì dở” và kết bằng câu “cha nào con nấy” gây bức xúc cho dư luận.

Quả thực thời buổi này mà chê bai, phê phán theo kiểu vùi dập, tự đặt mình ở thế bề trên, phán xử một cách đầy ngạo mạn như vậy là không ổn. Tác giả “mắng” đạo diễn ngạo mạn, cư xử thiếu văn minh, thiếu chuyên nghiệp, nhưng bản thân khi viết cũng thể hiện sự ngông ngạo. Dù bên cạnh một số điểm chê thái quá, không chuẩn, thì có những điều chê là chính xác. Nhưng thái độ phê bình như thế không thể coi là văn minh khi xúc phạm đạo diễn.

Thực ra, việc đạo diễn Lương Đình Dũng trả lại bằng khen có đáng ầm ỹ không?

Có người cho rằng đây là chiêu trò PR của đạo diễn, nhưng nhiều người rất thông cảm, chia sẻ và kêu gọi nhau cùng đi xem phim để ủng hộ đạo diễn. Tiêu hết 18 tỉ đồng, đoàn làm phim bỏ bao công sức để chuyển tải, “lan tỏa” như chữ dùng của đạo diễn thông điệp về lòng tốt, sự tử tế, một câu chuyện nhân văn về tình cha con...

Mà BGK không đánh giá đúng, “tâm huyết của cả êkíp (làm phim) bị o ép”, như đạo diễn nói trên truyền thông.

Việc trả lại bằng khen là quyền của đạo diễn, cũng như việc trao giải nào cho phim là quyền của giám khảo. Và ai cũng có lý lẽ riêng để bảo vệ mình. Ai chả biết BGK nào thì kết quả nấy. “Cha cõng con” có thể không được BGK này thích nhưng lại được ghi nhận ở một BGK khác - đó là chuyện thường.

Nhưng ở đây có một vấn đề: Khi xem bộ phim khán giả sẽ không quan tâm đến việc đoàn làm phim đã tốn bao nhiêu tiền của, công sức, mà chỉ quan tâm đến nội dung và nghệ thuật của phim. Xem phim giống như ăn một món ăn, thưởng thức chậm rãi và tinh tế, khán giả ghét nhất là bị áp đặt. Điện ảnh còn phải mang đến cho người xem một điều gì đó chỉ có điện ảnh làm được.

Những người làm phim có thể xúc động và khóc khi làm phim, nhưng liệu họ có kết nối được với người xem để tạo nên một sự cộng cảm không, là câu chuyện khác.

Đạo diễn bảo: Nhiều khán giả khóc, xúc động khi xem phim. Nhưng họ khóc vì lý do gì? Vì một cảnh huống trong phim vô tình gợi nhớ lại một điều gì đó trong bản thân họ, hay vì chất lượng của phim?

Cá nhân tôi hơi tiếc cho cách kể câu chuyện chưa thú vị, nhiều chi tiết, cảnh vật cứ trôi qua hững hờ, có thể là đạo diễn cố tình để cho mọi thứ như dòng chảy cuộc sống, nhưng nghệ thuật chưa bao giờ là mô tả thuần túy cuộc sống mà luôn phải cao hơn thế....

Dĩ nhiên, cảm nhận của một hay nhiều cá nhân cũng chưa quan trọng, kể cả danh hiệu, giải thưởng cũng vậy. Được làm điều mình thích, được nói tiếng nói của mình mới là điều sung sướng nhất và quan trọng nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn