MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ hội Lam Kinh, một trong những sự kiện văn hóa do Sở VHTTDL Thanh Hóa tổ chức hàng năm.

Chi 104 tỉ đồng để làm sự kiện văn hóa là quá hồ đồ, lãng phí

Đ.B LDO | 28/06/2018 06:00
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Sở Tài chính về khái toán kinh phí tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 990 năm ra đời danh xưng Thanh Hóa, với tổng kinh phí hơn 104 tỉ đồng.

Thông tin này đang gây nên nhiều tranh cãi. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, đây là con số quá lãng phí so với những khó khăn mà địa phương này đang phải đối diện.

Trao đổi với PV Lao Động, GS Nguyễn Chí Bền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: “Nếu đây là ý tưởng của một cá nhân thì không có vấn đề gì, vì mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm của mình. Nhưng khi đã là ý tưởng của một cơ quan công quyền thì cần phải cân nhắc và có trách nhiệm. 990 năm hay bao nhiêu năm cho một danh xưng cũng chỉ là một cột mốc nhỏ trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Nên việc bỏ ra hàng trăm tỉ đồng chỉ để dựng lên một lễ hội kỷ niệm danh xưng, thực sự không giải quyết được vấn đề gì".

"Đặt trong tương quan giữa thu và chi ngân sách, sẽ thấy mức chi này là quá lớn. Hơn nữa, Thanh Hóa không phải là địa phương giàu. Thiên tai, lũ lụt hàng năm khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Chỉ riêng việc lấy tiền thuế của người dân để làm việc đó đã là không được. Chưa kể hiệu quả đến đâu, có tác dụng gì đến sự phát triển của kinh tế địa phương đó hay chỉ đơn giản là nhắc lại một kỷ niệm nào đó', GS Bền phân tích.

 GS Nguyễn Chí Bền. 

Ông đặt ra câu hỏi, danh xưng Thanh Hóa có thực sự có tuổi đời 990 năm, đã được một hội đồng khoa học nào đánh giá, thẩm định hay chưa?

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, các lễ hội văn hóa hiện nay đang được tổ chức một cách ồ ạt. Tuy nhiên việc khai thác tiềm lực kinh tế đối với văn hóa chưa mang lại hiệu quả tốt. Các địa phương đua nhau làm sự kiện hoành tráng, chi tiền lớn nhưng vấn đề thu lại hay khai thác thêm thì rất kém, gây nên nhiều lãng phí.

“Dĩ nhiên ngoài nhu cầu quảng bá du lịch, cần đặt ra câu hỏi về công tác xét duyệt các đề án lễ hội văn hóa đang trở nên dễ dãi hay không?”, ông nói.

Bàn về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cũng bày tỏ thái độ phản đối. Ông nhấn mạnh: “Thật lãng phí và hồ đồ khi bỏ ra một số tiền lớn đến thế chỉ để tổ chức một lễ hội kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Dù một phần nguồn kinh phí được xã hội hóa nhưng một phần trích từ ngân sách, tiền thuế của người dân thì không thể tùy tiện sử dụng như thế".

"104 tỉ đồng để tổ chức lễ hội văn hóa, ai nghe cũng thấy vô lý, bất cập rồi. Người dân mình còn nghèo, học sinh miền núi còn không đủ cơm để ăn, áo ấm để mặc thì danh xưng này kia để làm gì?", GS Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn