MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình thời trang giới thiệu một số trang phục truyền thống của dân tộc.

Chi 200 tỉ đồng để bảo tồn trang phục: Cần thận trọng tránh lãng phí

Huân Cao LDO | 15/03/2019 16:58
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhiều chuyên gia văn hóa lo ngại việc chi hàng trăm tỉ đồng để bảo tồn trang phục truyền thống có thể thiếu tính khả thi và khó đạt được hiệu quả như đề ra.

Trang phục truyền thống dần mai một cần được bảo tồn

Chị Vàng Thị Mai - Dân tộc H'Mông đang dệt trong chương trình thời trang thổ cẩm tại Nhật Bản. 

Đề án Bảo tồn các trang phục truyền thống của các dân tộc được Bộ VH-TT-DL phê duyệt, với tổng kinh phí là 222,9 tỉ đồng. Trong đó ngân sách trung ương là 51,2 tỉ đồng và ngân sách đối ứng từ địa phương là 171,7 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT-DL) cho rằng, đề án là rất cần thiết để bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. 

"Để thực hiện mục tiêu trên là khó khăn, rất cần thời gian để thực hiện. Tuy nhiên, khi đề án triển khai sẽ giúp cán bộ các cấp và đồng bào thấy được cái đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình" - bà Nhung nói.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, văn hóa truyền thống đã dần mai một theo thời gian tại các bản làng của người dân tộc thiểu số. Vì vậy, để bảo tồn và phát triển là việc làm không hề dễ dàng.

"Trên thực tế người dân tộc không còn mặn mà trong việc sản xuất đồ thủ công hay tự may thêu váy áo, họ đã chuyển sang mua từ các sản phẩm trang phục công nghiệp sản xuất sẵn với giá cả rẻ hơn, ít tốn công và tiện lợi hơn" - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói.

 Chị Hồ Thị Hợp (dân tộc Tà Ôi) đang dệt trong chương trình thời trang Thổ Cẩm tại Pháp.

Thận trọng khi chi tiền ngân sách để thực hiện đề án

Sáng 15.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết rất ủng hộ chủ trương của đề án, nhưng vấn đề thực hiện và tiêu tiền thế nào cho hiệu quả mới là điều quan trọng.

Theo bà Hạnh, khi chúng ta chạm đến một lĩnh vực có nhiều giá trị bản sắc độc đáo và đặc thù của các dân tộc thì cần phải có phương pháp đúng và giải pháp cụ thể. Với 54 dân tộc sẽ có 54 phong cách trang phục và chất liệu khác nhau. Mỗi trang phục của từng dân tộc đều thể hiện triết lý sống rõ nét, riêng biệt và đặc thù.

"Tôi đã có 29 năm đi tiên phong trong việc chọn chất liệu thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số để đưa vào thời trang trong thập niên 1990. Tôi đến huyện A lưới (Thừa Thiên Huế) là một huyện có nghề dệt vải thổ cẩm Zèng bằng tay của dân tộc Tà Ôi, đề nghị Bí thư huyện cho học sinh mặc đồng phục bằng vải Zèng vào sáng thứ hai để quảng bá hình ảnh. Chỉ sau một năm thực hiện, thổ cẩm Zèng A Lưới trở nên phổ biến và người Tà Ôi đã biết kinh doanh sản phẩm này để nâng cao đời sống", bà Hạnh chia sẻ.

Bà Hạnh cho rằng cần thận trọng khi chi 222,9 tỉ đồng cho việc bảo tồn này, nếu không có giải pháp cụ thể thì đề án sẽ thiếu tính khả thi và gây tốn kém ngân sách.

"Nếu chúng ta chỉ làm bằng những thủ tục hành chính, bằng văn bản, bằng sự vô cảm thì chúng ta sẽ mất nhiều hơn cái chúng ta đang có. Việc bảo tồn này không chỉ đơn thuần đi tìm danh xưng là Di sản văn hóa phi vật thể, mà cần tính đến hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc" - bà Hạnh nói.

Một trang phục thổ cẩm truyền thống do NTK Minh Hạnh giới thiệu với bạn bè quốc tế. 

Đồng tình với quan điểm của nhà thiết kế Minh Hạnh, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Quốc tế Việt Nam học - cho rằng, việc chi hàng trăm tỉ đồng vào bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc nghe có vẻ mơ hồ và rất khó để xác định tính thực tế.

"Chi tiền ngân sách đầu tư vào những lĩnh vực khác thì có thể đong đếm được hiệu quả ngay. Tuy nhiên, chi tiền vào việc bảo tồn trang phục truyền thống thì rất khó để xác định tính hiệu quả và nghe có vẻ mơ hồ. Vì vậy, cơ quan chủ quản ra đề án cần tính toán làm thế nào để đồng tiền thuế của dân được sử dụng hiệu quả, tránh gây ra những lãng phí không cần thiết" - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn