MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Họa sĩ Trần Từ Thành vẫn cần mẫn sáng tác nghệ thuật với đề tài Bác Hồ

Chủ nhân bức tranh Bác Hồ và em bé từng “khởi nghiệp” bằng hai yến cà pháo

Thảo Anh LDO | 01/09/2018 10:00

Hà Nội những ngày cuối tháng 8, họa sĩ Trần Từ Thành - cha đẻ của bức tranh Bác Hồ và em bé treo trên ngã tư Tràng Tiền suốt 40 năm - đón tiếp tôi trong căn nhà nhỏ trên đường La Thành (Hà Nội) với tất cả sự chân tình.

“Khởi nghiệp” bằng một gánh cà pháo

Họa sĩ Trần Từ Thành sinh năm 1944, tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ năng khiếu hội họa tiềm ẩn, và rồi ước mơ trở thành họa sĩ nung nấu từ thuở ấy.

Ông bồi hồi nhớ lại: “Tôi thích đọc báo, nhưng ở miền quê nghèo chỉ mong đến phiên chợ tết mới có sạp báo nhỏ. Những hình ảnh minh họa trên báo của họa sĩ Trần Văn cẩn, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái đã thành một phần ký ức tuổi thơ tôi”.

Họa sĩ Trần Từ Thành kể lại, năm 1958, lúc 15 tuổi, ông lặn lội từ Hà Tĩnh ra Hà Nội dự thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương.

“Thời đó nghèo lắm, nhờ bà con làng xóm giúp đỡ và chắt chiu mãi, tôi mới đi thi với hành trang là 2 yến cà pháo. Bán xong gánh cà vỏn vẹn được mấy đồng đủ chi trả tiền phòng” – họa sĩ tâm sự.

Đã 42 năm trôi qua, họa sĩ vẫn gìn giữ bản thảo đầu tiên như một gia tài

Đã 60 năm trôi qua, họa sĩ Thành vẫn không giấu nổi niềm tự hào khi là 1 trong 64 thí sinh thi đỗ năm đó. Tốt nghiệp vào năm 1963, ông trở về quê hương và tham gia chiến tranh cách mạng. Bức tranh cổ động đầu tiên của Hà Tĩnh do ông làm chủ nhân. Nhận thấy tay bút của mình có ích cho quê hương, tình yêu cách mạng lại càng ngấm vào bút vẽ của ông. Cả cuộc đời sáng tác nghệ thuật, đề tài chủ yếu trong tranh của họa sĩ Từ Thành là Bác Hồ và chiến tranh cách mạng.

Bức tranh để đời

Năm 1975, ai ai cũng háo hức chờ ngày giải phóng. Quãng thời gian đó, trong tâm tưởng ông chỉ luôn đau đáu ý tưởng bức tranh cổ động mừng ngày giải phóng. Lời thơ trong bài “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu có đoạn: “Lòng ta không giới tuyến. Lòng ta chung một Cụ Hồ. Lòng ta chung một Thủ đô. Lòng ta chung một cơ đồ Việt nam” như chỉ lối cho ông.

Từ lúc nung nấu cho đến khi đặt những nét vẽ đầu tiên mất cả năm trời nhưng nguồn cảm hứng mãnh liệt đã khiến ông nhanh chóng hoàn thành bức tranh sau 2 tuần miệt mài.

Kể về giây phút đó, ông rất xúc động, những nếp nhăn xô vào nhau trên gương mặt người họa sĩ. Ông nói: “Tôi xem đó là bức tranh để đời của mình. Cầm trên tay bức tranh, nước mắt tôi chực trào ra bởi hạnh phúc quá".

Mỗi lần ngắm nhìn bức tranh, tác giả vẫn vô cùng xúc động

Bức tranh hình ảnh Bác Hồ vĩ đại bế trên tay em bé là biểu tượng thế hệ kế cận tương lai làm chủ đất nước trên nền chim hòa bình và đường cong dải đất nước thống nhất hình chữ  S. Để tưởng nhớ công lao đổ máu của chiến sĩ, tôi lấy ngôi sao bộ đội đặt lên mắt chim bồ câu, như ngôi sao sáng dẫn đường cho cách mạng.

Năm 1976, bức tranh của ông được trưng bày trong cuộc Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội. Kết thúc triển lãm, bức tranh “1976” (còn gọi là bức tranh Bác Hồ và em bé) đã đoạt giải Nhì và được Bộ Văn hóa xuất bản, phát hành 5 vạn tờ trên toàn quốc và đổi tên thành “Độc lập thống nhất hòa bình hạnh phúc”.

Họa sĩ chụp ảnh với bức tranh của mình

Bức tranh được treo năm 1978, gần nửa thế kỷ qua, bức tranh đã gắn liền với mảnh đất ngàn năm văn hiến và ngày lại ngày, dòng người qua lại đoạn phố giao nhau giữa Tràng Tiền và Đinh Tiên Hoàng vẫn được ngắm nhìn. Bức tranh “1976” là trái tim hòa bình giữa lòng thủ đô và là niềm tự hào trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Trần Từ Thành…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn