MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sắc phong cổ nhất của đền Quốc tế. Hình trên là sắc phong trên trang rao bán. Hình bên dưới là sắc phong gốc trước khi mất cắp. Ảnh chụp từ website

Chứng minh nguồn gốc sắc phong Việt Nam nghi vấn đấu giá tại Trung Quốc

TS NGUYỄN HỮU MẠNH (Khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN) LDO | 14/04/2023 18:04
Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở phối hợp trong việc xác minh tính xác thực của các sắc phong, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong Việt Nam đang nghi vấn đấu giá tại Trung Quốc. 

Vụ mất trộm sắc phong gây xôn xao

Đền Quốc tế còn gọi là Đền Thượng nằm trên đỉnh gò Trạm Lĩnh ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đền được xây dựng kiến trúc theo kiểu chữ nhị (=), hiện còn lại hai tòa tiền tế và đại bái. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di vật phong phú và quý hiếm như: Ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, kinh sách, sắc phong… phản ánh nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ tinh xảo từ thời Lê. 

Vì những giá trị của mình, đền Quốc tế được Nhà nước công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa” cấp Quốc gia vào ngày 22.9.1992. Ngôi đền này đã từng nổi tiếng là ngôi đền giữ nhiều đạo sắc phong có giá trị  nhất tỉnh Phú Thọ.

Cuốn sách Di sản Hán Nôm Phú Thọ của Văn Kim Chung thống kê cho biết, toàn huyện Tam Nông có 87 sắc phong thì chỉ riêng ngôi đền Quốc tế này đã sở hữu 40 đạo sắc phong quý.

Đáng chú ý có các sắc phong của các triều đại cho các đức Thánh Thần, trong đó, sắc phong cổ nhất còn giữ được là sắc phong của vua Lê Chân Tông (hiệu Phúc Thái) đã tấn phong cho ngài Cao Sơn “Linh ứng đại vương” vào ngày 17.7 năm Ất Dậu (1645). 

Giữa tháng 5.2021, người dân phát hiện đền Quốc tế đã bị kẻ gian đột nhập, dùng xà beng cạy két để lấy đi 40 đạo sắc phong là báu vật của làng Dị Nậu và một lượng sách cổ quý giá gây xôn xao dư luận.

Theo anh Trần Ngọc Đông - một thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt: lúc sắc phong bị mất, những người được giao nhiệm vụ trông nom ngôi đền rất buồn. Trưởng Ban Quản lý đền buồn tới mức đổ bệnh, không ăn không ngủ. Ông cảm thấy việc để mất những đạo sắc mà tiền nhân truyền lại như mất đi linh hồn của ngôi đền, mất đi linh hồn của làng... và rất có lỗi với tiền nhân. 

Ông Nguyễn Đắc Thuỷ - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ trao đổi với báo chí ngày 13.4, ngay khi nhận thông tin về việc đấu giá sắc phong nghi là sắc phong mà đền Quốc Tế bị lấy cắp, ngày 21.5.2021, Sở đã có văn bản báo cáo gửi UBND tỉnh Phú Thọ. 

Đến sắc phong xuất hiện trên trang đấu giá của Trung Quốc

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, anh Trần Ngọc Đông, đã cung cấp thông tin về Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh đăng một số cổ vật thuộc nhóm Phiên Thuộc Văn Hiến, bao gồm hơn 100 sắc phong của Việt Nam, trong đó có 10 sắc phong của làng Dị Nậu với giá đề nghị khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 nhân dân tệ (từ 9,5 triệu đến khoảng 12 triệu đồng). 

Trong số 10 sắc phong của đền Quốc Tế có thể đọc được thông tin trên trang bán đấu giá, anh Trần Ngọc Đông cho biết qua trang Facebook cá nhân rằng: có 9 sắc triều Nguyễn và 1 sắc triều Lê niên hiệu Phúc Thái năm thứ 3 (1645).

Đáng buồn thay là 6 sắc phong của Đền Quốc tế đã chốt xong giá bán, trong đó có sắc phong cổ xưa nhất của ngôi đền này, gồm: Sắc có ký hiệu 2184: Thiệu Trị Tứ Niên (năm 1844). Đã bán ngày 24.12.2022 giá chốt 4.830 RMB; Sắc có ký hiệu 2224: Thiệu Trị Tứ Niên (năm 1844). Đã bán ngày 24.9.2022 giá chốt 9.200 RMB; Sắc có ký hiệu 2255: Thiệu Trị Lục Niên (năm 1846). Đã bán ngày  24.9.2022 giá chốt 9.200 RMB; Sắc có ký hiệu 2228: Tự Đức Lục Niên (năm 1853). Đã bán 24.9.2022 giá chốt 9.200 RMB; Sắc có ký hiệu 291: Thành Thái Nguyên Niên (năm 1899). Đã bán 4.12.2022 giá chốt 12.650 RMB; Sắc có ký hiệu 2437: Phúc Thái Tam Niên (năm 1645). Đã bán ngày 29.8.2021.

Còn 4 sắc phong của đền Quốc Tế sẽ chốt giá bán vào hồi 9:30 ngày 22.4.2023, bao gồm: Sắc có ký hiệu 2245: Thiệu Trị Lục Niên (năm 1846); Sắc có ký hiệu 2246: Tự Đức Tam Niên (năm 1850); Sắc có ký hiệu 2249: Đồng Khánh Nhị Niên (năm 1887); Sắc có ký hiệu 2250: Thành Thái Nguyên Niên (năm 1889).

Ngoài ra, trang đấu giá cũng thông báo về việc đấu giá nhiều sắc phong vừa bị mất trong vài năm trở lại đây của làng Bạch Xá (Duy Tiên, Hà Nam) từng bị mất 15 sắc; Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) bị mất 10 sắc; Hoàn Dương (Phú Xuyên, Hà Nội) 3 sắc…

Ngày 12.4, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền đã gửi công văn số 309/DSVH-DT đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố bao gồm Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên các trang web đấu giá, để xác định nguồn gốc của chúng.

Công văn cũng đề cập đến việc phiên đấu giá "Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm" (ký hiệu phiên đấu giá S23041) sẽ được tổ chức vào ngày 22.4.2023 tại khách sạn Majesty Plaza ở Thượng Hải bởi Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn". Trong số 672 món đồ bằng giấy được đấu giá, có các đạo sắc có khả năng là các hiện vật có nguồn gốc từ Việt Nam.

Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở phối hợp chặt chẽ với Cục trong việc xác minh tính xác thực của các sắc phong, xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong. Cùng với đó, Cục yêu cầu các Sở triển khai và báo cáo đầy đủ cho Cục Di sản văn hóa trước ngày 17.4 để có thể triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Nhiệm vụ này được thực hiện theo nội dung của Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam đã tham gia.

Sắc phong hay còn gọi là sắc chỉ, là văn bản của nhà Vua ban để phong chức tước cho quý tộc, quan lại, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền, miếu, từ đường trong tín ngưỡng làng xã của của người Việt. 

Như vậy, sắc phong có hai loại chính: một là sắc phong chức tước cho quan lại; hai là sắc phong Bách Thần. Sắc phong được xem như một loại văn bản pháp quy chính thống của nhà nước phong kiến. 

Sắc phong thần thường được thờ tự tại các ngôi đình, đền, miếu; là tài sản chung của cả làng, cả xã. Từ làng đến [nhà] nước, những sắc phong thần làng xã đã trở thành hồn thiêng chung của non sông, đất nước. Xưa kia sắc phong có ý nghĩa to lớn với làng xã về mặt tinh thần và tâm linh vì thế được toàn dân giữ gìn cẩn thận coi như bảo vật. Sắc phong cuốn trong một ống quyển, ổng quyến ấy lại được đặt trong một hòm sắc để ở nơi cao nhất của ngôi đình. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, làng mở hội, sắc được các chức sắc mở ra phơi trong bóng mát, không để ánh nắng mặt trời chiếu rọi trực tiếp.

Hình thức nghệ thuật được trang trí trên các sắc phong thể hiện đặc trưng cho mỗi thời kỳ lịch sử, tiêu biểu cho nghệ thuật tài hoa của người thợ thủ công xưa. Đất kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội có một dòng họ chuyên làm giấy sắc phong đó là họ Lại ở làng Nghĩa Đô (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Giấy làm sắc được làm bằng loại giấy đặc biệt, chế tác với nhiều công đoạn, cực kỳ công phu, cẩn thận nên sắc có độ bền cao, trải qua trăm năm vẫn còn như mới nếu bảo quản tốt.

Nếu sắc phong thần bị hỏng, cả làng phải chịu tội. Nếu bị thất lạc hoặc rách hỏng do thiên tai hoặc giặc giã, chức sắc của làng phải trình bẩm để xin lại phó bản để thờ. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều sắc phong thần đã hóa thành cát bụi khi trải qua những biến động của lịch sử và chiến tranh.

Gần đây, sau khi các di tích được quan tâm, hồi sinh, nảy sinh ra trào lưu đánh cắp những sắc phong thần này ở các di tích nơi thôn quê và trở thành món đồ mua bán. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: “làng mất sắc phong như nước mất ấn”, bởi mất sắc phong thì không chỉ mất phần xác mà còn mất cả phần hồn của di tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn