MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chương trình nghệ thuật Đất nước và tình yêu thăng hoa, đầy cảm xúc

M. K LDO | 07/01/2017 15:00
Chương trình nghệ thuật "Đất nước và tình yêu - Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cùng các nhạc sĩ” với 16 tiết mục nghệ thuật quy mô đặc sắc, đã để lại nhiều cảm xúc và sự lắng đọng trong lòng khán giả.

Đậm chất duyên tình giữa thơ và nhạc

Chương trình Nghệ thuật “Đất nước và tình yêu” do Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội và Báo Gia đình và Xã hội phối hợp tổ chức, là món quà chào xuân mới 2017 đầy ý nghĩa với chủ đề hướng về quê hương đất nước, về tình yêu xứ sở, yêu cuộc sống, yêu con người, yêu gia đình và bè bạn. 

Một điều đặc biệt, đó là tất cả các tác phẩm âm nhạc được thể hiện trong chương trình đều là sự phối hợp đồng điệu giữa các nhạc sĩ và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc. Là những ca khúc phổ thơ hoặc do chính nhà thơ viết ca từ. Tại đêm diễn, tác giả đã không khỏi xúc động gọi “đây là sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời mà có lẽ sau này tôi sẽ không bao giờ quên được”.

Nhờ có âm nhạc mà những vần thơ da diết, lãng mạn, say đắm, lúc lại hào hùng, dạt dào tình yêu quê hương đất nước được “chắp cánh” bay lên. Ngược lại, chính những vần thơ tinh túy ấy cũng “thổi hồn” trở lại, làm cho các giai điệu hào sảng, trữ tình, thiết tha, sâu lắng hơn.

Đúng như Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh - người đã làm nên mối “lương duyên” giữa thơ và nhạc - tâm sự rằng ông luôn cảm thấy yên tâm và được thăng hoa hơn khi lấy thơ Lê Cảnh Nhạc làm ca từ.

Trong niềm xúc động và hạnh phúc, tác giả đã gửi những lời cảm ơn sâu sắc đến các nhạc sĩ, bạn bè thân hữu đã dành những tình cảm cho mình. Và lời đặc biệt nhất ông dành cho người bạn đời của mình, đồng thời cũng là “nàng thơ” trong rất nhiều sáng tác mà tác giả đã viết và xuất bản.

Chương trình mở màn đầy ấn tượng với bản hợp xướng "Tiếng gọi Rồng Tiên", 1 trong 18 ca khúc rất thành công trong mối lương duyên thơ - nhạc mà hai tác giả Đức Trịnh - Lê Cảnh Nhạc đã cho ra đời trong thời gian gần đây. Tác phẩm đã từng được Đoàn nghệ thuật Sơn La dàn dựng, biểu diễn và đoạt huy chương vàng Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015. Chính vì vậy mà trong đêm nghệ thuật đáng nhớ này, Thiếu tướng - nhạc sĩ Đức Trịnh trong vai trò đạo diễn âm nhạc đã kỳ công mời Đoàn nghệ thuật Sơn La về Hà Nội để mang lại cảm xúc trọn vẹn nhất cho khán giả thủ đô.

Bên cạnh đó, liveshow còn có nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc gồm Non nước đàn trời (Cẩm Tú và nhóm múa), Đôi bờ ví giặm (NSƯT Tố Nga), Non nước Thiên Cầm, Thắp niềm tin cuộc sống (Đăng Thuật), Về Hương Sơn, Hồn quê hội tụ (Vũ Thắng Lợi), Mênh mang Vũ Quang (Xuân Hạo)... Đó đều là những tác phẩm thơ được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ tên tuổi.

Tuy nhiên, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc cũng không khỏi nuối tiếc vì thời lượng và thời gian không cho phép nên nhiều ca khúc từng được trao huy chương vàng tại các hội diễn nghệ thuật toàn quốc và các cuộc thi sáng tác, các giải thưởng âm nhạc quốc gia do các nhạc sĩ phối hợp sáng tác cùng nhà thơ đã không được giới thiệu trong chương trình nghệ thuật này.

Đêm nhạc trong mắt khán giả

Nói về đêm nhạc, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tâm sự: "Xưa nay, chuyện các nhà thơ có tác phẩm được giới nhạc sĩ phổ nhạc khá quen thuộc, nhưng so với kho tàng âm nhạc lại không nhiều lắm. Những bài thơ phổ nhạc đòi hỏi phải có nhạc điệu, đề tài, ca từ gần gũi với công chúng, toát lên vẻ đẹp giản dị, trong sáng, đẹp đẽ... Trước những yêu cầu này, thơ Lê Cảnh Nhạc hoàn toàn đáp ứng được".

Đồng quan điểm với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, nhà văn Nguyễn Thế Hùng bày tỏ: "Người làm thơ thì nhiều, nhưng thơ được phổ nhạc thì không nhiều lắm, đơn giản vì không phải bài thơ nào cũng có thể phổ nhạc được, có nhiều nhạc sĩ cũng làm thơ, nhưng khi phổ nhạc họ lại chọn một bài thơ của một nhà thơ khác – như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chẳng hạn. Tôi nghĩ rằng, những bài thơ được phổ nhạc hay thường là những bài giàu nhạc tính, hình ảnh và khá chuẩn về khúc thức.

Thơ của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc là thế. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Lê Cảnh Nhạc đã có hàng trăm bài thơ được phổ nhạc, với số lượng này, có lẽ cũng là "vô địch" - tốp đầu trong những nhà thơ có thơ phổ nhạc nhiều nhất hiện nay".

Vừa là đồng nghiệp vừa là đồng hương của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, nhà văn Nguyễn Thế Hùng có dịp ôn lại nhiều kỉ niệm với người anh đồng hương với bao cảm xúc đặc biệt. Anh kể, so với những người đồng hương khác thì anh quen với nhà thơ Lê Cảnh Nhạc khá muộn. Chỉ đến khi tác giả "Lộc trời" mua tập thơ "Không bao giờ trăng khuyết" của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc mà theo anh đó là "lần đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này tôi đi mua thơ" thì nhà văn Nguyễn Thế Hùng đã đọc, đồng cảm qua nhiều hình ảnh thân thuộc trong tác phẩm của nhà thơ Lê Cảnh Nhạc.

Chương trình Nghệ thuật “Đất nước và tình yêu” đã khép lại với những thành công rực rỡ và để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp trong giới văn nghệ sĩ cùng người hâm mộ. Đây được xem là chương trình nghệ thuật thơ nhạc kết hợp thăng hoa vô cùng xuất sắc và có giá trị nhân văn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn