MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Diễn đàn: Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học - vì sao phụ huynh e ngại?

Thủy Lâm LDO | 12/10/2016 19:00
Bộ và nhiều sở GDĐT đã có những văn bản nghiêm cấm các trường tiểu học giao bài tập về nhà cho học sinh học hai buổi/ngày. Để chủ trương này thực sự phát huy hiệu quả giáo dục như mong muốn thì đối tượng quan trọng nhất có tính quyết định chính là phụ huynh học sinh.

Nhà trường không giao bài tập về nhà cho các em nhưng phụ huynh tự giao bài bắt các em phải hoàn thành, phụ huynh bắt các em phải đi học phụ đạo, đi học thêm thì chủ trương của Bộ không còn ý nghĩa nữa. Vì sao nhiều phụ huynh còn e ngại và chưa ủng hộ chủ trương đúng đắn này?

Trước hết là vì phụ huynh đã quen với nếp cũ rằng, học sinh sau thời gian học ở trường thì phải học bài ở nhà. Vì thế, khi họ thấy con mình về nhà không ngồi vào bàn học như lâu nay vốn thế mà chỉ chơi đùa thì không quen. Phụ huynh cần hiểu là, các em đi học mỗi ngày 2 buổi với tuổi các em là đã vất vả. Thậm chí, rất nhiều học sinh tiểu học ở các vùng nông thôn không có trường học bán trú, các em đi học về, loay hoay sinh hoạt buổi trưa cùng gia đình và không kịp có thời gian để nghỉ trưa thì đã phải tất bật quay lại trường. Chiều về đến nhà, các em đã mệt và rất cần nghỉ ngơi, nếu bắt các em phải hoàn thành một đống bài tập nữa thì sức các em sẽ không trụ nổi và việc học cũng không hiệu quả.

Thứ hai là vì áp lực thành tích học tập của phụ huynh đối với các em. Phải học thật nhiều mới giỏi, phải nhìn con còng lưng miệt mài ngồi vào bàn mới thấy “yên tâm”. Hơn nữa, nhiều phụ huynh còn có tâm lí “con nhà người ta”, nhìn “con nhà người ta” để bắt con mình phải “cày” thật nhiều cho bằng bạn bằng bè. Phụ huynh cần tìm hiểu để biết mục tiêu giáo dục học sinh tiểu học từ lớp 1-3 là đạt được chuẩn như thế nào để tránh gây áp lực nặng nề lên các cháu. Trách nhiệm cung cấp những thông tin cần thiết về giáo dục bậc tiểu học và lớp học thuộc về nhà trường và giáo viên chủ nhiệm. Có thể trao đổi ở các cuộc họp phụ huynh về nội dung này, bởi không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện để tìm hiểu về giáo dục ở độ tuổi của con cái.

Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng đó là vì phụ huynh không có thời gian dành cho các con của mình. Thời gian nghỉ của các em thường là buổi tối và ngày nghỉ. Nếu không học thêm và làm bài tập ở nhà thì các em sẽ vui chơi cùng gia đình. Song, rất nhiều bậc phụ huynh đã không có thời gian dành cho con hoặc có thời gian thì họ cũng dành cho những việc khác. Nhiều người biện hộ là họ phải làm việc vì mưu sinh nên về nhà đã mệt mỏi, không muốn dành thời gian cho con. Một số ông bố thì bận nhậu nhẹt khi về đến nhà thì con đã ngủ rồi. Nhiều bậc cha mẹ hiện nay bận rộn với smart phone, với mạng xã hội, với game online… nên cũng không có thời gian vui chơi cùng con cái. Nếu con làm bài tập, học bài ở nhà hay đi học thêm thì họ sẽ yên tâm chơi với điện thoại, laptop hơn. 

Đó cũng là lí do nhiều phụ huynh phàn nàn là nếu không giao bài tập ở nhà thì con họ chúi đầu vào điện thoại, laptop, với phim, game. Không lẽ, ba một góc cầm điện thoại, mẹ một góc cầm điện thoại, ông bà cũng cầm điện thoại và các con cũng một góc… cầm điện thoại. Chúng ta đều biết, thời gian bên nhau của một gia đình hiện đại là không nhiều. Suốt ngày, chúng ta theo công việc, các con thì đến trường và chỉ gần nhau trong bữa cơm tối và thời gian nghỉ ngơi. Phụ huynh hãy cố gắng sắp xếp thời gian cho công việc để dành thời gian trò chuyện, vui chơi cùng các con thậm chí có thể hướng dẫn chia sẻ việc nhà cùng với con. Đó cũng là một cách học để bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức, biết thương yêu, chia sẻ và rèn luyện những kỹ năng sống cho trẻ.

Thiết nghĩ, bất cứ một chủ trương nào của giáo dục cũng đòi hỏi có sự đồng bộ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Cũng giống như giáo viên thực hiện phương pháp kỷ luật tích cực đối với học sinh nhưng gia đình lại không hề làm như vậy, thậm chí đi ngược lại với tinh thần ấy thì kỷ luật tích cực sẽ khó mà mang lại hiệu quả. Vì thế, chủ trương cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học có đem lại hiệu quả thiết thực hay không là ở sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh và gia đình các em.
Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn