MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch vụ thuyền, đò ở chùa Hương. Ảnh: Hải Nguyễn

Có còn tình trạng người lái đò tranh giành khách ở chùa Hương?

Nhóm PV LDO | 15/02/2024 07:37

Năm nay, du khách tham quan chùa Hương không còn chịu cảnh bị người lái đò chèo kéo, "chặt chém" phí dịch vụ.

Lễ hội chùa Hương năm 2024 có chủ đề: Lễ hội chùa Hương “An toàn, Văn minh, Thân thiện". Năm nay, ban tổ chức đã có những đổi mới trong công tác tổ chức lễ hội, đảm bảo an toàn, văn minh và thân thiện.

Các nội dung tuyên truyền, bán vé, đổi mới công tác điều hành, vận chuyển khách.... đã có chuyển biến tích cực.

Theo ban tổ chức, giá vé dịch vụ thuyền, đò vận chuyển khách được niêm yết như sau: Tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người/2 lượt vào, ra; Tuyến Long Vân: 65.000 đồng/người/ 2 lượt vào, ra; Tuyến Tuyết Sơn: 65.000 đồng/người/ 2 lượt vào, ra.

Giải pháp được ưu tiên triển khai nhằm siết chặt quản lý, vận chuyển khách bằng thuyền, đò là thành lập Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương.

Việc này nhằm thực hiện mục tiêu thống nhất việc quản lý, vận chuyển khách bằng thuyền, đò về một mối, khắc phục tình trạng người dân vận chuyển khách tự phát như trước. Hợp tác xã được thành lập cũng sẽ bảo đảm công bằng về thu nhập, việc làm đối với các lái đò, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chèo kéo, đeo bám khách...

Hàng vạn du khách sử dụng dịch vụ thuyền, đò mỗi ngày để ngắm cảnh chùa Hương. Ảnh: Hải Nguyễn

Hợp tác xã đi vào hoạt động từ cuối năm 2023, dịp Tết Giáp Thìn đón hàng vạn lượt khách du lịch mỗi ngày. Hầu hết các lái đò hài lòng, tuân thủ chấp hành các quy định đón chở khách.

Chia sẻ với Lao Động, cô Bùi Thị Minh (48 tuổi, xóm 5) - người lái đò thuộc hợp tác xã - nói: “Tham gia hợp tác xã này, tôi rất phấn khởi. Tuổi tôi cũng lớn rồi, ngày nào cũng được một chuyến, ít khách thì 2 ngày một chuyến, không cần tranh giành với ai. Theo thứ tự đò, xuồng, mọi người được chia đều như nhau, cứ thế lần lượt chở khách. Những năm trước, tôi đi chở thuê, năm nay, tôi đăng ký chở cho hợp tác xã thì thu nhập cao hơn, ổn định hơn”.

Ngoài tiền công, lái đò còn có nguồn thu từ tiền "bo" của khách. Một số lái đò cho biết, họ được khách lì xì đầu năm, tặng thêm một khoản sau mỗi chuyến.

Năm nay là năm đầu tiên triển khai mô hình hợp tác xã dịch vụ du lịch thuyền, đò. Ảnh: Hải Nguyễn

Dù vậy, do là năm đầu triển khai, khâu tổ chức, điều phối vẫn còn một số hạn chế. Cô L.T.X, một người lái đò chia sẻ, dù đã công bằng hơn cho các chủ đò, nhưng vẫn còn tình trạng tranh giành, cướp khách ở khu vực đón khách.

"Việc chia số sẽ giúp các chủ đò công bằng hơn. Mỗi người được phát một thẻ, có đánh số thứ tự. Nhưng đã có số rồi, các chủ đò phải ngồi tại đò, người điều phối dẫn khách xuống đò. Chứ nếu cứ lên cướp về đò của mình thì có người đi cả chục chuyến, có người vẫn không có chuyến nào.

Từ sáng đến giờ, tôi vẫn đang thắc mắc chỗ đấy. Tôi muốn được công bằng, mỗi ngày 1 chuyến hay 3 ngày 1 chuyến cũng được, cứ gọi đến số của tôi là tôi đi. Thế nhưng bây giờ, một số người vẫn lên tranh trước, giành khách về đò mình rồi lại cãi cọ nhau", cô X. cho biết.

Trả lời Lao Động về phản ánh này, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) - cho biết: “Chúng tôi cũng đã theo dõi sát sao nhiều ngày qua nhưng chưa phát hiện trường hợp như vậy. Nếu có phản ánh, tôi sẽ có ý kiến đến hợp tác xã để điều chỉnh, không để xảy ra tranh giành. Vì công xá đã rất rõ ràng, giá cả đã công khai minh bạch”.

Một vấn đề khác là các lái đò chỉ chở được khoảng 1 chuyến/ngày bởi sau khi trả khách ở điểm đến, họ sẽ phải đợi bên ngoài để đón khách mà không được đưa đón lượt mới. Việc này dẫn đến tình trạng ách tắc ở bến đỗ, nhiều khách phải trèo qua 4-5 đò mới vào được bờ.

Ông Nguyễn Bá Hiển chia sẻ thêm, do lượng du khách đông trong khi bến đò hẹp nên tình trạng ùn tắc là điều khó tránh khỏi.

Đến nay đã có 633 xã viên đăng ký tham gia góp vốn vào hợp tác xã. Hiện có gần 4.000 chiếc thuyền, đò được người dân đăng ký vận chuyển khách tại lễ hội chùa Hương năm 2024.

Chùa Hương sẽ chính thức khai hội sáng nay, mùng 6 Tết Giáp Thìn (15.2). Đây là lễ hội kéo dài nhất cả nước (đến hết tháng 3 Âm lịch).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn