MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có lúc họ hàng không dám nhận là người thân của Ba Giai

Vương Trần LDO | 22/06/2019 07:45
Giai thoại Ba Giai – Tú Xuất “nổi đình, nổi đám” là thế nhưng có thời điểm, con cháu của cụ Ba Giai không dám nhận họ hàng bởi sợ “tai bay, vạ gió”.

Nhân vật chuyên chọc ghẹo quan lại

Như đã nhắc đến trong bài trước, ông Vũ Văn Luân (SN 1933, tổ 10, người làng Hồ Khẩu (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) - nguyên là giáo viên dạy văn tại trường THPT Xuân Đỉnh) cùng làng với Ba Giai, là người có điều kiện nghiên cứu về những giai thoại của nhân vật này.

Đã gần 90 tuổi nhưng ông Luân vẫn còn minh mẫn. Theo ông, con người, cuộc đời Ba Giai trong ngót hơn 100 năm qua thực chất đã trở thành giai thoại với nhiều kẻ xấu bị ông chọc ghẹo, đánh đòn cân não làm nhục chúng trước công chúng.

“Một số truyện trong đó có những tên quan gian tham, hống hách đã bị Ba Giai chủ trương làm nhục cho hả lòng căm tức trước đông đảo mọi người. Ví dụ như trong truyện “Giả Thanh tra” và “Quan phủ bị đòn”, Ba Giai đã đóng giả làm viên quan thanh tra đi vi hành nghênh ngang giữa đường, tạo cớ là chúng vô lễ để nọc viên quan Phủ Đình ra giữa đường mà đánh.

Trong truyện khác, Ba Giai lại cùng Tú Xuất và một số đàn em giả làm tướng cướp cho viên quan huyện Thọ Xương và hai viên quan lãnh binh bắt nhốt cũi đưa về phủ đường, nhằm làm nhục chúng trước quan phủ, cho chừa cái thói hèn hạ, hống hách.

Ông Vũ Văn Luân. Ảnh Trần Vương

Với những viên quan làng nhàng hoặc đối với những cụ lớn chỉ có tước danh nhưng vênh vang, hợm hĩnh như cụ Hàn, ông Lý, cụ Chánh, bà quan, cậu ấm, cô chiêu..., dẫu họ chẳng trêu ghẹo gì mình nhưng trông thấy là Ba Giai đã thấy tưng tức như có cái gai trước mắt, nên ông đã chọc ghẹo vô cớ cho bõ ghét.

Tiếng cười bật lên trong các truyện như thế này chỉ là tiếng cười vui, giễu cợt, làm hạ uy thế của bọn chúng xuống mà thôi” – ông Luân kể.

“Ba Giai lưu lạc về đâu không ai còn biết”

Tiếp tục tìm về làng Hồ Khẩu, chúng tôi được trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Thìn (SN 1940, khu dân cư số 2, phường Bưởi, quận Tây Hồ - người được xem là cháu 6 đời của Ba Giai).

Lần giở từng trang trong cuốn tập phả đã ngả màu vàng ố theo thời gian, có cả chữ Hán và được dịch ra chữ Quốc ngữ của dòng họ Nguyễn ở làng Hồ Khẩu, ông Thìn cho biết, Ba Giai là người có học vấn, từng thi đỗ Tú tài. Ba Giai sinh ra và lớn lên vào thời đất nước loạn lạc, thực dân Pháp hai lần đánh chiếm Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Thìn (SN 1940, khu dân cư số 2, phường Bưởi, quận Tây Hồ - người được xem là cháu 6 đời của Ba Giai). Ảnh Trần Vương

Ông Thìn cho hay, ông được biết đến các câu chuyện về cụ Ba Giai qua lời kể của cha đẻ mình. Thời kỳ trước, nhiều người thân, họ hàng còn không dám nhận là họ hàng của cụ Ba Giai, bởi chế độ thực dân cùng sự hà khắc của chính quyền phong kiến bấy giờ đánh giá cụ Ba Giai như một nhân vật ăn cướp, ăn trộm.

“Cụ Ba Giai cùng người bạn của mình là Tú Xuất được xem như cặp bài trùng” trong việc đả kích những thói hư, tật xấu. Chính vì vậy, 2 cụ “gây thù, chuốc oán” với rất nhiều cường hào, địa chủ, quan lại địa phương. Chính vì vậy, chế độ thực dân xem đây là nhân vật bỉ báng, truy tố cụ. Do đó, thời xưa, nhiều người không dám nhận họ hàng của cụ để tránh “tai bay, vạ gió”” – ông Thìn nói.

Ông Thìn chỉ về khu nhà thờ ông Ba Giai và các cụ trong dòng họ Nguyễn tại làng Hồ Khẩu (phường Bưởi, quận Tây Hồ). Ảnh Trần Vương

Cháu 6 đời của cụ Ba Giai cho biết, những tài liệu thời trước về nhân vật này cũng không còn nhiều, thời xưa cũng không dám lưu truyền vì sợ bị bắt giam. Chỉ biết rằng, Ba Giai đã có gia đình riêng, có một người con trai lấy tên là Nguyễn Đình Liên. Khi chính quyền thực dân đã được thiết lập, ông có về làng một lần đưa người con trai đi đâu không rõ tung tích.

(Còn tiếp)

Bài 4: Hậu duệ 4 đời kể chuyện: “Hành trạng Tú Xuất là chuyện cười có cả nước mắt"

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn