MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người đẹp Việt thường chọn áo dài để tham gia phần thi Trang phục dân tộc tại các cuộc thi hoa hậu thế giới.

Có nhất thiết phải là áo dài?

Mai Châu LDO | 01/01/2017 08:19
Ở các cuộc thi sắc đẹp quốc tế, “Trang phục dân tộc” luôn là phần thi không thể thiếu, giúp các hoa hậu giới thiệu được nét đẹp mang bản sắc quốc gia. Và thực tế là, trang phục càng cầu kỳ, càng phá cách thì càng gây ấn tượng. Rất nhiều người đẹp đã thắng giải "Trang phục dân tộc đẹp nhất" vì sự sáng tạo ấy.

Thành công nhờ phá cách

Tại các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới, hoa hậu các nước không bắt buộc phải sử dụng bộ quốc phục duy nhất của quốc gia, mà còn phát triển những dạng trang phục mới mẻ dựa trên nhiều nét đẹp văn hóa khác nhau tại đất nước họ. Chẳng hạn, Hoa hậu Thái Lan đã có màn trình diễn ấn tượng trên sân khấu Hoa hậu hoàn vũ 2015 bằng bộ trang phục có dáng dấp của chiếc xe 3 bánh Tuk Tuk nổi tiếng ở Bangkok và trở thành đề tài tranh luận tại Thái Lan. Và không ngờ, chính thiết kế gây tranh cãi này đã mang lại chiến thắng cho đại diện Thái Lan trong phần thi trang phục dân tộc.

Rất nhiều người đẹp đến từ các quốc gia khác cũng diện những trang phục dân tộc bị đánh giá hết sức rườm rà. Thật ra, những bộ trên không phải là quốc phục của đất nước họ, mà họ gọi nó là trang phục lấy cảm hứng từ dân tộc. Gọi thế sẽ không làm sai lệch tinh thần tên tiếng Anh của phần thi “National costume”. Tại các cuộc thi nhan sắc, ban giám khảo và bạn bè quốc tế không có quá nhiều thời gian để tìm hiểu về nguồn gốc của trang phục. Họ chỉ cần đáp ứng được tiêu chí của quốc tế là đẹp mắt, độc đáo, hoành tráng, mới lạ, sáng tạo và quan trọng hơn là giới thiệu được về văn hóa của nước nhà mà ít ai biết đến.

Việt Nam không chỉ có áo dài

Lần đầu tiên Việt Nam gửi đại diện ra đấu trường Hoa hậu Quốc tế là vào năm 1995 tại Nhật Bản. Năm đó, người đẹp Trương Quỳnh Mai đã xuất sắc lọt vào Top 15 Bán kết cùng giải “Trang phục dân tộc” với bộ áo dài trúc xanh cực kỳ đơn giản. Áo dài cũng liên tiếp giành được nhiều giải thưởng tại rất nhiều cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ khác nhau, mang vinh dự về cho Việt Nam.

Nhưng khoảng chục năm nay, cũng là áo dài, với nhiều cách tân, đã chưa thể giúp các đại diện Việt Nam “làm nên chuyện” tại đấu trường nhan sắc quốc tế. Ngay cả trang phục áo dài chim hạc của Phạm Hương tại “Hoa hậu Hoàn vũ 2015”, nhận được sự tán thưởng nhiều nhất từ công chúng, nhưng vẫn không giúp mang về vinh dự cho Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng nếu diện áo dài mãi thì có đơn điệu quá không? Việt Nam đâu chỉ có áo dài? Chẳng hạn, áo tứ thân, khăn piêu, cồng chiêng, gốm sứ, trang phục của 54 dân tộc anh em Việt Nam, những hình tượng truyền thuyết như Lạc Long Quân, Âu Cơ... đều trở thành nguồn ý tưởng để có thể làm nên những trang phục độc đáo, gây ấn tượng với bạn bè quốc tế. Vì các nhà thiết kế tự gắn mác trang phục của mình là “quốc phục”, nên mới vấp phải những ý kiến tranh luận trái chiều, chứ thực tế, việc đổi mới là điều nên làm. Tất nhiên, áo dài mang đậm bản sắc văn hóa Việt và nên được ưu tiên hàng đầu khi thi quốc tế. Nhưng cũng nên khuyến khích sự phá cách trang phục dân tộc mới mẻ, mà hợp thuần phong mỹ tục.

Đơn cử, trang phục “Sen vàng Việt Nam” của Lê Long Dũng dù bị chỉ trích, nhưng giúp đại diện Việt Nam một lần nữa được xướng tên ở hạng mục “Trang phục dân tộc đẹp nhất “tại Hoa hậu Siêu quốc gia. Ý kiến của nhà thiết kế Lê Long Dũng không phải không có lý, “khi cái mà bạn bè quốc tế muốn là một sự giao thoa, một tư duy phát triển mới dựa trên tinh thần dân tộc, chứ không nên gò bó theo một khuôn mẫu nhất định”. Nhưng cũng đừng lấy chuẩn mực quốc phục ra gắn với một thiết kế ở một cuộc thi giải trí, vì e rằng quá khập khiễng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn