MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân vật Chí Phèo trên màn ảnh.

Con gái nhà văn Nam Cao: Tôi buồn khi người ta tranh cãi về Chí Phèo

Kỳ Trinh LDO | 09/12/2017 12:00
Bà Trần Thị Hồng, con gái nhà văn Nam Cao, nguyên mẫu trong rất nhiều truyện ngắn của cha mình, như “Nước mắt”, “Trăng sáng”, “Bài học quét nhà”... đã có những trải lòng trước ý kiến loại Chí Phèo khỏi sách Ngữ văn 11.

Ở tuổi 80, bà Hồng cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình bà nghe được quan điểm trái chiều về tác phẩm.

“Tranh luận trước một tác phẩm văn học cũng là điều bình thường. Quan điểm của tôi là không áp đặt, không phản đối. Còn việc bỏ Chí Phèo ra khỏi chương trình giảng dạy hay không có quyền của Nhà nước, của Bộ Giáo dục Đào tạo. Riêng bản thân tôi thì thấy buồn một chút”, bà nói.

Bà Hồng cho hay, lúc sinh thời nhà văn Nam Cao viết tác phẩm Chí Phèo bằng cách lấy cảm hứng và nguyên mẫu từ những người sống trong làng. Họ đều là những người nông dân chân chất, chân lấm tay bùn.

Nhân vật Chí Phèo được cho là có đến 3 nguyên mẫu. Người thứ nhất là anh Chí, quê gốc ở làng Đại Hoàng, Hà Nam. Cha mẹ mất sớm. Nhà nghèo lại không có ruộng vườn nên Chí phải đi làm thuê cho nhà Trương Pháo (một địa chủ trong làng thời ấy). Chí làm công việc mổ lợn thuê, có tài làm món phèo rất ngon. Mỗi khi làm thịt lợn xong, Chí chỉ xin chai rượu và một đoạn phèo. Sau khi ăn uống no say, anh Chí lại về cái điếm ở chợ để ngủ. Tuy nhiên, Chí rất hiền lành không rạch mặt, ăn vạ hay chửi trời chửi đất như những miêu tả trong sách.

Người thứ hai là em họ bà nội của nhà văn Nam Cao, tên là Đào. Nhưng người ta cũng chỉ nhìn thấy ở ông một phần rất nhỏ hình mẫu của Chí Phèo. Đặc biệt, ông Đào có người vợ tên là Nở, người xưa vẫn hay gọi là Thị Nở. Ông là lực điền làm thuê cho Chánh Bính (nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn). Thế nhưng, ngoài đời thực, ông Đào không tư thông với bà ba. Đấy chỉ là một sự sáng tạo rất riêng của Nam Cao trong tác phẩm.

Người thứ ba tên là Trinh, vốn là dân ngụ cư từ nơi khác đến, mồ côi cha mẹ và có bệnh nghiện rượu. Mỗi lần say khướt, ông lại đi từ đầu đến cuối làng để chửi đổng. Ông cũng có tật ăn vạ mỗi khi ai đó động đến mình. Có lẽ, khi miêu tả Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã liên tưởng đến lão Trinh này nhiều nhất. Điểm khác biệt lớn nhất giữa Chí Phèo và nguyên mẫu thực, là người này có vợ và một đàn con đông đúc.

Trong 3 nhân vật nguyên mẫu điển hình để xây dựng nên Chí Phèo, lão Trinh và ông Đào là chết ở làng, còn anh Chí thì bỏ làng đi biệt xứ. Nghe đâu anh Chí còn có một đứa con. Qua một vài lần ỡm ờ trêu ghẹo, Chí đã tình ý với bà bán trứng trong chợ làng. Người phụ nữ ấy không xấu, không dở hơi, đã có gia đình và con cái. Người con ấy được sinh ra đặt tên là Rụ. Rụ lớn lên trong sự khinh rẻ của xóm làng rồi cuối cùng cũng đi đâu biệt tăm không ai rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn