MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngày 5.10, công trình xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng vẫn mở cửa phục vụ khách du lịch bình thường.

Công trình “3 không” trên đỉnh Mã Pí Lèng vi phạm Luật Di sản văn hoá

MAI CHÂU - LINH NGUYỄN LDO | 07/10/2019 16:39

Theo báo cáo của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hà Giang, công trình 7 tầng trên đỉnh Mã Pí Lèng không có giấy chứng nhận đầu tư, không có giấy chuyển đổi mục đích đất trồng cây sang đất thổ cư, không có giấy phép xây dựng. Điều đáng nói là, công trình này được xây dựng và đi vào hoạt động khi chưa có sự thẩm định của Bộ VHTTDL theo Luật Di sản văn hoá.

Công trình trái phép, phá vỡ cảnh quan

Đèo Mã Pí Lèng dài khoảng 20km, nối cao nguyên đá Đồng Văn với thị trấn Mèo Vạc và được coi là “đệ nhất hùng quan”, một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam. Năm 2009, Mã Pí Lèng được Bộ VHTTDL công nhận là Danh thắng quốc gia, nằm trong công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2016. Vì thế, một công trình 7 tầng là tổ hợp nhà hàng, khách sạn lại “ngang nhiên” chắn giữa đỉnh đèo đã khiến dư luận không đồng tình và cho rằng, điều này sẽ tạo tiền lệ xấu, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nơi đây.

Vị trí tồn tại của công trình này chính là điểm dừng chân hẻm vực Tu Sản Mã Pí Lèng, nơi du khách có thể nhìn toàn bộ cảnh quan, một bên là vách núi đá vôi dựng đứng, bên kia là vực sông Nho Quế sâu hun hút và cảm nhận được toàn bộ vẻ hùng vĩ của non nước Việt Nam.

Trước những phản hồi dữ dội của dư luận, Sở VHTTDL Hà Giang đã kiểm tra và kết luận đây là công trình trái phép. Dù đã đi vào hoạt động nhưng công trình này không có giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hằng năm sang đất thổ cư, xây dựng; không được cấp giấy phép xây dựng.

“Đến nay công trình chưa được cấp phép đầu tư, chưa được phê duyệt, chưa được cấp phép xây dựng và chưa có văn bản đề nghị Sở VHTTDL Hà Giang tham mưu, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh đề nghị Bộ VHTTDL cho ý kiến. Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư” - báo cáo của Sở VHTTDL Hà Giang nêu rõ.

Toà nhà 7 tầng trái phép trên đỉnh Mã Pí Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: T.L

Bộ VHTTDL chưa được báo cáo, huyện xin nhận trách nhiệm

Về phía Cục Di sản Văn hoá, Bộ VHTTDL cho rằng, công trình nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pí Lèng, theo Điều 32 Luật Di sản, việc xây dựng công trình quy định tại khu vực này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.

Theo điều 36 Luật Di sản Văn hóa “Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về VHTTDL”.

Trong tháng 7.2019, Cục Di sản Văn hoá từng gửi báo cáo tới Sở Văn hoá Hà Giang yêu cầu kiểm tra, xác minh quy trình, thủ tục phê duyệt công trình này. Thế nhưng đến nay, theo thông tin mới nhất từ Cục Di sản Văn hoá vào ngày 4.10, Bộ VHTTDL chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pí Lèng.

UBND Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND huyện Mèo Vạc thực hiện tốt việc quản lý đầu tư, xây dựng các công trình trên địa bàn huyện, đặc biệt là các khu có di sản, điểm du lịch đã được quy hoạch; Hướng dẫn, kiểm tra yêu cầu nhà đầu tư dự án công trình điểm dừng chân ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản - Mã Pí Lèng thực hiện đầu tư xây dựng dự án theo quy định; Kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động (tháo dỡ) những công trình, dự án đầu tư không đủ điều kiện (hoặc không thực hiện các thủ tục về đầu tư theo quy định).

Về phía huyện Mèo Vạc, trao đổi với báo chí, bà Mua Hồng Sinh - Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc - thừa nhận “có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền” khi để công trình xây trái phép trên đèo Mã Pí Lèng. Bà Sinh cũng lý giải rằng, từ khi công trình bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định nhưng đến nay công trình đã hoàn thành mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết. Cho đến nay, việc có tháo dỡ công trình này hay không huyện vẫn chưa thể trả lời.

Xót xa trước cảnh quan gần như bị phá vỡ trên đèo Mã Pí Lèng, ông Đặng Thanh Tùng - GĐ Cty lữ hành Neworld Travel - cho hay, việc xây dựng khách sạn trên đèo Mã Pí Lèng với mục đích kinh doanh cá nhân là khó có thể chấp nhận, dù đáp ứng nhu cầu chính đáng của khách du lịch. Mã Pí Lèng từ lâu đã có một hình ảnh đẹp, đặc biệt đó là sự nguyên bản của vẻ hoang sơ, núi non hùng vĩ... Xây dựng khách sạn chắc chắn phá hỏng cảnh quan tự nhiên, của một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam.

Cũng theo ông Tùng, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách rất nên xây viền, lan can quanh đèo Mã Pí Lèng nhưng cần nghiên cứu và xây dựng làm sao để không làm mất đi hình ảnh nguyên sơ, tránh cảm giác du khách thấy có sự can thiệp của việc xây dựng với mục đích lợi ích cá nhân.

Chủ tịch tỉnh Hà Giang đã giao Sở Xây dựng tỉnh này phối hợp lập đoàn kiểm tra công trình trái phép trên đèo Mã Pì Lèng và sẽ báo cáo lại UBND tỉnh trước ngày 9.10.

* Vì đèo Mã Pí Lèng là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, nên việc xây dựng các công trình ở đây thuộc thẩm quyền cho phép của Bộ VHTTDL không phải thẩm quyền quyết định của địa phương.

* Việc xây dựng khách sạn Mã Pí Lèng Panorama ở khu vực này là hành vi trái với Luật Di sản Văn hóa 2001, cùng với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa 2009 vì chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ VHTTDL. Hơn nữa, việc xây dựng trái phép này thuộc các hành vi bị nghiêm cấm vì làm “sai lệch di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh”, quy định bởi khoản 3, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa 2009. (theo luật sư Quang Thi/ngaynay.vn)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn