MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự kiện giao lưu được tổ chức tại nhà riêng Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen tối 25.11. Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Cuộc hội ngộ đặc biệt ở nơi là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Na Uy

Thanh Hà LDO | 26/11/2021 11:07
Bản thân nghệ thuật đã là một chiếc cầu nối văn hóa, cho dù bạn là người Na Uy hay Việt Nam, theo nghệ sĩ Nguyễn Thành Chương.

Tối 25.11, 6 tác phẩm nghệ thuật của 5 nghệ sĩ Na Uy Torbjorn Kvasbo, Marit Tingleff, Tyra Tingleff, Marianne Heske và Finn Christensen và nghệ sĩ Việt Nam Nguyễn Thành Chương đã được giới thiệu tại sự kiện giao lưu nghệ thuật đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Na Uy - Việt Nam (25.11.1971-25.11.2021).

Sự kiện giao lưu nghệ thuật Na Uy - Việt Nam được tổ chức tại nhà riêng Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Løchen theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Sự kiện có sự tham gia của hơn 50 nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật, văn hóa, học giả, phê bình và sinh viên, người yêu nghệ thuật ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh...

Sự kiện giao lưu văn hóa được tổ chức đúng ngày Na Uy - Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 25.11. Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Theo Đại sứ Na Uy, sự kiện giao lưu văn hóa này vô cùng đặc biệt bởi được tổ chức đúng vào ngày Na Uy - Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày 25.11. Đặc biệt hơn nữa khi sự kiện được tổ chức tại nhà riêng của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam - căn biệt thự theo phong cách Pháp nhưng mang tính đặc trưng của thủ đô Hà Nội.

"Chúng tôi luôn coi đây là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước. Trong căn nhà này, thiết kế nguyên bản vẫn được giữ nguyên, nhưng nội thất và các bức tranh nghệ thuật mang phong cách đơn giản nhưng hiện đại của Na Uy. Chính đã khiến cho đây trở thành sự giao thoa của hai nền văn hóa, của lịch sử - quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây chính là ý nghĩa của chương trình này” - Đại sứ Grete Løchen nhấn mạnh. 

Theo Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, các nghệ sĩ bậc thầy về gốm sứ của Na Uy: Ông Torbjorn Kvasbo và bà Marit Tingleff đã giới thiệu cho khán giả Việt Nam quy trình sáng tác của họ và cách tạo ra những tác phẩm gốm sứ Bắc Âu. Câu chuyện của họ đặc biệt là của nghệ sĩ Marit Tingleff đã cho thấy ảnh hưởng của gốm sứ Châu Á, trong đó có Việt Nam, với những tác phẩm của bà. Từ Berlin, Đức  - nữ nghệ sĩ Tyra Tingleff – chia sẻ với khán giả câu chuyện về ảnh hưởng của truyền thống gia đình tới sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. 

Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Sự kiện cũng có sự góp mặt của 2 cặp mẹ và con gái nghệ sĩ Na Uy và Việt Nam: Bà Marit Tingleff và con gái Tyra Tingleff; Bà Lê Kim Mỹ và con gái Vũ Kim Thư. Họ đã cùng nhau và các nghệ sĩ tham dự đề cập tới vấn đề truyền thống gia đình và ý nghĩa của nó trong việc nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, cách cân bằng giữa vai trò xã hội và gia đình cũng như tiếp tục đam mê nghệ thuật. Các nghệ sĩ cũng nói về những thuận lợi và thách thức đối với các nghệ sĩ ở Na Uy và Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.

Đặc biệt, tại sự kiện, nghệ sĩ Na Uy Torbjorn Kvasbo, hiện là Chủ tịch của Hiệp hội Gốm sứ Quốc tế (IAC) đã kêu gọi các nghệ sĩ và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực gốm sứ của Việt Nam quan tâm và gia nhập hiệp hội IAC, Ông cho biết, hiệp hội chưa có thành viên nào từ Việt Nam. "IAC rất quan tâm đến thông tin về lĩnh vực gốm sứ đương đại tại Việt Nam” - ông nói.

Nghệ sĩ Nguyễn Thành Chương  là họa sĩ Việt Nam duy nhất có tác phẩm được trưng bày ở nhà riêng Đại sứ Na Uy từ năm 1996. Ảnh: Đại sứ quán Na Uy

Khách mời đặc biệt của chương trình, nghệ sĩ Nguyễn Thành Chương - họa sĩ Việt Nam duy nhất có tác phẩm được trưng bày ở nhà riêng Đại sứ Na Uy từ năm 1996. Năm 1996 là năm ông vẽ tác phẩm này đồng thời là năm Na Uy bắt đầu sử dụng căn biệt thự.

“Bản thân nghệ thuật đã là một chiếc cầu nối văn hóa, cho dù bạn là người Na Uy hay Việt Nam. Qua những bức tranh này, chúng ta sẽ hiểu về văn hóa, con người và đất nước của nhau hơn” - nghệ sĩ Nguyễn Thành Chương nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn