MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đời sống thường nhật được tái hiện của đồng bào dân tộc ven dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ảnh: Lan Nhi

Cuộc sống mới đầy ý nghĩa của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu ở Hà Nội

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 19/11/2019 13:00

Với sự vận động của chính quyền địa phương, đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã quyết định rời xa quê hương đến Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Những người này mong muốn có cơ hội được giao lưu, bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc đến với du khách thập phương và bạn bè quốc tế.

Cuộc di trú ý nghĩa

Đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu sinh sống chủ yếu ở khu vực dọc theo biên giới miền Trung từ huyện Hương Hóa (tỉnh Quảng Trị) đến phía Tây (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Những người này gắn bó với dải rừng Trường Sơn hùng vĩ, hòa mình cùng với thiên nhiên hoang sơ, cuộc sống của họ quanh năm như một vòng tuần hoàn đều đặn.

Việc quyết định về Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sinh sống đối với đồng bào nơi đây được coi là một bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời.

Không gian văn hóa của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu (ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Lan Nhi.

Lần đầu tiên được ra khỏi cánh rừng, những người này đã được tận mắt chứng kiến Thủ đô sầm uất. Tiếp đó, họ còn có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với các anh em dân tộc khác trên dải đất hình chữ S, đó là những cảm xúc vừa mới mẻ, vừa thú vị mà đến giờ khi nhắc lại họ vẫn cảm thấy bồi hồi, xúc động.

Trao đổi với Lao Động, chị Hồ Thị Nhất (sinh năm 1984, trưởng nhóm nghệ nhân dân tộc Tà Ôi) cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi ở đây tuy có đầy đủ hơn, được gặp gỡ với nhiều người hơn nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương là điều không thể tránh khỏi. Quyết định đến đây sinh sống là một việc hệ trọng không chỉ của riêng tôi mà còn liên quan đến việc bảo tồn văn hóa của cộng đồng mình”.

Chị Hồ Thị Nhất đang dệt hoa văn truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Lan Nhi

Theo chị Nhất, hiện tại khu cộng đồng của người Tà Ôi, Pa Cô có 9 nhân khẩu sinh sống. Quanh năm gắn bó trong buôn làng, đã quen với những tập tục địa phương nên khi chuyển chỗ ở, họ phải mất hàng tháng trời mới có thể thích nghi và tham gia các hoạt động gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

Gian hàng trưng bày truyền thống của đồng bào Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi. Ảnh: Lan Nhi

Khi đất lạ bỗng hóa quê hương

Xa quê hương, nỗi nhớ bản làng là điều không thể tránh khỏi. Để vơi bớt nỗi niềm đó, đồng bào dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô đã chủ động làm những công việc hằng ngày như nuôi gà, trồng lúa, dệt vải, đan lát...

Ngoài ra, họ còn chế biến những món ăn truyền thống như cơm lam, cá bọc lá rừng nướng than hoa và món bánh truyền thống không thể thiếu A Quát (bánh tình yêu) giới thiệu với du khách và bạn bè quốc tế.

Món bánh A Quát (bánh tình yêu) đặc sản làm từ gạo nếp than. Ảnh: Lan Nhi

“Bên cạnh những hoạt động gìn giữ di sản văn hóa, cộng đồng các dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu đã bước đầu ý thức được việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, từ đó sẽ khơi dậy và lan tỏa tình yêu, lòng tự hào của lớp trẻ đối với những giá trị văn hóa của dân tộc mình” - Già làng Hồ Xuân Lim (sinh năm 1954, dân tộc Cơ Tu) cho hay.

Già làng Hồ Xuân Lim chia sẻ về những nét đẹp văn hóa của dân tộc Cơ Tu.

Xa bản làng, xa quê hương nhưng đồng bào dân tộc nơi đây vẫn cảm nhận được hơi ấm của tình đoàn kết, cao hơn là trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa bản địa. Họ đã cùng nhau chia sẻ ngọt bùi, cùng nhau gìn giữ, giới thiệu bản sắc văn hóa đến với du khách trên mọi miền đất nước.

Nghề dệt Dèng là một trong những nét đẹp văn hóa được đồng bào quan tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn