MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm "hổ" của nghệ sĩ Lê Minh Trí tại triển lãm. Ảnh: Từ Ân

Đà Nẵng: khai mạc triển lãm điêu khắc “Con giống”

Tường Minh LDO | 23/07/2022 14:22
Đà Nẵng - Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với nhóm 4 nghệ sĩ Lê Thiết Cương, Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung tổ chức triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Con giống”.

Ngày 23.7, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với nhóm 4 nghệ sĩ Lê Thiết Cương, Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung tổ chức triển lãm mỹ thuật với chủ đề “Con giống”.

Tác phẩm “sóng” của họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: Từ Ân

Đây là một triển lãm với sự kết hợp sáng tạo, hài hòa giữa các yếu tố mỹ thuật hiện đại và truyền thống nhằm làm phong phú các hoạt động bảo tàng để phục vụ công chúng và thu hút khách tham quan; tạo sân chơi lành mạnh để các họa sĩ, nhà điêu khắc Đà Nẵng và các tỉnh thành trong nước giao lưu, kết nối vì sự phát triển chung của nền mỹ thuật thành phố.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng và du khách yêu mến nghệ thuật thị giác gần 60 tác phẩm trên nhiều chất liệu khác nhau với tạo hình đa dạng, độc đáo.

Tác phẩm “Ngựa” của  nghệ sĩVũ Hữu Nhung. Ảnh: Từ Ân
Trong lịch sử mỹ thuật truyền thống của người Việt, hình tượng con giống rất phong phú. Từ con chim lạc, con cóc trên mặt trống đồng Đông Sơn đến những con giống trên gốm Lý Trần, gốm Chu Đậu. Hội họa hiện đại Việt Nam cũng có nhiều nghệ sĩ theo đuổi đề tài con giống như họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…

Tiếp nối dòng chảy ấy, nhóm 4 nghệ sĩ gồm Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung, Lê Thiết Cương cùng làm điêu khắc "Con giống".

Lê Minh Trí là nghệ sĩ trẻ nhất nhóm, sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Đây là lần đầu anh lộ diện bằng những tác phẩm trâu bò lợn gà và nhất là chó, con vật mà anh yêu thích. Đều bằng gỗ phủ sơn rồi vẽ thêm các họa tiết, các miếng mầu, tương phản mạnh, xanh đỏ tím vàng, thành một kiểu điêu khắc pha hội họa, điêu khắc màu.

Nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận góp mặt với triển lãm "Con giống" các tác phẩm điêu khắc gỗ voi, rồng, trâu, gà trống… Các con giống mỗi con một dáng vẻ nhưng đều cùng một ý tưởng xuyên suốt: Cách tạo hình hiện đại trên nền văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, Tây Giang, Quảng Nam. Lê Ngọc Thuận đã làm cho truyền thống điêu khắc gỗ của người Cơ Tu trở nên mới lạ, làm cho truyền thống ấy không bị đóng băng.

Tác phẩm “Ông ba mươi” của Lê Ngọc Thuận. Ảnh: Từ Ân

Đem đến triển lãm lần này là các tác phẩm nghệ sĩ Vũ Hữu Nhung thực hiện trong mấy năm gần đây cùng một đề tài ngựa. Bộ ngựa lần này Vũ Hữu Nhung sáng tác với chất liệu sở trường sành Phù Lãng của anh. Tác giả khai thác vốn dân gian từ những con ngựa gỗ, ngựa đá, ngựa gốm, ngựa giấy. Độ đanh của chất sành, độ no của hình khối, sự cân bằng về tỉ lệ tác phẩm ngựa lần này hy vọng tạo ấn tượng nhất định với người xem.

Nghệ sĩ Lê Thiết Cương tham gia hơn chục tác phẩm điêu khắc "Con giống", chất liệu đồng và sắt, sáng tác trong hai năm 2020 và 2021. Chắc chắn vẫn là quan niệm nghệ thuật tối giản, dù là hội họa hay điêu khắc. Chắc chắn vẫn là quan niệm điêu khắc - mặt, mặt phẳng, diện. 

Triển lãm trưng bày đến hết ngày 10.8.2022. Kết thúc hành trình ở Đà Nẵng, Triển lãm "Con giống" sẽ có mặt tại Huế vào trung tuần tháng 8 năm 2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn