MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Danh ca Phương Dung. Ảnh: CTCC.

Danh ca Phương Dung kể bài "Nỗi buồn gác trọ" giúp có cát-xê hàng cây vàng

ĐÔNG DU LDO | 12/10/2021 08:10

Nhắc đến nữ danh ca Phương Dung, người hâm mộ sẽ nhớ đến "Nỗi buồn gác trọ" làm nên tên tuổi của bà. Cũng nhờ tuyệt phẩm này mà bà đã thành danh và kiếm hàng trăm cây vàng mỗi tháng nhờ đi show.

Danh ca Phương Dung tri ân tác giả "Nỗi buồn gác trọ"

Danh ca Phương Dung sinh năm 1946 tại Gò Công (Tiền Giang). Theo lời kể của Phương Dung thì từ nhỏ, bà đã mê ca nhạc và thích tập hát theo những ca khúc phát trên radio. Khi còn là nữ sinh, Phương Dung đã tham gia các chương trình văn nghệ và gây được sự chú ý của nhiều người.

Từ một ca sĩ hát lót, Phương Dung dần dần gây được sự chú ý khi thể hiện những ca khúc nổi tiếng. Nhưng phải tới khi hát các ca khúc bolero bà mới thực sự nổi tiếng. Loạt ca khúc như: Nỗi buồn gác trọ, Những đồi hoa sim, Tạ từ trong đêm ghi dấu ấn tên tuổi của “nhạn trắng Gò Công”.

Nổi lên nhờ "Nỗi buồn gác trọ", bà từng kể có thời điểm thu nhập từ phòng trà, thu âm, chạy show mỗi tháng lên đến 200 cây vàng, giúp bà nuôi cả gia đình, phụ giúp dòng họ.

Với hàng chục năm tuổi nghề, thành công của nữ danh ca “Nhạn trắng Gò Công” với "Nỗi buồn gác trọ" phải kể đến nhạc sĩ Mạnh Phát – người thầy góp phần đưa bà đến đỉnh vinh quang trong sự nghiệp.

Nhạc sĩ Mạnh Phát là một ca sĩ, nhạc sĩ có nhiều sáng tác nổi tiếng, được khán giả yêu thích đến tận nay như Nỗi buồn gác trọ, Về đâu mái tóc người thương, Qua xóm nhỏ, Nhớ mùa hoa tím, Dấu chân kỷ niệm, Hoa nở về đêm, Sương lạnh chiều đông, Phố vắng em rồi...

Đặc biệt là "Nỗi buồn gác trọ", ca khúc được danh ca Phương Dung thể hiện đầu tiên, làm nên tên tuổi của bà. 

Trong "Chân dung cuộc tình", danh ca Phương Dung nhớ về kỷ niệm đẹp với nhạc sĩ Mạnh Phát: “Cảm ơn cuộc đời cho tôi gặp được hai người tôi luôn mang ơn. Tôi gặp nhạc sĩ Mạnh Phát, qua sự gửi gắm của  nhạc sĩ Huỳnh Anh. Anh Mạnh Phát viết tặng tôi bài "Nỗi buồn gác trọ". Ngay từ câu hát đầu tiên “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa”, tôi hồi tưởng lại năm 11 tuổi lên Sài Gòn trọ học cùng 4 người bạn. Những đêm mưa, nghe radio, thấy bản thân bé nhỏ, trong khi ước mơ thì quá lớn.

Tôi thấu hiểu nỗi buồn khi ở trọ, nhìn cảnh những cô cậu sinh viên đi bộ, đạp xe đến trường, tôi dễ xúc động. Không có anh Mạnh Phát viết Nỗi buồn gác trọ, không có Phương Dung ngày hôm nay”. Phương Dung xúc động nhắc về ân nhân lớn trong sự nghiệp ca hát của bà. 

Phương Dung tri ân 2 nhạc sĩ làm nên tên tuổi. Ảnh: CTCC.

Nỗi cô đơn thời trẻ của Phương Dung

Nhắc về nỗi cô đơn khi đêm về, danh ca Phương Dung rơi nước mắt tâm sự: “Sau khi đã nổi tiếng, tôi thường đi hát về khuya. Trước khi ngủ, tôi đọc sách nhưng chữ không đọng lại trong đầu, chỉ có niềm tuyệt vọng vì nhớ người yêu.

Thời ấy, nhạc sĩ Đỗ Lễ thất tình một danh ca, ông ấy viết bài "Sang ngang" cho tôi hát. Những đêm mưa, tôi nhẩm ca khúc nghĩ ảnh không được sống cùng người yêu. Tôi tưởng tượng viễn cảnh đi cùng người yêu đến nơi bán sách, cùng đọc và bình luận sách. Không gian chỉ hai người thôi nhưng mơ ước đó có thành được hay không?”.

Đau khổ vì cuộc tình trắc trở, những đêm nhớ nhung người yêu của Phương Dung đã được đền đáp bằng một cuộc hôn nhân đầy hạnh phúc cùng người yêu, cũng chính là người chồng quá cố của bà. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn