MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đạo diễn Lê Lâm. Ảnh: VIỆT VĂN

Đạo diễn Lê Lâm: “Điện ảnh là sức sống của ký ức...”

VIỆT VĂN LDO | 14/05/2017 09:32
Đạo diễn nổi tiếng người Pháp gốc Việt Lê Lâm trở lại Hà Nội trong tháng 5 để giới thiệu bộ phim “Đế chế tan vụn” của ông (tối thứ 5 ngày 11.5) và trao đổi với khán giả với chủ đề “Vì sao nghệ thuật Việt Nam không được chú ý và quan tâm đến?” (chiều thứ 7 - 13.5) tại Salon Càphê thứ bảy - 3A Ngô Quyền, Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên báo Lao Động đã có cuộc trò chuyện với ông về chủ đề điện ảnh Việt Nam hội nhập với quốc tế...  

Gần đây, một số phim Việt Nam như “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng và “Đảo của dân ngụ cư” - đạo diễn Hồng Ánh, liên tiếp đoạt giải tại các LHP quốc tế dù đó chưa phải là các LHP hạng A. Rồi thì thông tin phim này, phim kia đi dự LHP Cannes... Vậy, ở mức độ nhất định, điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế cũng hiệu quả chứ, thưa ông?

- Khi tôi đọc trên một số tờ báo trong nước nói phim này được giải thưởng tại một LHP nào đó, rồi sẽ bay sang dự LHP Cannes, hay phim nọ cũng được cử đi dự LHP Cannes mà không tiết lộ sự thật, tôi thật là thất vọng. Trách nhiệm của nhà báo điện ảnh là phải tìm nguồn gốc thông tin đúng. Tới giờ này chưa có phim Việt nào sản xuất trong nước đi dự LHP Cannes. Mà là đăng ký mua chỗ tại Chợ phim quốc tế - Marché du Films de Cannes - do một dịch vụ thương mại tư nhân tổ chức chiếu phim tại các rạp tư nhân trong TP Cannes trong 2 tuần lễ LHP chính thức cho khách hàng nào trả tiền. Ai có tiền thì tha hồ đăng ký mua suất chiếu. Còn dự án phim của 2 đạo diễn trẻ Việt được tuyển chọn chỉ chiếu cho Hội đồng Cine Fondation Cannes chứ không cho quần chúng. Các thí sinh đề cử trình bày đề cương và kế hoạch làm phim để hy vọng nhận được tiền tài trợ của quỹ Cine Fondation Cannes để giúp một phần sản xuất phim.

Nhưng ta cũng phải tự hào là các đạo diễn trẻ trong nước đã được BGK chọn dự án. Và trước đây, các đạo diễn có tài như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hoàng Điệp... cũng đã giành được tiền tài trợ đó, nhờ thế mới hoàn thành những phim gây ấn tượng dù không được phổ biến rộng rãi trong nước. Đó cũng là một nghịch lý “made in Vietnam”.

Vì sao cần có mặt tại các LHP có uy tín như Cannes, Venice, Berlin? Vì điều kiện tuyển lựa phim rất nghiêm khắc và chỉ quan tâm đến chất lượng ngôn ngữ điện ảnh mới lạ. Các thành viên duyệt phim toàn là tiến sĩ đa ngành, nhà phê bình, đạo diễn hoặc nhà sản xuất loại ”khổng lồ” quốc tế. Không thể lừa dối được con mắt tinh vi của họ. Trường hợp đạo diễn Lav Diaz người Philippines kiên trì tự túc quay các phim thể loại thực nghiệm trong 20 năm hoàn toàn vô danh trong nước, sau thắng giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2016 là bài học điện ảnh đáng ghi chú.

Năm ngoái, khi tham gia BGK Cánh diều của Hội điện ảnh Việt Nam, ông từng nêu nhận xét đáng chú ý: “Tôi nhìn phim nhưng phim không nhìn tôi” khi áp dụng khái niệm độc đáo của nhà đạo diễn người Ý Roberto Rosselini. Một năm sau, ông có thấy nhận xét trên của mình còn đúng?

- Với tôi, sự thật hiện ra trong khoảng trống giữa hai cảnh trong mọi bộ phim. Không gian đó là nơi ẩn nấp vô tình của mọi tác giả phim, biên kịch hay đạo diễn. Dù họ muốn hay không cũng không trốn vào đâu được, với mắt tinh ta nhìn thấy “avatar” của họ. Chính avatar đó biểu tượng cho bản chất thật hay lý tưởng của họ. Tôi rất tiếc lỡ cơ hội xem các phim đề cử năm nay với tư cách “khách đặc biệt”nước ngoài. Vì tuần lễ tổ chức duyệt phim Cánh diều trùng với một LHP ngắn tôi đã chấp nhận làm chủ tịch. Nhưng qua các phương tiện truyền thông, tôi có cảm giác là điện ảnh ta đi lùi một bước trên con đường nghệ thuật và sáng tạo thực nghiệm ngôn ngữ điện ảnh có chiều sâu văn hoá, văn học, trí tuệ để hy vọng hoà nhập điện ảnh quốc tế.

Đó là tư duy cá nhân tôi dựa trên thành quả đã đạt được sau các hoạt động phổ biến điện ảnh Việt Nam tại các LHP quốc tế bên Châu Âu mà tôi đã tự nguyện thực hiện trong 2 năm nay 2015-2017. Xin nhắc lại chương trình độc đáo vinh danh điện ảnh Việt Nam mà tôi đã chủ trì và tổ chức chiếu toàn bộ 8 phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh tạị LHP Amiens 2016, hay việc chọn và đề cử phim “Lạc giới” của Phi Tiến Sơn và phim “Quyên” của đạo diễn trẻ Quang Bình dự thi LHP Châu Á tại TP Tours năm 2015 và 2017. Bằng hành động chứ không bằng lời nói, tôi đã chứng kiến tận mắt và nghe tận tai thực tế và phản ứng của khán giả và giới điện ảnh phương Tây đối với các sự kiện nêu trên.

Tôi có thể khẳng định khách quan là ngoài lãnh thổ Việt Nam và các nước lân cận Đông Nam Á - Thái Bình Dương, điện ảnh ta không có mặt trên màn ảnh ngoại quốc.

Vì sao chỉ có phim của của các đạo diễn như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, trước đó là Việt Linh và Đặng Nhật Minh được phát hành tại rạp thị trường bên Pháp, thưa ông?

- Vì các phim đó được hưởng tiền trợ cấp hậu kỳ của Quỹ điện ảnh thế giới - Cinema du Monde, cựu Fonds Sud - do Cục điện ảnh Pháp phát triển để giúp nền điện ảnh của những nước kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Quỹ đó chỉ dành cho dự án nghệ thuật chất lượng cao gọi là phim tác giả - film d’auteur. Không phim thị trường nào hy vọng lọt vào được vòng chung kết. Xưa kia tôi đã từng là thành viên trong các hội đồng duyệt phim đó nên rất hiểu nguyên tắc đòi hỏi cơ bản. Theo quy định của Cục điện ảnh Pháp, dự án ngoại quốc nào đoạt được tiền tài trợ thì bắt buộc phải đồng sản xuất với nhà sản xuất Pháp. Nên khi xong phim dù kết quả tốt hay xấu, nhà đồng sản xuất Pháp tìm mọi cách đăng ký phim tại các LHP và phát hành phim ở rạp để hy vọng thu hồi lại tiền họ đã bỏ vào sản xuất.

Nên khi dư luận trong nước thông tin một tuần lễ phim Việt Nam nọ được chiếu ở một nước Châu Âu kia, nên hiểu là chiếu đĩa DVD với thiết bị nghiệp dư miễn phí cho cộng đồng người Việt định cư xứ ấy tại phòng khách các Trung tâm văn hóa Việt với nhau, chứ chẳng khán giả bản địa và báo chí nào quan tâm đến.

Ở một xã hội có chính sách tôn trọng phim ảnh là nền tảng vừa văn hoá vừa thương mại có thể gọi là di sản vô hình quý báu phải bảo vệ và tồn tại, mỗi ngày tôi học hỏi thêm về thông minh trí tuệ của nhân loại và rút ra bài học. Đó là một trong các lý do thúc đẩy tôi tiếp tục phổ biến phim ảnh Việt Nam, tranh đấu để quảng bá hay bảo vệ điện ảnh nói chung và điện ảnh Việt Nam nói riêng là tranh đấu cho chính bản thân mình vì điện ảnh là sức sống của ký ức thế giới. Muốn nối toa điện ảnh Việt sau chuyến tàu điện ảnh quốc tế, ít nhất phải đầy những gì trong toa trước khi đẩy toa lên đường ray. Xứ ta có câu “mèo khen mèo dài đuôi”, tôi thấy tư duy dân gian thật là sâu sắc

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn