MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đạo diễn Việt Tú: “Khán giả chỉ thiệt thòi khi bị áp đặt”

Thủy Nguyên (thực hiện) LDO | 19/11/2016 12:06
Thêm lần nữa, ballet Nga lại trở lại với sân khấu Việt, lần này là cùng lúc 2 vở diễn kinh điển: “Hồ Thiên Nga” (1.12, tại Nhà hát Hòa Bình, TPHCM) và “Kẹp hạt dẻ” (3.12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội). Đạo diễn Việt Tú - đại diện nhà tổ chức sản xuất đêm diễn trò chuyện với “Buffet cuối tuần” xung quanh câu chuyện đưa nghệ thuật hàn lâm về Việt Nam.
Năm ngoái, “Hồ Thiên Nga” đến Việt Nam là trên đường on tour (kết hợp chuyến lưu diễn tại Trung Quốc), còn năm nay thì đoàn đã bay thẳng sang Việt Nam, chỉ để diễn 2 đêm, thay vì 15 - 20 đêm/nước - như thông lệ. Vì sao năm nay, nhà tổ chức lại quyết “chi mạnh”, cho một cái tên không còn mới với khán giả thủ đô?
- Trước khi có “Hồ Thiên Nga” đến Việt Nam vào năm ngoái, chưa công ty tư nhân nào bỏ tiền đầu tư để mời nguyên cả nhà hát ballet đỉnh cao đến Việt Nam biểu diễn. Chúng tôi chỉ có thể tự tin khi tìm được nhà tài trợ thực sự không chỉ quan tâm đến văn hoá, quan tâm đến khán giả, mà tiêu chí, mục đích của họ cũng trùng khớp với những gì chúng tôi tâm huyết: Trong bất kỳ lĩnh vực nào, cho dù nghệ thuật hay kinh doanh, sẽ không đi vào con đường mà người khác đã đi, sẽ chỉ đi con đường của mình.
“Hiệu ứng lần đầu” dĩ nhiên có lợi điểm của nó, nhưng một mặt, cũng đặt nhà tổ chức và khán giả vào những gì chưa được kiểm chứng về chất lượng. Chưa kể, với một đối tác quen biết, việc thương lượng và ký hợp đồng sẽ an toàn và dễ dàng hơn.
Với “Kẹp hạt dẻ” và “Hồ Thiên Nga”, Talarium Et Lux đã đưa ra một khái niệm khác về ballet, khi trộn ballet cổ điển với các ứng dụng công nghệ biểu diễn hiện đại… Không được tiếp xúc bản gốc với “đúng chuẩn” của nó, theo anh, liệu có là một thiệt thòi cho khán giả Việt?
- Tôi thì không hiểu định nghĩa thế nào là gốc, thế nào là không “đúng chuẩn”, vì ngay tại một trong những thánh đường của nghệ thuật hàn lâm thế giới là Metropolitian New York, tôi cũng đã từng xem những vở diễn kinh điển có sự xuất hiện của không chỉ màn hình mà còn cả hiệu ứng người bay, quả nổ, rồi thì đủ loại chiêu trò như trong show ca nhạc tạp kỹ vậy! Những vở diễn đó nếu diễn ra ở đây, tôi tin chắc sẽ nhận được vô số “gạch đá” vì bị cho là không… “đúng chuẩn” hoặc phá vỡ tính hàn lâm. Ở đâu cũng vậy, khán giả chỉ thiệt thòi khi nghệ thuật phải gánh chịu những sự áp đặt có tính ấu trĩ.
Năm ngoái, tôi biết, nhiều người không biết bằng cách nào đó có được tấm vé (chắc chắn là họ không mua), rồi khi đi xem về thì nhận xét “như đúng rồi”. Với những “bản án” của họ thì thế giới nghệ thuật hẳn là có vô số “tội đồ” chỉ vì các nghệ sĩ đã dám cách tân mạnh mẽ, bằng những phép pha trộn mới… Chẳng hạn như Pavarotti, vì đã dám “Pop hoá” opera; Lang Lang, vì đã dám “phối” nhạc cổ điển và rock… Nghệ thuật được tạo ra bởi sự hiểu biết và sáng tạo. Khi chúng ta biết nhiều, chúng ta càng dễ mở lòng.
Nhờ các chiến dịch “tri ân khách hàng” mà nghệ thuật hàn lâm, cũng như nhiều ngôi sao quốc tế đã đến được với khán giả Việt. Nhưng một mặt, khi khán giả không phải bỏ tiền mua vé, biết đâu họ sẽ dễ quay về với tâm lý ỷ lại - một thói quen không tốt một chút nào, nếu nhìn từ góc độ thị trường. Anh có nghĩ thế?
- Tôi thực sự trân trọng những đồng nghiệp đã nỗ lực thay đổi tâm lý đó ở khán giả Việt để giúp hình thành thói quen mua vé, và bản thân cũng đã luôn cố gắng góp phần thay đổi nó. Nhưng đôi khi, điều đáng buồn là có nhiều người làm nghề, nói thì rất hay, hoặc giễu cợt, chê bôi đủ thứ, nhưng toàn đi xin và xem “chùa” của nhau.
Đừng tin vào những lời nói, mà hãy nhìn vào hành động! Chừng nào chính người làm nghệ thuật còn chưa gương mẫu thì chừng đó chúng ta cũng đừng hi vọng vào sự thay đổi của khán giả. Các nhãn hàng có mục đích của họ, nhưng cũng nhờ thế mà chúng ta mới được xem những bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, khi không có một nhà tổ chức nào có đủ gan “tay bo” với thị trường nếu chỉ trông chờ vào tiền bán vé, trong một thị trường biểu diễn quá thất thường như ở ta. Việc còn lại là mỗi người chúng ta cần phải tự hành động…
- Xin cảm ơn anh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn