MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế chi 2% để thực hiện đề án "Huế kinh đô Áo dài Việt Nam". Ảnh: Phan Thanh Hải

Đề án Áo dài Huế: Gần 500 tỉ đồng chờ xã hội hoá

Tường Minh LDO | 05/04/2023 10:23
Huế - Ngân sách địa phương sẽ chi 2% (11/ hơn 500 tỉ đồng) để thực hiện đề án "Huế kinh đô Áo dài Việt Nam".

Như tin đã đưa, ngày 29.3.2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định số 678/QĐ-UBND phê duyệt đề án "Huế kinh đô Áo dài Việt Nam". Đáng chú ý là trong số hơn 500 tỉ đồng phê duyệt cho đề án, ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ bỏ ra 11 tỉ đồng (chiếm 2%), còn lại là xã hội hoá.

Nghề may đo và tập quán sử dụng Áo dài Huế hướng đến việc ghi danh vào di sản văn phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Phan Thanh Hải 

Trả lời câu hỏi Huế sẽ xã hội hoá thế nào để ra con số gần 500 tỉ đồng để thực hiện đề án "Huế kinh đô Áo dài Việt Nam", TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết:

Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa theo phương thức xã hội hóa được triển khai ở nhiều địa phương, trong đó có Cố đô Huế với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, thể hiện rõ nhất ở việc tu bổ di tích, khôi phục các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống. Với ý thức tôn trọng quá khứ, lòng tự hào về tổ tiên của nhân dân, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã mang lại kết quả tích cực. Vì vậy, việc thực hiện thành công Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa có ý nghĩa quyết định và mang tính khả thi.

"Vả lại, khi thực hiện đề án này, chúng tôi xác định phải hướng đến cộng đồng, để cộng đồng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản, nguồn lực đầu tư cho đề án phần lớn cũng từ cộng đồng. Cùng với việc triển khai đề án chúng tôi cũng sẽ tiến hành nghiên cứu và tham mưu đề xuất những chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa và phát huy sức mạnh của cộng đồng. Vì vậy, con số đầu tư từ nguồn xã hội hóa từ nay đến năm 2030 khoảng gần 500 tỉ đồng là con số hoàn toàn khả thi", TS Phan Thanh Hải cho biết.

Cũng theo TS Phan Thanh Hải, khi nghiên cứu và triển khai đề án này, Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã gặp nhiều thuận lợi, quan trọng nhất vẫn là sự tin tưởng, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh cùng sự ủng hộ của cộng đồng nhân dân địa phương. Tuy vậy, đề án này cũng đã và đang đối diện với rất nhiều khó khăn, lớn nhất là nhận thức và quyết tâm của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức những đơn vị liên quan đến đề án, nhất là đối với việc phục hưng áo dài dành cho nam giới.

Nội dung và mục tiêu cụ thể của đề án "Huế kinh đô Áo dài Việt Nam" là đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ; Tổ chức định kỳ Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ lễ hội, đặc biệt là Festival Huế.

Xây dựng được bộ truyền thông về Áo dài Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”; Hình thành 1 sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế.

Đến năm 2030, Hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo Áo dài phục vụ khách du lịch; Ban hành tối thiểu 1 chính sách hỗ trợ phát triển Áo dài Huế; Hoàn thiện hồ sơ Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn