MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng ngàn lò gạch cổ ở Mang Thít, Vĩnh Long được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX, tồn tại cho đến ngày nay. Ảnh: Sở VHTTDL Vĩnh Long

Để sống lại những phế tích ở vương quốc những lò gạch cũ Mang Thít

Thanh Hải LDO | 20/01/2023 12:00

Giữ di tích để bảo tồn văn hóa và tính đến việc phát triển du lịch - đó là "con đường" mà chính quyền, ngành Văn hóa tỉnh Vĩnh Long đã lựa chọn để làm "sống lại" vương quốc những lò gạch cũ - Mang Thít...

Từ một "Vương quốc đỏ"

Nằm giữa hai con sông Tiền, sông Hậu, quanh năm bồi đắp phù sa nên đất đai ở Vĩnh Long khá màu mỡ, đặc biệt là nguồn cát sông và đất sét có trữ lượng dồi dào đã mang lại cho nơi đây nguồn tài nguyên lớn để phát triển nghề làm gạch, gốm. Mặt khác, hệ thống kênh rạch ở vùng đất này dày đặc, tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi, nên nghề sản xuất gạch, gốm đã phát triển từ đầu thế kỷ XIX, chủ yếu tập trung tại huyện Mang Thít.

Mang Thít nằm ven sông Cổ Chiên với hàng ngàn lò gạch có hình dáng tựa như những mái vòm khổng lồ - tương tự các công trình kiến trúc Hồi giáo. Vì vậy nơi đây được mệnh danh là "Vương quốc đỏ". Gạch, gốm Mang Thít có mẫu mã phong phú, có nét riêng nhờ nguồn đất sét đặc biệt và nét tinh hoa được hình thành từ tri thức dân gian của ba dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa.

Từ trước năm 1997, gạch ngói ở nơi đây không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, càng về những năm sau này, phương thức sản xuất thủ công đã không đáp ứng được với nhu cầu phát triển, những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, nên từ sau năm 2000, các lò gạch dần tắt lửa. Một số cơ sở chuyển đổi sang làm gốm sứ trang trí, hàng lưu niệm... Nhiều gia đình dần phá dỡ lò gạch. "Vương quốc đỏ" Mang Thít đứng trước nguy cơ mai một làng nghề truyền thống và mất di tích sau hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển. 

...Đến "Vương quốc của những lò gạch cũ"

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, trong tổng số 1.424 lò gạch, hiện vẫn còn 877 lò giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, 547 lò đã bị phá dỡ một phần hoặc chỉ còn phế tích.

Tuy nhiên, không gian cảnh quan cùng bản sắc văn hóa đậm đặc ở Mang Thít vẫn nguyên sơ, hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Những năm gần đây, du khách đến nhiều với vùng đất Mang Thít, đã mở ra cơ hội để "Vương quốc những lò gạch cũ" chuyển hướng từ sản xuất gạch, gốm sang làm du lịch.

Hàng ngàn lò gạch cổ ở Mang Thít, Vĩnh Long được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XIX, tồn tại cho đến ngày nay. Ảnh: Sở VHTTDL Vĩnh Long

Thế nhưng bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào vẫn đang là câu chuyện còn lúng túng của Vĩnh Long.

Cuối năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội thảo khoa học "Đóng góp ý tưởng, tổ chức hoạt động, triển khai đề án di sản đương đại Mang Thít". Ông Nguyễn Sự, nguyên lãnh đạo Hội An được UBND tỉnh Vĩnh Long mời tham dự hội thảo này với mục đích chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn mà ông và lãnh đạo ở Quảng Nam đã thành công đối với Hội An.

Ông Nguyễn Sự cho biết, Mang Thít có quá nhiều tiềm năng, điều kiện để phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc của quần thể những lò gạch cổ, để làm du lịch. Sự quyết tâm của lãnh đạo ở địa phương là rất cao, tuy nhiên để đưa một làng nghề làm gạch thủ công thành vùng di sản không phải là câu chuyện một sớm, một chiều. Muốn thành công, phải tìm cho được sự đồng thuận từ người dân. Sự đồng thuận đó có được là phải gắn với đời sống văn hóa, quyền lợi kinh tế của họ. Nhưng trước tiên phải làm công tác quy hoạch, song song với việc lập hồ sơ để được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. 

Theo ông Sự, chính quyền Vĩnh Long đã có chủ trương rõ ràng, quyết tâm của lãnh đạo rất cao. Đó là thuận lợi, nhưng cần có ngay quy hoạch để khoanh vùng, ngăn chặn hiện tượng phá dỡ các lò gạch cổ của người dân. Quy hoạch để biết khu vực nào nên giữ lại, bảo tồn. Khu vực nào là bảo vệ nghiêm ngặt, nơi nào thì cho khai thác, cải tạo, làm dịch vụ... 

"Chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã hỗ trợ cho người dân để giữ di tích, nhưng tôi cho rằng việc hỗ trợ khó kéo dài, và không biết bao nhiêu tiền mới đủ. Cái cần làm là ngay sau khi có quy hoạch, phải tạo cơ chế, khuyến khích người dân làm dịch vụ, khai thác du lịch.

Du khách đến Mang Thít không chỉ thưởng lãm những kiến trúc độc đáo, khác lạ của hàng ngàn lò gạch cổ, thưởng thức các đặc sản riêng có vùng sông nước Nam Bộ... mà còn dong thuyền trên các kênh rạch, đạp xe trong ngóc ngách làng quê đầy cây trái, nghe đàn ca tài tử, tìm hiểu những câu chuyện văn hóa..." - ông Sự nói.

Trong lòng những lò gạch lớn có thể trang bị nội thất hài hòa, cho du khách ngủ lại, sẽ là những trải nghiệm đặc biệt. Những lò gạch bị đập phá dang dở, có thể làm nhà hàng, quán cà phê, quầy bán hàng lưu niệm. Ban đầu có thể nhỏ lẻ, dân tự phát làm, về lâu dài, địa phương có thể mời các nhà đầu tư đến để phát triển. Nhưng cần có ngay quy hoạch và phải bảo tồn cho được hệ sinh thái, không gian văn hóa ở "Vương quốc đỏ" mới là quan trọng nhất hiện nay.

Giữ di tích, bảo tồn văn hóa thì mới phát triển du lịch được, dù hành trình ấy không dễ và cần nhiều thời gian. Nhưng đó là giải pháp phát triển bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn