MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018 đề cao tính phản biện?

Đ.B LDO | 27/06/2018 07:00
Theo nhà văn Phạm Xuân Nguyên, việc lựa chọn một tác phẩm đầy tính phản biện của nhà thơ Nguyễn Duy đã tạo nên tính cởi mở trong đề thi Ngữ văn THPT quốc gia 2018.

Nhà thơ Nguyễn Duy.
Trao đổi với Lao Động về những tranh cãi xung quanh đề thi Ngữ văn THPT quốc gia năm nay, nhà văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho hay: “Việc sử dụng tác phẩm của Nguyễn Duy, một trong những nhà thơ phản biện sớm nhất là điều bất ngờ.

“Đánh thức tiềm lực” ra đời cách đây 30 năm nhưng vẫn giàu tính thời sự. Bài thơ thể hiện một thái độ sống mạnh mẽ và quyết liệt của một công dân trước các thực trạng đối với đất nước. Điểm nổi bật của thơ Nguyễn Duy là tinh thần phản biện. Chính tinh thần này đã từng khiến ông “lên bờ xuống ruộng”. Nhưng sự dũng cảm luôn luôn có một giá trị vững bền. Chính vì dám nói thật mà Nguyễn Duy… hơn người”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết, cách vận dụng thơ Nguyễn Duy cũng thể hiện tính phản biện, tinh thần cởi mở của chính những người ra đề. Họ hướng đến sự phản biện, tư duy độc lập đối với học sinh.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Theo ông, trong đề thi mới chỉ sử dụng đoạn mở đầu của bài thơ “Đánh thức tiềm lực”. Thực ra, phần đầu bài thơ vẫn còn rất lạc hậu so với bây giờ. Tiềm lực tài nguyên thiên nhiên đất nước hiện tại không còn là niềm hi vọng cao độ như cái thời nhà thơ Nguyễn Duy làm bài thơ này nữa. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong tư tưởng và thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm.

“Phần quan trọng của bài thơ là nửa cuối và đoạn kết. Cho đến hôm nay, tính hiện thực về “tiềm lực đất nước” trong những vần thơ ấy vẫn còn nguyên vẹn.

“Bài thơ ra đời cách đây 36 năm và từng gây chấn động dư luận bởi sự thẳng thắn và quyết liệt. Người viết bài thơ cũng từng làm mất lòng nhiều người quan trọng. Thậm chí, ông từng phải lao đao vì ngòi bút phản biện của mình. Nhưng theo thời gian, họ hiểu ra, Nguyễn Duy là một công dân với tình yêu đất nước mãnh liệt. Thơ của ông đầy tinh thần trách nhiệm, bám sát và nói lên được những bức xúc của cuộc sống.

“Ở thời đại người ta chỉ thích ca ngợi, Nguyễn Duy đã viết những dòng thơ khó nghe và đầy tính phê phán. Thơ ấy mới thực sự là những cú “lội ngược dòng thời đại” để bền bỉ đến tận hôm nay”, nhà văn Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng, với đề thi môn Ngữ Văn 2018, chứng tỏ các nhà giáo dục Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận đời sống văn học hiện thực. Văn thơ lên tiếng về thực trạng xã hội rất nhiều. Nhưng các nhà giáo dục có dám mạnh dạn và biết lựa chọn những vấn đề giàu tính thời sự để đưa vào chương trình giảng dạy hay không còn là vấn đề khác. Tuy nhiên, năm nay, bước đầu các nhà giáo dục đã thể hiện sự mong muốn học sinh rời xa đời sống, bám sát hiện thực, tiếp cận vấn đề xã hội không chỉ trong khuôn phép nhà trường mà còn trong tinh thần suy nghĩ độc lập. 

Cuối cùng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định: "Văn học đương đại Việt Nam còn rất nhiều những tác phẩm giàu tính thời sự và phản biện như tác phẩm “Đánh thức tiềm lực” của nhà thơ Nguyễn Duy". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn