MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất cải tiến tiếng Việt có thực sự là công trình khoa học?

Đề xuất cải cách tiếng Việt đang mượn danh công trình khoa học

Kỳ Trinh LDO | 04/12/2017 16:13

Nhà văn Thái Kế Toại cho rằng bất kỳ một đề xuất nào, kể cả nhân danh nghiên cứu khoa học cũng phải có ý nghĩa nhân sinh. Nghĩa là phù hợp với điều kiện tình hình đất nước, đời sống nhân dân chứ không thể nào xa rời với thực tế.

Những ồn ào về bộ chuyển đổi tiếng Việt đang lắng xuống. Hầu hết các chuyên gia ngôn ngữ, nhà văn, công chúng đều bày tỏ sự phản đối với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của tác giả Bùi Hiền. Trao đổi với PV Báo Lao Động, nhà văn Thái Kế Toại bày tỏ, ông muốn góp thêm tiếng nói và quan điểm về vấn đề này.

Tác giả tiểu thuyết “Định mệnh” cho rằng: “Tiếng Việt của chúng ta đang ổn định và có sứ mệnh cao cả là phục vụ cuộc sống, chính trị, pháp luật của đất nước. So với thế giới, tiếng Việt khá hiện đại. Bởi vậy, không nên mất thời gian đưa ra một ý tưởng phi thực tế, vừa gây tranh cãi vừa làm đảo lộn cuộc sống.

Tôi cho rằng, đề xuất cải tiến tiếng Việt của tác giả Bùi Hiền đang nhân danh công trình nghiên cứu khoa học. Bộ chuyển đổi tiếng Việt do ông ấy đưa ra vô tình tạo nên một kiểu chữ Latinh theo bản sao, rất xa lạ với tư duy truyền thống của người Việt”.

Nói về phát ngôn gây tranh cãi của TS Đoàn Hương, nhà văn Thái Kế Toại chia sẻ, sự bảo vệ của nhà nghiên cứu văn học đã bị phản tác dụng. “Tôi cảm thấy, sau khi được TS Đoàn Hương lên tiếng bảo vệ thì ý tưởng của tác giả Bùi Hiền càng bị dư luận phản đối mạnh mẽ”, ông nói.

Bàn về vấn đề cải cách tiếng Việt, nhà thơ Thanh Nhàn cho rằng, bà chưa bao giờ nghĩ đến việc phải thay đổi tiếng Việt. “Sao không thể dành tình yêu trọn đời với thứ ngôn ngữ cha sinh mẹ đẻ, cho ta làm thơ và từng được ví von như tơ như lụa, mà còn nghĩ đến việc cải tiến thế này thế kia cho rắc rối’, tác giả Hương bày tỏ.

Theo nhà văn Phạm Xuân Nguyên, bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới cũng đều tuân theo quy luật về tính quy ước, nghĩa là chấp nhận cả những điều bất hợp lý trong hệ ngôn ngữ đó. “Những bất cập trong tiếng Việt mà tác giả Bùi Hiền chỉ ra không có gì mới. Tuy nhiên, từ khi được sử dụng, cộng đồng người Việt đã hợp lý hóa cả những điều tưởng như phi lý đó. Đó là một quy ước của chúng ta trong quá trình đưa tiếng Việt vào đời sống”.

“Người Trung Quốc cũng từng thử cải tiến thay thế chữ tượng hình tượng ý của họ bằng thứ chữ khác là chữ Latinh, nhưng cuối cùng không thành công. Theo tôi có nhiều lý do, trong đó tính quy ước quá cao trong ngôn ngữ của họ chính là rào cản lớn”, nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn