MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đền Chợ Củi, di tích lịch sử văn hóa quốc gia, xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: Thiện Chân

Đền Chợ Củi, nơi lưu giữ tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ

ĐẶNG VIẾT TƯỜNG LDO | 12/11/2023 07:00

Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đền Chợ Củi, địa chỉ xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), là điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng, xưa nay thu hút hàng vạn du khách mọi miền. Đây là ngôi đền cổ kính rêu phong, được xây dựng từ thời Hậu Lê.

Đền Chợ Củi là điện thờ “Tam toà thánh vị, Vạn thế mẫu nghi”, với cảnh quan đẹp ở bờ Nam sông Lam. Hàng năm thường diễn ra lễ hội giỗ Thánh Mẫu (ngày 3.3 Âm lịch) và lễ hội đền Chợ Củi vào ngày 10.10 âm lịch, theo lưu truyền dân gian là ngày giỗ “ông Hoàng Mười”.

Theo sách “Văn bia Hà Tĩnh”, bia đền từ Tháp Sơn, tức bia đền Củi xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là bia 2 mặt, khổ 75 x 45cm, không có năm tạo. Nhưng văn tự khắc trên văn bia (bản dịch) phản ánh, bia được tạo lập vào sau năm 1831, đời Minh Mệnh trở lên.

Nội dung văn bia cho biết: Đền (Chợ Củi) được xây từ lâu đời, những năm trước đó dân thôn lạm dụng điện thờ, đã làm ngói gạch dột nát, gỗ mục, tường vách hoang tàn. Thủ từ Nguyễn Văn Tựu ở thôn Tháp Sơn, xã Tam Xuân thượng, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Thọ cùng mọi người muốn lòng thiện được mãi mãi truyền về sau cho nên dựng bia ghi lại việc hưng công tu sửa đền.

Kể từ khi hưng công, đến thời điểm dựng bia có nhiều thay đổi, hoàn thành tam toà, đồ thờ tự đầy đủ tôn nghiêm đều dựa vào lòng tốt của người dân thập phương đóng góp vào đền thờ: “Bản điện thờ tự Tam toà thánh vị, Vạn thế mẫu nghi, công đức không thể nói hết. Sùng tự cũng có từ đó. Đất dựng thắng cảnh lâu dài, tám cảnh vây quanh. Người người nhận ân đức mưa ngọt, chín cõi sông nước. Duy cúi đầu mà đội ơn trạch. Từ Đông đến Bắc, từ Tây đến Nam đều theo lời kêu gọi mà quyên tiền bạc, không lớn không nhỏ, không kể xa, không kể gần, nhiều năm chinh biện, muôn thuở ngưỡng chiêm, hiến bày các vật, nói rõ lời văn”. (Văn bia Hà Tĩnh - tr. 364).

Sách "Nghi Xuân địa chí" của tú tài Lê Văn Diễn viết vào năm Nhâm Dần (1842) đời vua Thiệu Trị chép: “Đền Liễu Hạnh”, chính là đền Chợ Củi: “Đền Liễu Hạnh ở bờ sông Lam dưới chân núi Tam Kỳ (núi Tháp). Còn một đền ở thôn Báu Lâm. Những người đến cúng và được chịu ơn của đền thì gọi là “đồng môn”. Đền có bức hoành phi lớn có khắc chữ “Thánh mẫu từ” và có những câu đối như sau: “Ức triệu trẻ nên người đều ơn mẹ / Xa gần ai đến lễ, thảy gọi đồng môn”. (Nghi Xuân địa chí. Mục đền miếu. Tr.91).

Nghi môn trước đền Chợ Củi có nhiều câu đối cổ, chữ Hán Nôm. Di sản kiến trúc nghệ thuật đền Chợ Củi được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia; Quyết định số 57/ QĐ-VH, ngày 18.1.1993. Sau nhiều lần tu sửa, hiện nay, đền Chợ Củi được trùng tu, tôn tạo khang trang, xứng tầm là điểm đến tâm linh hấp dẫn của du khách thập phương.

Nơi đây lưu giữ tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ (Tam toà thánh vị, vạn thế Mẫu nghi) của người Việt được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, loại hình văn hóa phi vật thể cùng dòng với di tích Phủ Dầy.

Theo sách “Nghi Xuân di tích và danh thắng”, trong tín ngưỡng thờ mẫu “Tam phủ” ở di tích đền Chợ Củi, ngoài cung thờ chính 3 vị thánh mẫu còn có cung thờ 5 vị quan lớn. Dưới cung thờ 5 vị quan lớn là hàng vị các ông Hoàng, được bài trí từ theo thứ tự từ ông Hoàng thứ nhất đến ông Hoàng thứ 10. Về lai lịch, tương truyền cũng như 5 vị quan lớn, các ông Hoàng đều có gốc tích là con trai Long thần Bát hải Đại vương ở hồ Động Đình (Trung Quốc).

Cung thờ Quan Hoàng Mười. Ảnh: Tùng Đỗ

Trong dân gian vùng Hà Tĩnh, Nghệ An, các ông Hoàng vốn là nhân thần, có công đánh dẹp giặc, lập làng xã, mở mang bờ cõi, khai sáng văn minh trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Dân gian quan niệm ông Hoàng thứ mười là hiện thân của danh tướng Lê Khôi (?- 1446). Ông là người được vua phái đi trấn thủ Hoan Châu, có công dẹp giặc, giúp dân làm ruộng, mở mang giao lưu buôn bán, thúc đẩy đời sống phát triển kinh tế để khắp nơi xóm làng sầm uất yên vui. “Một năm kia, giặc ngoại bang tràn vào, ông đã xông pha trận tiền, đốc thúc binh sĩ đập tan giặc giã, giữ yên bờ cõi. Khi chiến thắng giặc trở về, thì gặp trận cuồng phong ập vào, nhà cửa dân chúng đổ nát, hư hỏng nhiều vô kể. Thương dân ông cùng binh sĩ lên ngàn chặt tre, đốn gỗ đưa về giúp dân làm nhà. Một lần không may, khi xuôi bè đến chân Ngàn Hống (Hồng Lĩnh) ở núi Ngũ Mã thì cuồng phong ập đến làm vỡ bè.” (Nghi Xuân di tích và danh thắng- tr.96). Sách này cho biết, ông Hoàng mười chết đuối nước, thi hài chưa kịp mai táng thì mối xông lên thành mộ, nhân dân lập đền thờ ở núi Ngũ Mã. Theo người dân, ông Hoàng rất thiêng, thường hiển thánh cứu giúp muôn dân.

Một văn bản khác liên quan đến “ông Hoàng mười” thờ ở đền Chợ Củi và lễ hội ngày mồng 10.10 âm lịch hàng năm. Theo “Nghi Xuân di tích và danh thắng”: Bà tổ dòng họ Đặng Thái, người họ Đậu đi trẩy kinh đô Thăng Long, trên đường trở về làng Uy Viễn. Ngày 10.10 âm lịch năm ấy, thuyền quan quân hộ tống về đến chợ Đò Củi, vùng Tam Chế. Tự nhiên trời nổi phong ba bão táp, thuyền không đi được, bà bảo quân sĩ dừng thuyền trèo lên núi Tam Kỳ tránh bão tố. Nhưng chẳng may bà bị sẩy thai. Thai nhi là một bé gái chết yểu, bé gái chết thì trận tố cũng dừng. Thuyền quan quân tiếp tục hành trình, xuôi dòng về bến đò Tả Ao. Đến làng Ao Cầu dừng lại, đưa thi hài bé gái lên bờ, vào làng mượn dụng cụ cấp táng. Nhưng trời lại nổi phong ba thổi đất cát vùi long kiệu lẫn thai nhi đắp thành nấm mộ. “Đêm hôm đó đức đại vương chiêm bao thấy một người con gái xiêm y lộng lẫy, tự xưng là Thái bảo công chúa, con gái Ngọc Hoàng thượng đế lén xuống trần gian đầu thai làm con gái Đặng Thái đại vương. Nhưng bị thượng đế phát hiện, nhà trời sai thiên thần, thiên tướng bắt về trời. Tỉnh giấc chiêm bao, sáng vào triều ông tâu lên vua Lê, vua bèn sắc phong cho hài nhi xấu số hiệu Thái Bảo công chúa và sai lập miếu nơi chân núi ở chợ Đò Củi, giao cho làng xã sở tại hàng năm tế lễ vào ngày mồng 10 tháng 10 âm lịch. Vì thế ngày nay con cháu họ Đặng Thái đến ngày 10.10 tế lễ tổ cô rất long trọng” (Nghi Xuân di tích và danh thắng -tr.364). Theo “Nghi Xuân di tích và danh thắng” ở đền Chợ Củi có 2 bức hoành phi “Nữ Trung Hào Kiệt” và “Khu Độc Linh Từ”. Những hoành phi này gắn với đền Thánh mẫu ở núi Cô Độc (còn gọi Khu Độc), một danh thắng đẹp nổi tiếng bên bờ sông Lam thơ mộng.
Theo truyền thống lễ hội đền Chợ Củi được tổ chức hàng năm vào tháng 10 âm lịch. Lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam; dịp tưởng nhớ công đức của các vị phúc thần và tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, khơi gợi lòng tự hào cho các thế hệ. Và động viên, tập hợp các tổ chức, hội nhóm xã hội tích cực bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động du lịch. Đồng thời quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa di tích đền Chợ Củi và lễ hội giỗ 10.10, dòng thờ mẫu Tam phủ di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội năm nay được tổ chức tương đối lớn với quy mô cấp huyện.
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày: các ngày 21 và 22.11.2023, tức ngày 9 và 10 năm Quý Mão. Lễ chính vào ngày mồng 10 tháng 10. Lễ hội diễn ra long trọng với các chuỗi hoạt động. Từ 25.10 đến 25.11.2023, triển khai tuyên truyền trên báo chí, đài phát thanh truyền hình tỉnh, cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội. Phần hội, ngày 21.11 (9.10 Âm lịch) diễn ra các trận đấu thể thao bóng chuyền nam, thi đấu kéo co truyền thống vào ban ngày. Ban đêm tổ chức chương trình nghệ thuật liên hoan ca nhạc, tiếng hát của câu lạc bộ chầu văn, câu lạc bộ dân ca ví giặm và tiếng hát học đường. Phần lễ, có lễ khai vị, tổ chức giỗ “ông Hoàng mười” theo lễ nghi phong tục truyền thống tại địa phương.
Ngày lễ hội diễn ra lượng du khách hàng nghìn người từ miền đất nước nô nức cùng nhau về thôn 1 (Tháp Sơn cũ) xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Đền Chợ Củi và lễ hội giỗ 10.10 hàng năm, từ hàng trăm năm đến nay vẫn không hổ danh điểm đến hấp dẫn của du khách trong Nam ngoài Bắc, tứ chiếng Đông Tây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn