MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đến từ một đám mây

Huy Huỳnh LDO | 29/01/2020 06:30

Sự xuất hiện của Don Quixote trong văn học phương Tây là một cột mốc cho toàn bộ tiểu thuyết đi sau nó. Kể từ ngày nhà quý tộc tài ba xứ Mantra cưỡi ngựa lên đường hành hiệp trượng nghĩa cho đến nay, cách thức sáng tác tiểu thuyết đã không biết bao nhiêu lần thay đổi, từ anh hùng đến phản anh hùng, từ chủ nghĩa này đến trường phái khác, từ những cuộc tụ tập đông người ở quảng trường vào đến căn phòng riêng lẻ của mỗi cá nhân. 

Văn chương có thể bao dung mọi thể loại nên người viết có thể phóng túng với ngòi bút của mình, nhưng đấy là chuyện viết, thế còn chuyện đọc?

Người La Mã cổ đại thường đọc trên một loại giấy cói, được làm từ ruột cây Papyrus, vốn được cho là mọc rất nhiều gần vùng châu thổ sông Nile của Ai Cập. Loại giấy dễ bị gãy khúc này khiến việc đọc không thực sự thoải mái, họ phải rất cẩn thận mỗi khi mở cuộn giấy. Đây chính là tiền thân của cái mà ngày nay chúng ta gọi là sách, tuy nhiên để đi từ giấy papyrus đến hình hài một quyển sách thì đó là cả một lịch sử hàng nghìn năm. Công nghệ in ấn đương nhiên đóng một vai trò cực kì quan trọng trong việc khuếch rộng sự có mặt của sách vở đến tay mọi người.

Thật khó hình dung một ngày nào đó con người có đủ hoài cổ (hoặc đủ khả năng chạy theo mốt) để đưa cách đọc trên giấy papyrus trở lại hay không. Với tinh thần lội ngược dòng mạnh mẽ giữa thế kỷ 21, người ta đã đưa băng cassette trở lại, dù bất tiện nhưng lại là vật trang trí, sưu tầm thời thượng. Thử tưởng tượng một quyển tiểu thuyết như “Cuốn theo chiều gió” được in lại bán với giá hàng nghìn USD trên hàng nghìn cuộn papyrus giả khiến tương lai thật ảm đạm, tuy nhiên, đó là cuộc thương thảo của tương lai. Ở hiện tại, thứ làm thỏa mãn, cũng như làm đau đầu giới mọt sách, hiển nhiên phải là ebook, người bà con xa của email, kẻ thù không đội trời chung với esport - môn thể thao điện tử xoay quanh các cuộc đấu game.

Cuộc chiến sách điện tử và sách giấy ở mọi nơi đều thật sự vô nghĩa. Bản thân là một người đọc, tôi chưa bao giờ thấy có nhu cầu phải bỏ loại này để đến với loại kia. Vấn đề là nếu chúng ta có thể sở hữu cả hai, hãy sở hữu cả hai. Sách giấy chẳng cần ai bảo vệ nó. Doanh thu sách giấy vài năm trở lại đây chẳng những không giảm mà còn tăng. Vì kể từ ngày có sách điện tử, các nhà xuất bản đã tìm mọi cách cải thiện chất lượng giấy cũng như thiết kế để sách đẹp hơn. Trong khi mức giá sách điện tử ngày xưa quá cao,  nay đã bị đẩy xuống ở mức vừa phải. Nếu cùng một tác phẩm bán bản bìa cứng 30 USD thì bản điện tử chỉ còn 15 USD chứ không đồng giá như vài năm trước. Sự giảm sút của người đọc ở khắp mọi nơi là có thật, nhưng cũng không thể phủ nhận thế kỉ này, việc tiếp cận sách vở đã tiện lợi đến không tưởng.

Còn nhớ hồi còn là sinh viên, trong một lần chạy xe ngang đường Phạm Viết Chánh, tôi vô tình thấy một hiệu sách ngoại văn nhỏ, ánh đèn vàng nhạt đổ ra lề đường của hiệu sách này tương phản với những xanh đỏ xung quanh khiến tôi quyết định bước vào ngó nghiêng. Đây là nơi tôi mua quyển sách ngoại văn đầu tiên, Tunnels của hai tác giả người Anh Roderick Gordon và Brian Williams, tên tiếng Việt của sách là “Âm phủ” do dịch giả Lý Lan chuyển ngữ. Điều đặc biệt nhất của hiệu sách này ở thời điểm đấy là họ cho phép người mua tự chọn sách trên các trang bán sách quốc tế, người mua sẽ chịu phí vận chuyển và phí dịch vụ để có thể mua một quyển ngoại văn mình thích từ nước ngoài về. Hoạt động giao dịch này giờ đã quá phổ biến và đơn giản với bất kì ai có sở hữu một thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng ngân hàng.

Nếu sự tiện lợi của việc mua sách ngoại văn nằm ở các bước thanh toán được đơn giản hóa, thì sự tiện lợi của sách điện tử còn được đẩy lên một mức cao hơn là rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi. Thời gian trung bình để một quyển sách giấy từ Anh hay Mỹ về Việt Nam là từ ba tuần đến một tháng rưỡi, kèm theo khả năng thất lạc bưu phẩm dọc đường. Còn đối với những ai có một thiết bị đọc sách điện tử, nếu quá nóng lòng muốn đọc một tác phẩm mới, dù đó là hư cấu hay phi hư cấu, chỉ cần qua một cái chạm tay, sách sẽ được tải về ngay lập tức, vào đúng ngày phát hành toàn cầu.

Ước mơ sở hữu những thư viện sách hoành tráng từ thời cổ đại cho đến nay vẫn ám ảnh nhiều tín đồ sách vở. Các nhà quý tộc thế kỉ 18 dành cả một không gian rộng lớn tại gia để lưu trữ sách, đối với họ, một thư viện đa dạng là một niềm tự hào. Điều phiền toái duy nhất là họ không thể mang theo thư viện ấy đi chu du tứ xứ, và các thiết bị đọc sách hiện đại giải quyết ổn thỏa vấn đề này. Công nghệ lưu trữ đám mây ngày nay giúp người mua có thể gây dựng một thư viện điện tử lên đến hàng nghìn quyển và không ngừng mở rộng.

Tôi luôn ưu tiên lắp đầy những mảng thời gian trống bằng việc đọc, khi chờ một chuyến bay bị hoãn liên tục, lúc đợi bác thợ rửa chiếc xe máy đã chinh chiến lâu ngày, vào một đêm vắng lặng ở giữa đảo hay giữa những ngày tưởng chừng như không bao giờ kết thúc. Tôi nghĩ đã từ rất lâu tôi không còn phải loay hoay tự hỏi: “Tôi phải mang theo quyển tiểu thuyết này hay để lại quyển truyện ngắn kia?” trong những chuyến đi. Tại sao phải chọn khi tôi có thể có tất cả, vì những quyển sách tôi đọc không chỉ được lôi ra từ một chiếc ba lô, cầm ra từ một nhà sách mà đến từ một đám mây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn