MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Tranh: Phạm Công Tâm

Di sản văn hóa sẽ còn khi chúng ta thực tâm coi trọng di sản

T.S Nguyễn Thị Hậu LDO | 03/09/2020 09:30
75 năm qua, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của nước ta đã đạt được thành tựu lớn trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1.

Ngay sau cuộc Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời số 65 ngày 23.11.1945, trong đó nêu rõ ý nghĩa quan trọng của bảo tồn di sản: Xét rằng việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam. Đồng thời ra lệnh: Cấm phá huỷ những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá huỷ những bi ký, đồ vật, chiểu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính sách tôn giao hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn.

Như vậy, giá trị và vai trò của bảo tồn di sản đối với phát triển quốc gia đã được chính quyền non trẻ của Việt Nam kịp thời nhìn nhận. 75 năm qua, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của nước ta đã đạt được thành tựu lớn trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, quá trình hiện đại hóa đất nước đã có những tác động tiêu cực đến bảo tồn di sản. Số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ngày càng nhiều nhưng trên thực tế sự phá hủy, làm hư hại di sản cũng không hề nhỏ. Đặc biệt, ở các đô thị và vùng đô thị hóa đã mất mát nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan tự nhiên... Do đó, việc xác định giá trị của di sản cũng như những cách thức bảo tồn di sản trong đời sống hiện đại luôn cần được đặt ra và nhắc lại.

2.

Di sản văn hóa, có thể hiểu một cách khái quát, là các công trình và tập quán mà một xã hội được kế thừa từ quá khứ, muốn bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ  tương lại. Có thể coi một đối tượng là di sản khi hội đủ ba tiêu chí, cũng là ba giá trị cơ bản: Tính truyền thông, tính khoa học, tính kinh tế.

Nếu những công trình còn khá nguyên vẹn dễ dàng nhận thức, đánh giá giá trị nhiều mặt, thì những tàn tích, phế tích lại mang giá trị hồi tưởng quá khứ. Giá trị lịch sử này bù đắp cho sự thiếu hụt giá trị nghệ thuật hay thẩm mỹ, là tiêu chí quan trọng để bảo tồn, thậm chí phải bảo vệ cấp bách những tàn tích, phế tích.

Những tiêu chí được xác lập do chủ quan con người ở mỗi thời đại, mỗi thể chế. Vì vậy, một công trình hay quần thể công trình, cảnh quan thiên nhiên có là “di sản” hay không phụ thuộc vào mỗi xã hội, cộng đồng, thậm chí từng cá nhân, kể cả việc bảo tồn di sản cũng vậy. Giá trị lịch sử, giá trị truyền thông còn làm cho di sản trở thành “ký ức cộng đồng”. Bảo tồn di sản là gìn giữ và làm dày thêm ký ức, nối dài thêm lịch sử cộng đồng, trong đó có lịch sử từng gia đình, từng con người. Phá hủy di sản là xóa bỏ ký ức, hành vi này làm thiệt hại cho xã hội và gây tổn thương về tinh thần cho cộng đồng.

3.

Một vấn đề luôn được đề cập đến là bài toán giữa bảo tồn di sản và phát triển, trong đó luôn bao hàm sự phức tạp từ chính các yếu tố cốt lõi: Lựa chọn lợi ích về kinh tế hay văn hoá lịch sử? Lợi ích đường dài hay chỉ là trước mắt? Từ đây, có thể thấy rằng, vai trò của chính quyền vô cùng quan trọng, là yếu tố then chốt quyết định vận mệnh và tương lai của di sản văn hóa ở từng địa phương và quốc gia.

Bảo tồn di sản từ chính sách của chính quyền. Bảo tồn di sản ngay từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đấy là tầm nhìn dài hạn. Cụ thể, cần có những chính sách đa dạng, linh hoạt phù hợp với thực tế nhưng trên quan điểm bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa. Những ý kiến, đề xuất của cộng đồng, thậm chí chỉ một thông tin liên quan hay phản ánh giá trị di sản văn hóa cần được chính quyền và nhà quản lý lưu tâm, xác minh và minh bạch trước công luận, để tạo sự đồng thuận trong việc bảo tồn di sản văn hóa và đặc biệt là di sản thiên nhiên.

Bảo tồn di sản gắn với cuộc sống người dân, sinh hoạt cộng đồng. Nhiều công trình kiến trúc, nhất là nhà cổ… người dân làm chủ sở hữu và đang cư ngụ. Cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa di tích và quyền lợi của người dân. Việc bảo tồn, gìn giữ công trình kiến trúc có giá trị nhưng phải đảm bảo tốt nhu cầu sống và phát triển kinh tế, xã hội của người dân. Người dân - chủ sở hữu của di tích - phải được hưởng một phần lợi nhuận từ nguồn lợi mà các di tích đem lại. 

Bảo tồn di sản gắn với sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Sự hiện diện của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ngoài ý nghĩa lịch sử truyền thống còn là yếu tố quan trọng cho “sự cân bằng tinh thần” cho con người trong nhịp sống “công nghiệp hóa” căng thẳng. Việc bảo tồn các công trình này, vì thế, mang đến giá trị tinh thần cho đời sống hiện đại. Cũng cần thấy trùng tu, tôn tạo di tích tôn giáo tín ngưỡng hiện nay phần lớn là nhờ cộng đồng. Đó cũng là một cách thức cộng đồng bảo vệ ký ức của mình và di truyền cho đời sau.

Bảo tồn di sản gắn với hoạt động du lịch. Phát huy giá trị di sản gắn với hoạt động du lịch là đặc trưng quan trọng của bảo tồn di sản. Du khách đến các di tích lịch sử văn hóa hay di sản thiên nhiên bên cạnh việc nghỉ ngơi giải trí còn tìm hiểu về những đặc trưng văn hóa bản địa. Du lịch gắn với di sản còn nhằm bảo vệ sự đa dạng văn hóa - vốn xã hội quan trọng để phát triển bền vững. Du lịch đóng góp cho ngành “kinh tế di sản” một nguồn thu lớn để phục vụ trở lại việc trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa.

Bảo tồn di sản gắn với nghiên cứu và chuyển giao tri thức cho cộng đồng. Nghiên cứu khoa học nhằm chỉ ra những giá trị văn hóa, cơ sở khoa học và pháp lý, giúp chính quyền và chủ nhân di tích có biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Từ đó phần góp quảng bá hình ảnh của di sản một cách rộng rãi và đúng đắn, thông qua các phương tiện truyền thông mà phổ biến là sách báo, tạp chí, internet... Kết quả nghiên cứu cần được truyền bá, “chuyển giao” tri thức và ý thức bảo vệ di sản văn hóa cho cộng đồng. Đó là một trách nhiệm quan trọng của nhà nghiên cứu.  

Bảo tồn di sản bằng sự tham gia của cộng đồng. Cộng đồng trong vai trò phản biện, góp ý và giám sát chính là “sức ép” từ công luận xã hội buộc chính quyền, nhà quản lý phải xem xét lại chính sách, quy trình quản lý và thực thi bảo tồn di sản. Ngày nay, nhiều tri thức và kinh nghiệm của thế giới được phản ánh từ hiểu biết của cộng đồng chứ không chỉ bó hẹp trong giới học thuật như trước kia, một thuận lợi để nhà quản lý có thể tham khảo và hành xử phù hợp với di sản.

Kinh nghiệm phát triển của nhiều quốc gia đã cho thấy, bảo tồn di sản thực chất là “kết quả dàn xếp các xu hướng mâu thuẫn”. Trong đó, mâu thuẫn lớn nhất là di sản là tài sản của cộng đồng nhưng thường bị coi là “gánh nặng” của chính quyền. Vấn đề bảo vệ di sản văn hóa thực chất là việc ban hành và thực thi chính sách quản lý và phát triển văn hóa. Để hạn chế mâu thuẫn này, chính quyền phải thực tâm coi trọng di sản và trang bị tri thức về “nguồn vốn xã hội đặc thù”, đưa bảo tồn di sản tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và từng địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn