MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch giả Dương Tường (trái).

Dịch giả Dương Tường: Phải làm cái khó hơn mình một chút

HẢI AN (thực hiện) LDO | 20/07/2018 07:00
Đi vào con đường dịch thuật từ những năm 60 thế kỷ trước, đến nay, sau gần 60 năm làm nghề, dịch giả Dương Tường đã có gần 60 tác phẩm dịch. Ông được đánh giá là một trong số ít dịch giả văn học có tầm vóc ở Việt Nam xét ở nhiều phương diện.

Thưa dịch giả Dương Tường, việc học trong môi trường giáo dục của người Pháp với lợi thế về ngoại ngữ có phải là lý do quan trọng đưa ông đến với dịch thuật?

- Tôi đã có những năm tháng học trong nhà trường người Pháp giảng dạy, nhưng 14 tuổi tôi theo Việt Minh lên chiến khu làm liên lạc. Trong balô của tôi khi ấy, bao giờ cũng để 2 cuốn từ điển tiếng Anh và tiếng Pháp cùng cuốn thơ “Con tàu say” của Rimbaud.

Sau năm 1954, hòa bình lập lại, chúng tôi trở về Hà Nội, lấy thư viện làm trường Đại học của mình để bù lại khoảng thời gian bỏ trường đi kháng chiến. Vừa là nhặt nhạnh lại, mót lại kiến thức, vừa phải mày mò tự học thêm trên chút vốn liếng có từ trước. Đam mê văn học chính là hướng để chúng tôi trau dồi kiến thức, đi tìm những cái mình cần.

Còn về dịch thuật, không phải là việc định sẵn, mà trong quá trình đọc thấy những tác phẩm văn học nước ngoài hay như thế mà ít người biết đến thì phí quá. Nhưng có lẽ lý do chính hơn là nhu cầu đời sống khi ấy, không có cách nào kiếm ăn, dịch sách là con đường kiếm ăn để nuôi vợ con.

Đây có phải là lý do để ông gắn bó trọn đời với dịch thuật?

- Cái chính để tôi gắn bó là sự đam mê. Vì cho đến giờ làm cả đời gần sáu chục tác phẩm nhưng tôi chưa bao giờ là một người có nhiều tiền cả. Tôi dịch tác phẩm văn học Pháp, văn học Anh, tiếng Việt của tôi giỏi hơn. Nói cách khác, tôi sẽ không viết tiếng Việt hay nếu tôi không dịch tiếng Anh, tiếng Pháp. Vì thông qua việc dịch, qua nỗ lực cố gắng truyền đạt cái hay, cái đẹp của tác phẩm, cũng là một cách để người dịch luyện bút chuyển thành thứ tiếng Việt đẹp tương đương về từ ngữ, ngữ pháp, ngữ điệu.

Vậy thông thường các tác phẩm ông chọn dịch có tiêu chí gì và theo ông, đâu là phẩm chất cần có của một dịch giả chuyên nghiệp?

- Trong cuộc đời làm việc của mình, tôi có một có phương châm là: Phải làm cái gì khó hơn mình một chút. Cái quá khó không làm được hay chưa làm được đã đành, nhưng không làm cái dễ, cái vừa sức mình. Vì làm cái bằng với mình thì không cần cố gắng còn làm cái khó hơn mình một chút thì phải kiễng chân lên, và mỗi lần như vậy mình cao hơn.

Những tác giả, tác phẩm mình dịch mình phải yêu hoặc là văn chương đẹp. Điểm nữa là tác phẩm phải có điểm gì đó cách tân về hình thức (chữ hoặc phong cách). Đánh giá một nhà văn hay một dịch giả văn học chuyên nghiệp, cái chính yếu là văn đức. Tức là lòng đam mê, tình yêu, lương tâm với nghề. Mình có trách nhiệm với tác phẩm của mình, với cuốn sách mình dịch và vì mục đích tốt đẹp đóng góp vào cái chung của xã hội chứ không phải chạy theo thị hiếu thấp kém của một số độc giả thích những chuyện giật gân câu khách, chuyện tình ái mùi mẫn, dung tục tầm thường.

Ông có cho rằng việc chạy theo thị hiếu trước mắt là một trong những nguyên nhân khiến cho nền dịch thuật ở Việt Nam không có nhiều tên tuổi lớn?

- Đó là một phần nguyên nhân khi ở ta chưa có nhiều người dịch thực sự tâm huyết với nghề. Điểm nữa là khả năng luôn luôn tự trau dồi ở họ còn thấp. Dịch văn học không chỉ là chuyển ngữ tác phẩm, mà là truyền tải được cái tinh thần của tác phẩm. Phải hiểu ngọn nguồn tác giả cũng như bối cảnh xã hội ra đời tác phẩm. Người dịch văn học cần trau dồi kiến thức về các lĩnh vực khác đặc biệt là triết học, tâm lý học. Sự hiểu biết sâu rộng kiến thức là nhân tố bồi dưỡng con người cả về mặt tri thức lẫn văn hóa, đóng vai trò làm nền tảng cần thiết phát triển mọi lĩnh vực, trong đó có dịch thuật.

Những tác phẩm văn học dịch hay là món ăn tinh thần hấp dẫn với độc giả Việt, nhưng liệu chúng có sức ảnh hưởng đến tư duy sáng tác của nhà văn Việt Nam, đến nền văn học Việt Nam?

- Có những tác phẩm văn học dịch là tác phẩm hay thì ảnh hưởng tốt đến nền văn học Việt. Vì chúng ta có cái để so sánh, đối chiếu để thấy lỗ hổng của mình. Một điểm yếu của văn học Việt Nam cho đến nay vẫn là dung lượng triết học trong tác phẩm văn học ít mặc dù so với văn học thế giới thì văn học Việt Nam không phải không có những tác giả lớn trong những giai đoạn nhất định.

Xin cảm ơn ông!

Dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932 tại Nam Định. Ông được biết đến là một dịch giả, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật... Ông là tác giả của nhiều tác phẩm văn học dịch quen thuộc như: Tập truyện ngắn “Cây tường vi”, “Anna Karenina”- Lev Tolstoy, “Cuốn theo chiều gió” - Margaret Mitchell, “Đồi gió hú” - Emily Brontë, “Cái trống thiếc”- Günter Grass, “Kafka bên bờ biển” - Haruki Murakami...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn