MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Poster một số phim của đạo diễn Akira Kurosawa. Nguồn ảnh: IMDb

Điện ảnh Nhật Bản, sự níu kéo của quá khứ và vấn đề đương đại

BÙI TRÍ HIẾU LDO | 10/11/2019 06:30

Vài năm gần đây, khi nhắc đến điện ảnh Nhật Bản, số đông thường nghĩ tới phim hoạt hình hoặc những phim live-action - phim hoạt hình phiên bản người đóng. Nền điện ảnh truyền thống của Nhật đang phát triển chậm lại, trong khi nhìn lại quá khứ từng đứng trên đỉnh huy hoàng và nhận lấy mọi sự kính trọng từ khắp thế giới.

Sân khấu truyền thống, cốt lõi của điện ảnh Nhật

Điện ảnh được truyền bá đến Nhật sau thời kỳ Minh Trị (1868-1912) khoảng 30 năm. Điện ảnh Nhật khởi đầu với tư cách là một loại hình nghệ thuật phục vụ quần chúng. Từ kỷ nguyên phim câm đến phim đen trắng, đứng đầu bởi Kenji Mizoguchi đã gắn kết những giá trị truyền thống vào điện ảnh thông qua thể loại jidaigeki (phim lịch sử) với các bộ phim nổi tiếng như Zangiku Monogatari (Chuyện của những đóa hoa cúc muộn) (1939) được chọn để trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes 2015; Saikaku Ichidai Onna (Cuộc đời của Oharu) (1952) đoạt giải thưởng quốc tế tại Liên hoan phim Venice năm 1952; Ugetsu (1953) và Sanshou Dayuu (Quan khâm sai Sansho) (1954) đều đoạt giải Sư tử bạc ở Liên hoan phim Venice hai năm liên tiếp 1953-1954.

Trong thế hệ phim đen trắng sau đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ từ Ozu Yasujiro đã tạo nên thể loại phim mang tiết tấu chậm, phản ánh hiện thực xã hội với thái độ nhẹ nhàng nhưng ẩn sâu một nỗi buồn day dứt, ảnh hưởng khá lớn đến xu thế làm phim sau này. Những bộ phim như Banshun (Xuân muộn) (1949); Bakushu (Hè sớm) (1951); Tokyo Monogatari (Câu chuyện Tokyo) (1953)… đã lấy đi biết bao nước mắt của khán giả trời Tây sau khi ông qua đời. Gần đây, đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda đạt giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2018i với bộ phim Manbiki Kazoku (Gia đình trộm vặt) cũng được xem là người thừa kế di sản của Ozu.

Một loại hình sân khấu khác cũng ảnh hưởng điện ảnh là kịch Noh, chuyên phục vụ trong sân khấu cung đình, cho các tầng lớp cai trị phong kiến, mang đậm triết lý nhà Phật, giá trị giáo dục và nghệ thuật khá cao. Sân khấu của kịch Noh được ví von như thế giới của các vị thần, mỗi diễn viên đều đeo một chiếc mặt nạ riêng tượng trưng cho nhân vật. Nội dung kịch thường là chuyện lịch sử, thần thoại, ngụ ngôn và cả những sự kiện thường ngày.

Với tính ẩn dụ đầy ma mị và kỳ ảo của kịch Noh, nhiều đạo diễn Nhật đã vận dụng nét đẹp đó vào phim để thể hiện những tầng ý nghĩa sâu sắc hơn, tạo nên một dòng phim nghệ thuật đặc trưng rất riêng của Nhật Bản, mà đứng đầu là đạo diễn Akira Kurosawa. Ông đã tạo nên một thế giới phim giống như triết lý của đạo Shinto (Thần đạo) của Nhật Bản coi mọi vật trong tự nhiên từ hòn đá, con suối cho đến khúc cây già nằm trên mặt đất đều có linh hồn sống trong đó.

Bộ phim Yume (Giấc mơ, 1990) của Kurosawa thể hiện rõ nhất sự ảnh hưởng của kịch Noh trong tác phẩm với câu chuyện phim là cuộc dạo chơi của ông trong những giấc mơ. Với thành tích đáng nể là những giải danh giá như Sư tử vàng và Cành cọ vàng, Kurosawa được cả hai Liên hoan phim Venice và Oscar trao giải thành tựu trọn đời năm 1982 và 1990.

Điện ảnh thương mại yếu kém do sự lũng đoạn thị trường

Đối với điện ảnh Nhật hiện đại, có lẽ nguyên do chính mà điện ảnh vẫn tồn tại được đến bây giờ phần lớn là bởi sự phát triển không ngừng nghỉ của văn học Nhật Bản. Dù rằng cả anime và manga đều là những sản phẩm thương mại quan trọng và nổi tiếng thế giới nhưng văn học lại là cái nôi sáng tạo của cả anime (phim hoạt hình Nhật hay với phong cách Nhật), manga (truyện tranh, biếm họa Nhật) và điện ảnh. Nhìn vào danh sách các phim Nhật trong năm nay trên wikipedia thì có gần một nửa là các bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết văn học.

Tuy nhiên, hầu hết các phim điện ảnh chuyển thể từ văn học hiện nay có nội dung hay vì kịch bản cốt truyện tiểu thuyết nhưng lại không có kỹ thuật làm phim nổi trội. Hầu hết các cảnh quay trong phim đều là các cảnh quay cận từ hông trở lên, tạo cảm giác rất gần gũi, khép kín trong các mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau. Đây chính là kỹ thuật quay phim nổi tiếng của Ozu. Ông đã tạo nên góc nhìn máy quay đậm “chất Nhật” mà theo ông thì “đó là cách người Nhật nhìn ra thế giới”. Tuy nhiên, sự lặp đi lặp lại những cảnh quay này cũng đã trở thành một nếp cũ dễ nhàm chán cho người xem. Ngoài ra, diễn xuất của các diễn viên Nhật vẫn chưa đạt được sự nhuần nhuyễn về mặt biểu cảm như phương Tây. Một phần có thể do nét văn hóa Á Đông của người Nhật luôn che đi cảm xúc trong giao tiếp, ứng xử nhưng phần lớn là do diễn viên thường không được trả lương cao nên không bỏ nhiều công sức vào vai diễn. Bên cạnh đó, kỹ xảo điện ảnh lại càng là điểm yếu dễ thấy của phim Nhật…

Thêm nữa, sự lũng đoạn của Hệ thống sản xuất phim (Seisaku Inkai Hoshiki) nhằm giảm thiểu rủi ro phát sinh và đảm bảo số tiền đầu tư của các tập đoàn điện ảnh bỏ ra sẽ sinh lời rồi trở về túi họ, đã giết chết mọi khả năng sáng tạo của điện ảnh. Ở Nhật, nhiều đạo diễn đã trở thành con rối trong tay các ông chủ tập đoàn điện ảnh lớn, những quyền lực thực sự đang duy trì vị thế tài phiệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn