MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cảnh trong “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”

Điện ảnh Việt năm qua: Yếu nhất vẫn là khâu kịch bản

MINH THI LDO | 11/04/2017 07:30
Sáng 9.4, buổi tọa đàm “Những vấn đề của sáng tác điện ảnh và phim truyền hình hiện nay” trong khuôn khổ giải Cánh diều 2017 đã diễn ra tại TPHCM, thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và giới truyền thông.

Trong số 19 tác phẩm điện ảnh tham dự giải, BTC Cánh diều đánh giá cao sự phong phú về chất lượng, song không có phim nổi bật thực sự. Hài nhảm đã giảm, song đề tài đồng tính lại tràn lan, nhiều lúc phản cảm.

GS-TS Trần Luân Kim - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - cho rằng năm qua, nhiều bộ phim Việt đã được đầu tư một cách bài bản và tạo ra những hiệu ứng tốt, không thua kém các “bom tấn” trong khu vực. Điển hình là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, một trong những tác phẩm điện ảnh Việt gây chú ý nhất trong năm 2016, được ông đánh giá cao nội dung, phần thể hiện hình ảnh và đặc biệt là kỹ xảo đẹp mắt trong phim. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra hạn chế của phim: “Nếu ra mắt cách đây 15 năm trước, phim có thể sánh ngang với nhiều bom tấn nước ngoài. Tuy nhiên, cũng như các bộ phim võ thuật đang mắc phải, phim thiếu vắng bóng dáng võ Việt. Những pha võ thuật đẹp mắt đều mang phong cách phim cổ trang Kim Dung”.

Cũng theo GS-TS Trần Luân Kim, khâu yếu nhất trong các bộ phim hiện nay vẫn là kịch bản. Việc nhiều bộ phim mới đi theo lối mòn và ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim mua kịch bản nước ngoài để “xào nấu” lại là minh chứng rõ ràng cho việc nhiều nhà làm phim đang cảm thấy lúng túng ở khâu kịch bản. Cái yếu nữa là phim Việt khá dông dài, luôn phải giải thích vì sợ… khán giả không hiểu được.

Về mặt bằng chung, các tác phẩm điện ảnh đã được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn về phần hình ảnh, âm thanh, xử lý chi tiết, nhịp điệu tốt, tạo ra được những phong cách riêng và thu hút khán giả.

Ở mảng phim truyền hình, đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần nhận xét: Về đề tài, nội dung của phim, dòng phim chính luận ít hẳn, mặc dù cũng có phim nói về lợi ích nhóm, cuộc đấu tranh giữa các doanh nghiệp, tham nhũng... Dòng phim tâm lý xã hội khá phát triển trên truyền hình, có nhiều phim tạo ấn tượng tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tác phẩm dự giải đã chạy theo thị hiếu khán giả, lồng ghép những yếu tố hành động, hài hước và tình cảm. Quá nhiều phim về xã hội đen, băng nhóm, nên đa phần có cảm giác nhiều phim giông giống nhau. Một điểm nữa dễ thấy là phim truyền hình chạy theo xu hướng quảng cáo, nhiều tập phim giống như “bôi” ra, kéo dài, lạm dụng phần hồi tưởng (vì sợ khán giả… không hiểu), ảnh hưởng không ít đến chất lượng.

“Có một thực tế là những năm gần đây, phim truyền hình buộc phải đạt chỉ tiêu về quảng cáo. Chính vì vậy, những nhà làm phim cũng chạy theo xu hướng câu khách, làm nhiều phim về đề tài thanh thiếu niên thật vui tươi hoặc làm về đề tài hành động, điều tra vụ án. Việc khai thác quá sâu vào tội ác, những cảnh hành động đẫm máu hoặc các cảnh nóng trong phim truyền hình nếu không được kiểm duyệt nghiêm ngặt sẽ gây ra sự phản cảm, khó xử đối với những gia đình có trẻ con xem phim cùng người lớn” - ông nhận định.

Ở mảng phim tài liệu, theo đạo diễn - NSND Lê Hoàng Chương (Trưởng ban Giám khảo phim tài liệu khoa học), một số phim không đi theo tư duy lối cũ, tìm cách thể hiện mới, không áp đặt bằng lời bình. Tuy nhiên, chưa có phim nổi bật thực sự như những năm trước, việc sử dụng âm nhạc trong phim hơi bị lạm dụng. Về mức đầu tư, có sự chênh lệch lớn giữa các hãng của Nhà nước và tư nhân. Mảng phim hoạt hình chưa thực sự tạo đột phá, nên chăng đã đến lúc thay đổi cách kể chuyện như minh họa, thay đổi nét vẽ nhân vật và làm phim nhiều tập thu hút trẻ em.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn