MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Điện Biên Phủ, những kỷ vật kháng chiến lạ lùng, độc đáo

Phạm Đông LDO | 07/05/2022 13:27

Ngày 7.5.1954, quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Suốt từ năm 1956 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không ngừng tìm kiếm, sưu tầm để lưu giữ những hiện vật đặc biệt gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tấm bản đồ Điện Biên Phủ

Thượng tá Lê Vũ Huy - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cho biết, nói về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, người ta thường nhắc nhiều đến câu chuyện “kéo pháo vào, kéo vào ra”. Điều này rất đúng bởi đó thực sự là một kỳ tích của quân và dân ta. Nhưng còn một điều là để bắn trúng mục tiêu cứ điểm quân Pháp trong điều kiện thiếu thốn trang bị cũng là một kỳ tích của bộ đội Pháo binh.

Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện lưu giữ một hiện vật đặc biệt gắn với Đại tá Đào Văn Trường - nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351, người chỉ huy lực lượng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Câu chuyện về hiện vật này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thành tích của lực lượng pháo binh trong chiến dịch lịch sử ấy.

Đó là tấm bản đồ Điện Biên Phủ có tỉ lệ 1/25.000 do Đại tá Đào Văn Trường tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam năm 2004. Đại tá Đào Văn Trường tên khai sinh là Thành Ngọc Quản, sinh năm 1916, nguyên quán tại làng Bạch Mai, Hà Nội (nay là phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ông tham gia cách mạng từ năm 1936, vào Đảng năm 1938.

Từ năm 1953 đến năm 1954, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tá Đào Văn Trường là quyền Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công pháo 351. Theo cuốn Kỷ vật kháng chiến, Đại tá Đào Văn Trường từng kể, tất cả Bộ chỉ huy Pháp đều bất ngờ vì không hiểu sao trong điều kiện không có đường sá mà quân ta có thể đưa mấy chục khẩu pháo nặng tới 2 tấn vào cách tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả xâm phạm” chỉ chừng vài kilômét. Chưa kể máy bay đánh phá ngày đêm, biệt kích lùng sục khắp nơi mà chúng không phát hiện được cả vạn người kéo tay những khẩu pháo nặng, vượt qua những đoạn đường dốc tới cả mấy chục độ!

Cả khối lượng công việc khổng lồ “khoét núi, ngủ hầm” đã được bộ đội ta hoàn thành trong vòng chưa đến một tháng trời. Đó cũng là một kỳ tích!

Những ngày đầu, Đại tá Đào Văn Trường và đồng đội chỉ có trong tay tấm bản đồ 1/100.000 thiếu nhiều chi tiết nên việc chọn địa hình đặt pháo gặp rất nhiều khó khăn và vô cùng vất vả. Đơn vị phải dùng ống nhòm, vừa đi vừa mở đường, quan sát độ dốc, bổ sung ngọn núi, con suối không có tên trên bản đồ. Cách làm mang tính thủ công ấy khiến cho tầm nhìn của pháo binh bị hạn chế nhiều. Giữa lúc chiến dịch đang bước vào giai đoạn ác liệt thì một tổ trinh sát của Trung đoàn 148, Đại đoàn 351 đã “vớ” được của quý.

Đầu tháng 2 năm 1954, tổ trinh sát gồm 5 người thuộc Đại đội 42, Tiểu đoàn 426, Trung đoàn 148 đột nhập vào khu trung tâm Mường Thanh điều tra tình hình địch. Khi đến vị trí Căng-Na-Nà-Noọng thuộc cứ điểm 203 thì phát hiện một số đồ tiếp tế địch thả dù xuống, trong đó có một ống tròn bịt kín. Khi lấy được chiến lợi phẩm và rút về đơn vị, đến sông Nậm Rốm thì bị địch phát hiện, đội trinh sát chống trả quyết liệt, hy sinh một người. Sau khi trở về, tổ trinh sát mở hộp ra thì thấy tập bản đồ tỉ lệ 1/25.000 và nhiều tấm ảnh cỡ 24 x 30 ghép lại là 49 cứ điểm đóng quân của địch ở Điện Biên Phủ.

Tấm bản đồ lập tức được chuyển về Sở chỉ huy tiền phương xác định, sau đó chuyển về Xưởng sản xuất bản đồ Bộ Tổng Tham mưu vẽ và in gấp phát cho các đơn vị. Chính nhờ “bảo bối” này mà pháo binh của ta đã triển khai trận địa dễ dàng theo phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung” mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng căn dặn. Có bản đồ, pháo 105mm như có mắt, bắn rất chính xác vào các cứ điểm của Pháp.

Chính nhờ tấm bản đồ này, quân ta vẽ được các vị trí của địch và chọn địa điểm đặt pháo của ta, hiệu chỉnh đường bắn pháo. Thời điểm ấy, Đại tá Đào Văn Trường không nghĩ chiến dịch Điện Biên lại kết thúc sớm như vậy nên còn đánh dấu bằng mực màu đỏ đường chuyển pháo của ta trong trường hợp cuộc chiến kéo dài.

Xe đạp thồ - sự sáng tạo của người dân công năm xưa

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng chục nghìn dân công đã hăng hái tham gia vận tải tiếp tế đảm bảo hậu cần cho mặt trận. Trong điều kiện thiếu thốn, nhưng các dân công đã liên tục lập nhiều kỷ lục chở từ 100 đến 250kg hàng hóa; trong đó, Cao Văn Tỵ (dân công tỉnh Thanh Hoá) đã chở tới 320kg/chuyến, được mọi người gọi là “Kiện tướng xe thồ”. Những chiếc xe đạp thồ đang được lưu giữ và trưng bày là minh chứng sinh động về ý chí, nghị lực, trí thông minh, sáng tạo của người dân công năm xưa.

Để chở được nhiều hàng hóa, anh Cao Văn Tỵ đã gia cố thêm khung, vành, tay lái cho xe chắc chắn hơn. Dọc thân xe có thêm một thanh ngang có thể đỡ được 200kg gạo. Các nan hoa được nẹp thêm để tăng độ bền, độ chịu lực cho xe. Ở phần trước của xe được gắn thêm một khúc tre dài làm tay lái, một khúc tre ngắn hơn dùng giữ thăng bằng và làm tay phanh. Sự sáng tạo đó đã tăng được sức tải của xe, gấp từ 10 - 20 lần so với người gánh.

Để chở hàng lên trận tuyến, những dân công sử dụng xe đạp thồ được tổ chức thành từng đoàn. Mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội có từ 30 đến 40 người và xe, trong đó có 1 xe chở phụ tùng thay thế. Hầu hết các con đường lên trận tuyến lúc đó đều mới phát quang, vừa dốc, hẹp lại không được thắp đèn, người đi trước phải treo miếng vải trắng nhỏ để người đi sau nhìn mà biết đường.

Vận chuyển hàng dài ngày giữa rừng thiêng nước độc nên hầu như ai cũng bị sốt rét, chưa kể bị thương vì đường trơn, đèo dốc và bom đạn. Song anh Cao Văn Tỵ cùng với dân công Bùi Tín (quê Thanh Hoá, người 2 lần vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba) luôn động viên anh em vượt qua khó khăn. Phong trào thi đua “Thồ nhiều, đi nhanh” do các anh phát động lan rộng ra khắp mặt trận.

Những người nông dân chỉ quen với đồng áng như anh Cao Văn Tỵ đã sáng tạo, biến chiếc xe đạp thô sơ trở thành phương tiện vận tải hiệu quả, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - “thiên sử vàng” huyền thoại.

Theo Thượng úy Trịnh Thu Hà - cán bộ bảo tàng, trong số hàng nghìn tài liệu, hiện vật ghi dấu thành tích của những cuộc kháng chiến của quân và dân ta, bảo tàng còn có riêng một Phòng chiến thắng Điện Biên Phủ trưng bày những kỷ vật để kể lại chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Trong đó, hiện nay bảo tàng còn lưu giữ bức hình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp để chủ trương chiến lược Đông Xuân năm 1953 - 1954. Bức ảnh cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh họp bàn cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo kế hoạch tác chiến trong chiến dịch. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng có một số bức ảnh về việc bộ đội Việt Nam được chỉnh huấn về mặt chính trị, từ đó nâng cao tinh thần, quyết tâm dành tất cả cho tiền tuyến, dành tất cả cho chiến thắng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn