MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018: Triển khai vào cuộc sống

M. K LDO | 05/12/2018 17:09

Chiều 5.12, Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 chính thức được diễn ra tại Hà Nội.

Tham dự sự kiện có ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Trương Gia Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cùng hơn 1.500 khách mời là những lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL – ông Lê Quang Tùng nhấn mạnh, để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững và  thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc tái cơ cấu lại ngành du lịch là hết sức cấp bách và cần thiết. Trong thời gian tới, ngành du lịch cũng cần tập trung cải thiện các điều kiện về hạ tầng, kết nối; tạo thuận lợi cho du khách; tăng cường số lượng nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý…

Ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: BTC. 

Đối với mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025, ông Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tổng thu sẽ là 45 tỉ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp. Và để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn đọng trong ngành du lịch hiện tại. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể với phương thức ra sao, công tác điều phối của du lịch cả nước như thế nào sẽ là vấn đề then chốt cần giải đáp trong thời gian tới.

Ông Lê Quang Tùng cũng nhận định thêm, diễn đàn cao cấp được tổ chức đúng vào thời điểm quan trọng để triển khai các giải pháp cơ cấu lại ngành du lịch cũng như đặt nền móng xây dựng chiến lược phát triển du lịch cho giai đoạn tới. Theo đó, Bộ VHTTDL đặc biệt kỳ vọng, những vấn đề đặt ra và thảo luận tại diễn đàn sẽ tạo ra sức sống mới cho ngành du lịch, tìm ra những hướng đi, cách làm hiệu quả để các giải pháp cơ cấu ngành du lịch triển khai vào cuộc sống.

Các bạn trẻ thích thú trải nghiệm cảm giác du lịch qua công nghệ VR. Ảnh: BTC.

Còn ông Trần Trọng Kiên - thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - cho biết, 10 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là khoảng 3 năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, du lịch vẫn còn vướng phải nhiều khó khăn như năng suất lao động ngành thấp, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao.

Cũng tại diễn đàn, nhiều vấn đề của ngành du lịch được các nhà quản lý, diễn giả, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước thảo luận khá sôi nổi với trong đó, nhiều vấn đề được đặt ra với những câu hỏi mở về chiến lược, mục tiêu trong 5 năm tới của du lịch Việt Nam. Và làm sao để đảm bảo tăng trưởng doanh thu ổn định và đồng đều trong bối cảnh thanh đổi nhanh chóng về công nghệ 4.0 và nền kinh tế chia sẻ?

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thảo luận trong Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam. 

Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế ViEF, diễn đàn do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Bộ VHTTDL, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) và Báo VnExpress phối hợp tổ chức sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày mai – 6.12.2018.  

Năm 2017, du lịch Việt Nam đón hơn 12,92 triệu khách quốc tế, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 510 nghìn tỉ đồng, đóng góp 7,5% vào GDP. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã xếp hạng VN là 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới; được WTA bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á.

Tuy nhiên, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam mới xếp hạng 67 trên 136 nền kinh tế và chỉ xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Lý do là bởi nhiều yếu tố mang tính cạnh tranh về du lịch chưa được cải thiện, nhiều hạn chế và điểm nghẽn để phát triển du lịch chưa được giải quyết triệt để như: Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ; nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; sản phẩm du lịch chưa đặc sắc; năng lực quản lý điểm đến còn khiêm tốn; phát triển du lịch chưa thực sự gắn với bảo vệ môi trường... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn