MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giếng cổ bị tô vẽ, làm mới để làm bối cảnh phim hài Tết. Ảnh: Thành Sơn

Đoàn làm phim hài Tết xâm phạm giếng cổ ở di tích Quốc gia Đường Lâm

Thành Sơn LDO | 08/11/2021 10:08

Người dân làng cổ Đường Lâm đang vô cùng bức xúc trước sự việc một đoàn làm phim đến quay phim hài Tết tại làng cổ Đường Lâm nhưng đã tự ý tô vẽ lên giếng cổ hàng trăm năm của làng. Đáng chú ý, giếng cổ này thuộc quần thể di tích văn hóa cấp Quốc gia làng cổ Đường Lâm. 

Đến di tích quay phim không xin phép, tự ý tô vẽ di tích làm bối cảnh

Quần thể di tích cấp Quốc gia làng cổ Đường Lâm có hệ thống giếng cổ nằm rải rác trong làng. Với Đường Lâm, giếng làng lại là bộ phận không thể thiếu trong không gian văn hóa của làng. Những chiếc giếng cổ đã tạo nên nét đặc sắc rất riêng của vùng đất hai Vua, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của rất nhiều du khách.

Thế nhưng, giếng đình Mông Phụ (nằm bên mé phải của đình Mông Phụ) là giếng lớn nhất, một trong những điểm thăm quan nổi tiếng ở Đường Lâm, lại vừa bị xâm hại bởi một đoàn làm phim đến quay phim hài Tết. 

Để xây dựng một bối cảnh cổ xưa trong phim, các thành viên trong đoàn phim này đã dùng vôi ve màu đỏ trộn với keo sữa để phủ lên toàn bộ cả bên trong và bên ngoài thành giếng, rồi dùng bút vẽ màu đen phủ trát, tô vẽ bên ngoài bề mặt giếng tạo hình gạch đá ong, tiếp đó vảy sơn màu xanh lên làm giả rêu phong. 

Đáng chú ý, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm- đơn vị trực tiếp quản lý di tích không hề được thông báo, xin phép bằng bất cứ văn bản nào, thậm chí không hay biết về việc có đoàn làm phim đến Đường Lâm. Chỉ đến khi người dân bức xúc thông báo, chiều 7.11, Ban Quản lý mới có mặt, phối hợp với UBND xã Đường Lâm, lập biên bản và đình chỉ hoạt động quay phim tại di tích này. 

"Đoàn làm phim chỉ trao đổi với lãnh đạo xã Đường Lâm bằng miệng, không có bất cứ văn bản giấy tờ nào. Hơn nữa, việc tự ý tô vẽ lên di tích văn hóa cấp quốc gia là vi phạm luật. Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã có mặt lập biên bản và đình chỉ hoạt động quay phim tại điểm di tích này. Đồng thời, chúng tôi yêu cầu đoàn làm phim phải hoàn trả hiện trạng di tích như cũ trước ngày 8.11"- ông Nguyễn Đăng Thạo- Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho hay. 

Ông Hà Văn Thắng- Trưởng thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm khẳng định người dân đã phát hiện ra việc đoàn làm phim tô vẽ lên di tích ở làng cổ Đường Lâm, tuy nhiên, khi đại diện thôn đến yêu cầu dừng những hành vi xâm hại di tích thì thành viên trong đoàn vẫn bất chấp, cho rằng đã được chính quyền chấp thuận. 

Còn đại diện UBND xã Đường Lâm khẳng định mới chỉ đồng ý bằng miệng về mặt chủ trương khi đoàn làm phim đến quay tại Đường Lâm chứ chưa nhận được văn bản giấy tờ nào về vấn đề này. "Việc họ tự ý tô vẽ lên di tích chúng tôi không hề biết và nếu có biết cũng không đồng ý"- vị đại diện này nói. 

Hình ảnh giếng cổ ở Đường Lâm bị tô vẽ, làm mới. Ảnh: Thành Sơn
 Đại diện đoàn làm phim cho rằng không vi phạm quy định vì chỉ tô vẽ lên di tích chứ không xây lại. Ảnh: CTV

"Chúng tôi chỉ vẽ lên để phục vụ cảnh quay"

Theo chia sẻ của ông Thạo, đoàn làm phim này thuộc Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long. Tại buổi làm việc chiều 11.7, ông Trương Đức Thắng - đại diện đoàn phim sau rất nhiều lần đôi co, phân trần, trình bày lý do với chính quyền địa phương, cũng đã thừa nhận thiếu sót, cho rằng sẽ rút kinh nghiệm, mong được thông cảm và tiếp tục tạo điều kiện cho đoàn phim được hoàn tất các cảnh quay.

Thế nhưng, nhiều người dân Đường Lâm cho biết, chứng kiến thái độ bất hợp tác của đại diện đoàn làm phim khi làm việc với chính quyền và Ban quản lý di tích Đường Lâm khiến cho họ hết sức phẫn nộ. 

"Tôi không xây lại thì tôi không vi phạm. Chúng tôi không xây lại cái đó, mà tôi chỉ vẽ lên để phục vụ cảnh quay, làm phim để phục vụ nhân dân. Tôi không vi phạm cái gì vì tôi làm việc với chính quyền địa phương, cần thiết tôi mời Chủ tịch xã vào để làm việc. Bao nhiêu năm quay phim ở đây tôi chưa bao giờ phải báo cáo với Ban Quản lý di tích!" - ông Thắng tuyên bố với đại diện Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm. 

"Chúng tôi làm phim để phục vụ nhân dân. Đây là một tác phẩm nghệ thuật làm nên để phục vụ toàn dân". "Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu. Chúng tôi chỉ tô bằng vôi ve tường, mưa cái là nó sạch. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm lần sau"- ông Thắng nói. 

Đại diện đoàn làm phim nhiều lần khẳng định mình không vi phạm gì, chỉ có sơ xuất là không báo cáo với Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm trước khi thực hiện quay phim tại các điểm di tích ở đây.

Hiện vấn đề này mới đang dừng lại ở việc lập biên bản, chưa có hướng xử lý, xử phạt rõ ràng. Người dân Đường Lâm lo ngại nếu không xử lý nghiêm việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, các đoàn làm phim sẽ tiếp tục tự do "đến và đi" mà không ai quản lý, thậm chí đến khi di tích bị xâm phạm thì "sự đã rồi". 

"Nhiều đoàn làm phim đến Đường Lâm, thích quay gì thì quay. Có cô diễn viên mặc yếm hở hang còn nhảy lên sập giữa nhà cổ để diễn những cảnh nhạy cảm. Có đoàn thì xả rác bừa bãi hoặc gây mất trật tự. Hậu quả thì người dân chúng tôi phải gánh chịu, di tích bị biến dạng"- bà Nguyễn Thị D, người dân ở Đường Lâm phẫn nộ lên tiếng.

"Làng chúng tôi có nhiều xóm, mỗi xóm có một cái giếng khơi quanh năm nước đầy và trong được xây bằng đá ong loại tốt nhất. Theo truyền thống ở đây, mỗi năm người dân chỉ được phép tu sửa, nạo vét, khơi giếng một lần và đều phải cúng lễ theo đúng phong tục của làng. Từ khi làng cổ Đường Lâm được xếp hạng di tích cấp Quốc gia thì việc quản lý di sản càng nghiêm ngặt hơn. Việc xâm phạm di tích và văn hóa như vậy không thể chấp nhận được" - ông Giang Văn H- người dân ở thôn Mông Phụ, Đường Lâm bức xúc nói. 

Hình ảnh giếng cổ trước đó. Ảnh: CTV
Thành giếng cổ được tô vẽ làm mới bằng vôi ve đỏ ối. Ảnh: Thành Sơn
Không chỉ tô bên ngoài, đoàn làm phim còn tô vẽ cả bên trong giếng. Ảnh: Thành Sơn
Người dân cho rằng lớp vôi ve khó lòng trôi đi hết vì độ bám khá tốt, khó có thể trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Ảnh: Thành Sơn
Người dân Đường Lâm cho hay họ rất bức xúc khi giếng Đình bị xâm hại. Ảnh: Thành Sơn
Màu sắc tươi mới ở giếng cổ làm mất đi vẻ đẹp thâm trầm cổ kính vốn có của cảnh quan nơi đây. Ảnh: Thành Sơn
Đoàn làm phim thực hiện các cảnh quay tại làng cổ Đường Lâm. Ảnh: CTV
Đoàn làm phim thực hiện cảnh quay tại nhà cổ ở Đường Lâm. Ảnh: CTV
 Đại diện đoàn làm phim phân trần với chính quyền địa phương về việc tự ý tô vẽ lên di tích cấp quốc gia, cho rằng đây là “việc đã rồi“, chỉ cần rút kinh nghiệm và xin tiếp tục quay. Ảnh: CTV

Nghị định số 38/2021/NĐ-CP đã quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cụ thể: Điều 20- Vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn, làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn